(VietNamNet) - Chẳng ai thích thú việc sáng nào cũng phải dậy sớm, ra bến xe buýt chờ đợi để tới lớp cho kịp giờ học. Nhưng biết làm sao, nếu nó là một phần của đời sống SV…
Xe buýt thời... quá tải
Hải - SV năm thứ 3, KHXH&NV thuê nhà trọ ở khu đô thị Linh Đàm. Thật oái ăm, khu này chỉ có tuyến xe buýt 37 đi qua. Xe 37 là loại xe nhỏ, 30 phút/lượt, đi qua khu vực đông dân cư, qua nhiều trường THCS, việc quá tải là… bình thường.
Chờ xe buýt
Nhà trọ của Hải cách trường chừng 4- 5 cây số. Nếu thuận lợi chỉ mất 15 phút là tới nơi. Thế mà hôm nào 6h sáng, Hải đã mai phục, túc trực ở bến xe buýt. Xe đến, không phải lúc nào cũng đi ngay được. Chuyện xe buýt bỏ bến, không bắt khách không có gì là lạ. Nhiều hôm xe bỏ tới 3- 4 chuyến, Hải ấm ức: mua chiếc xe đạp đi cho xong.
7h vào học, 6h bắt đầu đi, mà có hôm tới tiết 2 mới thấy Hải xuất hiện. Nguyên nhân cũng chỉ vì chờ… ông 37.
Mạnh - sinh viên ĐHKTQD, đi tuyến xe buýt 16, thuê nhà trọ ở Khương Thượng (đường Trường Chinh - con đường có tai tiếng về ùn tắc giao thông). Cách trường chừng 5 bến xe buýt mà thời gian chờ đợi có khi gấp 5 gấp 10 lần.
Hôm nào bắt được xe là may. Nếu không, phải chờ đến chuyến sau, có khi 30 phút là bình thường. Nhiều hôm tắc quá, xe 16 không đi Trường Chinh mà quay sang đường Tây Sơn - Chùa Bộc. Lại phải chờ…
Nhưng đứng trên xe cánh SV càng sốt ruột hơn vì xe đang dẫm chân tại chỗ không nhúc nhích thêm được tí nào. Phía dưới xe máy, ô tô cứ thế nối tiếp nhau, còn trên xe người đông, chẳng thể thay đổi tư thế đứng.
Nhà trọ ở gần trường thì không nói làm gì. Hễ nghe tiếng chuông báo vào giờ học, lúc đó phi tới lớp vẫn chưa muộn. Với Minh, vì điều kiện kinh tế gia đình, cậu phải thuê nhà trọ tận Phùng Khoang. Ở đây được cái chi phí rẻ nhưng bù lại con đường tới trường cũng không có gì "tươi sáng" cả.
Qua trường Đại học Điện lực chỉ mỗi tuyến xe 27. Tuyến này lại đi qua nhiều trường đại học khác như ĐHGT, KHXH&NV, ĐHKT, … nên lúc nào cũng đông đúc, nhất là vào giờ sinh viên đi học và về. Ra sớm đi học còn đỡ, hôm nào lỡ ngủ quên thì cứ đứng thế mà… chờ một hai tuyến bỏ bến.
Trong số những SV muộn giờ, có một phần đáng kể là những "cư dân" chuyên đi xe buýt. Giảng viên giảng bài, SV lần lượt kéo nhau vào lớp. Thầy bảo sao không đi sớm, còn SV thì "oan ức" vì đi sớm mà giờ mới tới lớp, dễ là thành phần bị "chú ý" vì làm lớp mất điểm thi đua…
Mất cắp: "chuyện thường ngày"!
Nhung - sinh viên ĐH Văn hóa kể: Hôm đó lớp có tiết kiểm tra giữa kỳ, chờ xe buýt mãi không tới. Lo lắng, sốt ruột. Mình gọi ngay cho đứa bạn nhờ nó làm bài giúp, rồi mình đến sau “bổ sung” tiếp. Cũng may mọi việc được giải quyết tốt đẹp.
Không may mắn như Nhung, hôm đó Thu cũng có tiết kiểm tra giữa kỳ. Chờ xe mãi vẫn không tới. Khi xe tới thì không dừng lại vì trên xe đã quá tải. Chờ 2-3 chuyến không thành, Thu phải ngậm đắng nuốt cay “hi sinh” 15 nghìn tiền đi chợ trưa nay để… đi xe ôm.
Nhiều “tai nạn” trong quá trình đi xe buýt khiến không ít sinh viên dở khóc dở cười. Mất của, họ tự động viên: thôi thì mất một lần cho biết, của đi thay người mà, lần sau rút kinh nghiệm!
Diễm - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kể lại tình tiết bị mất trộm điện thoại như trong phim hành động của Mỹ: Chỉ một bước chân xuống xe, rõ ràng toàn con gái thế mà chiếc điện thoại Nokia đời mới không cánh mà bay. Lập tức, cô mượn chiếc điện thoại đứa bạn gọi theo số máy của mình nhưng tên trộm đã nhanh tay tháo sim ra.
Diễm xót xa, tiếc của, SV lấy đâu ra tiền mua máy mới. Giờ liên lạc với bạn bè coi như bị… nghẽn mạng. Khổ nhất là bạn bè không biết mình mất điện thoại, lại nghĩ tiếc gì tin nhắn mà không nhắn lại.
Trên một số tuyến xe lớn, lợi dụng người đông, đường ổ gà ổ vịt, xe chao đảo bên tả bên hữu. Đó là thời điểm bọn trộm hành nghề, và nạn nhân là những “nai tơ sinh viên” còn đang ngơ ngác khi biết mình mất của.
Không chỉ phái yếu, ngay đến nam nhi cũng không thoát khỏi “sổ nam tào”. Vừa đi “lĩnh lương” bố mẹ gửi lên, Dũng gặp “tai nạn” ngay trên chuyến xe mà hàng ngày cậu vẫn đi học.
Dũng kể: Có một anh đeo kính cận, trông rất hiền lành. Anh này còn nói chuyện thân mật với Dũng như quen biết từ trước. Đến đoạn trả khách ở nhà chờ Cầu Giấy, chiếc xe lao nhanh rồi đột ngột dừng lại khiến anh kia ngã vào người Dũng. Rồi anh rối rít xin lỗi như một tai nạn “bất ngờ” không đáng có.
Đến điểm dừng tiếp theo, anh đeo kính cận trông trí thức kia cũng xuống xe! Về tới nhà cậu thực sự hoảng hồn vì chiếc ví không còn nữa.
Khóc cũng dở, cười cũng không xong, thế là mất toi một tháng tiền ăn và tiền nhà. Bắt đầu từ hôm đó cậu cẩn thận hơn khi đi xe buýt và không quên gọi điện về nhà trình báo sự việc nhằm xin cứu trợ khẩn cấp lần hai.
Thủ đoạn bọn trộm thay đổi liên tục và phức tạp. Cả người lái và phụ xe đôi khi chẳng phát hiện được. Theo quan sát của chúng tôi, khi khách chuẩn bị xuống xe, những tên trộm sẽ đứng ở cửa và chúng bắt đầu hành động. Có trường hợp chúng đứng ở phía sau người mang túi xách. Rồi tới bến, chúng xuống và mang theo hiện vật.
Anh Khánh - lái xe buýt tuyến 27 tâm sự: Chặng đường xe tương đối dài, đông người đi. Nhiều sinh viên vô cùng chủ quan. Cứ nghĩ rằng sinh viên thì nghèo, nếu có bị móc túi thì không nhiều tiền. Nhưng nếu tên trộm chỉ lấy tấm vé xe tháng là đủ “chết” rồi, tháng đó coi như “ở nhà” luôn, chưa nói đến là lấy vài chục nghìn hay lấy vài giấy tờ như CMT, thẻ sinh viên, thẻ thư viện…
Theo thống kê số lượng học sinh, sinh viên đi xe buýt tương đối lớn, khoảng trên 10.000 người. Một cái khổ của những người đi xe buýt là đến cuối tháng phải vất vả “thập diện mai phục” xếp hàng dài, chờ đợi mỏi cổ mới dán được vé.
Sinh viên nào có tiền rủng rỉnh thì “lo xa”, tức khoảng ngoài 20 hàng tháng là đi dán vé tháng. Nhưng không phải ai cũng dư dả tiền. Cuối tháng bao nhiêu khoản cần chi tiêu, tiền nhà chưa gửi lên thì đành chịu. Cứ tầm ngày 30 - 31, người dán vé tháng đông như trẩy hội. Phải xếp hàng, người nào đến trước thì về trước, đến sau thì về sau.
Khổ nhất là mùa hè, mồ hôi nhễ nhại. Đứng xếp hàng có khi hàng tiếng đồng hồ rất vất vả. Đã thế, nhân viên vui vẻ còn đỡ, nhân viên nào khó tính, quát mắng ầm ĩ, càng tức.
Không chỉ chuyện cơm áo, gạo tiền, con đường đến trường của nhiều SV ngoại tỉnh còn thêm nhọc nhằn vì những chuyện "tưởng không đâu". Thôi thì, cái nghiệp đèn sách, có thời nào là không vất vả. Được cái, "dân" SV cũng vô tư, nên bực bội, mệt mỏi đường đến trường gặp bạn bè xổ ra một lúc là hết sạch. Mai kia ra trường, đi làm, sắm xe máy, thậm chí ô tô (ai cấm mơ ước), thì thôi, chả còn phiền phức gì, biết đâu lại thèm cái thời xe buýt bây giờ!
-
Phan Thảo