Đọc bài "Đề văn hay mà già” đăng trên Vietnamnet, em mới dám gửi bài này đến báo. Thực ra, em viết cũng đã lâu, nhưng suy đi tính lại mãi, hôm nay mới gửi.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Tụi em sẽ viết sao?
Hai năm gần đây, đề thi tuyển sinh đại học môn Ngữ văn luôn được đánh giá cao về yêu cầu khả năng tư duy sáng tạo của thí sinh, đặc biệt ở câu hỏi nghị luận xã hội.
Tuy nhiên, đứng từ góc độ là một thí sinh trực tiếp làm đề thi ấy, em xin có ý kiến về đề thì năm nay, hay nhưng quả thật quá khó.
Ở đây, em xin được nói về đề văn khối D ( em thi khối D).
Câu nghị luận xã hội đặt ra yêu cầu thí sinh nêu ý kiến của mình về hiện tượng đạo đức giả. Đề hay khi đã cho thí sinh được bộc lộ ý kiến của mình về một hiện tượng đã trở thành một căn bệnh trong đời sống xã hội hiện nay. Nhưng vấn đề này vượt quá tầm nhận thức của học sinh chúng em.
Theo như đáp án, thí sinh phải nêu được thế nào là bệnh đạo đức giả, biểu hiện, tác hại.
Đáp ứng được yêu câu đó, theo em phải là người từng trải có hiểu biết nhất định về đời sống xã hội. Trong khi đó, phần lớn thí sinh là học sinh phổ thông, sống trong vòng tay gia đình, chỉ mới học tập nhiều trong sách vở, trường lớp, chưa có vốn sống xã hội thì làm sao biết đạo đức thật với giả. Những bạn học sinh làm được phải chăng đã học thuộc lòng từ những bộ đề ôn trước đó, hay phần lớn là “bịa”.
Nên chăng, câu hỏi nghị luận xã hội nên đặt ra những vấn đề gần gũi hơn.
Các đề tài về các mối quan hệ gia đình, bạn bè hay những hiện tượng đời sống xung quanh như hiện tượng quá đam mê game online, vấn đề về bạo lực học đường, về căn bệnh thần tượng quá mức đang điễn ra trong giới trẻ có lẻ sẽ phù hợp hơn với chúng em.
Với những đề bài kiểu như trên, chúng em hoàn toàn có thể nhìn thấy, hiểu và phát biểu ý kiến của mình một cách chân thật, chính xác nhất.
Đáp án cũng cần “mở”
Là đề mở thì theo em đáp án cũng cần phải mở. Đã là ý kiến thì không thể các ý kiến đều giống nhau được. Có chăng là khi các thí sinh đều cùng hướng về đáp án của Bộ.
Theo em, nên cho thí sinh hoàn toàn có cái quyền được bộc lộ quan điểm, chính kiến của mình về hiện tượng đó chứ không phải đã là đề mở mà các thí sinh cùng phát biểu ý kiến như nhau hết được.
Sẽ thật là gượng gạo nếu thí sinh cứ nêu vanh vách "chúng ta phải thế này, thế kia" trong khi bản thân họ chưa chắc làm được những điều đó, chưa chắc hiểu rõ ý nghĩa của những việc họ nêu ra.
Em xin lấy ví dụ về đề tài thần tượng của giới trẻ hiện nay.
Trong một chương trình toạ đàm trên kênh VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều bạn trẻ đã đưa ra ý kiến để bảo vệ cho quan điểm yêu mến thần tượng cuồng nhiệt của mình…Nếu đặt họ vào tình huống là những thí sinh phải giải quyết câu hỏi phát biểu cảm nghĩ của mình về căn bệnh thần tượng một cách cuồng nhiệt của giới trẻ hiện nay thì sẽ thế nào?
Sẽ có hai lựa chọn.
Thứ nhất, họ sẽ cố gắng bảo vệ choquan điểm của mình bằng mọi giá. Có thể nói người theo xu hướng này sẽ trở thành kẻ “ngoại đạo” bởi sẽ chẳng có chuyện đáp án nào ủng hộ quan điểm của họ. Bằng chứng là hầu hết các báo đều lên tiếng chê bai văn hoá ứng xử trong cách thần tượng của họ. Và kết quả cuối cùng là họ sẽ chẳng có điểm cho câu hỏi này.
Sẽ có người chọn con đường thứ hai là “ngậm ngùi” đi theo con đường chung, thậm chí, phản bác lại chính những việc làm của mình trước đó để trước hết lấy điểm đã… Suy cho cùng, thì đó là một sự giả dối mà nguyên nhân cũng chỉ từ việc muốn hướng theo cái đáp án chuẩn mực kia.
Và sẽ thật là chủ quan nếu có ai đó cho rằng biết đâu từ câu hỏi đó sẽ có thể làm thay đổi tư tưởng, cách suy nghĩ của một người.
Xin được nhấn mạnh rằng, ở đây, em không hề có ý muốn phản bác, chê bai ai cũng như không muốn cổ suý cho điều gì.
Em chỉ muốn nói lên một mong muốn, là phải chăng, nên có một đáp án chung cho dạng câu hỏi nghị luận xã hội kiểu này là yêu cầu thí sinh nêu ra được quan điểm của riêng mình về vấn đề, hiện tượng đề đã đặt ra. Thí sinh phải dùng những luận cứ xác đáng của mình để bảo vệ cho luận điểm mà mình đã nêu ra đó.
Trên đây chỉ là những suy nghĩ chủ quan một thí sinh đã từng “vật lộn” với đề thi dưới cái nóng của mùa hè trong 180 phút với hy vọng giành lấy cơ hội được bước vào cổng trường ĐH. Chỉ với mong muốn được chia sẻ, góp chút ý kiến của mình về vấn đề thi cử.
Cũng cùng với mong mỏi ngành giáo dục sẽ đưa chúng em, những học sinh thoát khỏi bớt con đường học cũng chỉ để …thi.
-
Minh Phụng (Quảng Ngãi)