- Giải Fields thì vô cùng đáng mừng, nhưng nếu so với một nền khoa học thì nó như là một bông hoa rất đẹp trong một vườn hoa chứ không làm thay đổi cả cái vườn, còn xu hướng quá chú trọng vào phát triển toán lý thuyết thì lại đáng lo.
TOÁN HAY LÀ KHÔNG TOÁN? |
---|
Phần 4: Phát triển toán theo hướng nào?
A chain is only as strong as its weakest link - ngụ ngôn
Một vài đồng nghiệp ở Việt Nam gần đây phấn chấn phát biểu rằng, cùng với giải Fields của Ngô Bảo Châu, Việt Nam sẽ chú trọng phát triển toán lý thuyết, và sẽ có nhiều bạn trẻ "noi gương GS Châu" đi học toán lý thuyết. Giải Fields thì vô cùng đáng mừng, nhưng nếu so với một nền khoa học thì nó như là một bông hoa rất đẹp trong một vườn hoa chứ không làm thay đổi cả cái vườn, còn xu hướng quá chú trọng vào phát triển toán lý thuyết thì lại đáng lo.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Mảng ứng dụng toán học ở Việt Nam đang còn quá yếu so với mảng lý thuyết, nên nếu chỉ tiếp tục chú trọng toán lý thuyết, với lý do "chúng ta giỏi nó", thì mãi vẫn không có ứng dụng lớn nào của toán ở Việt Nam, không đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Tôi đã nhiều lần tranh luận với GS Lê Dũng Tráng ở nước ngoài, cũng như với nhiều đồng nghiệp trong nước về vấn đề này. Cái gì ta đang cần nhất, thiếu nhất, thì phải chú trọng vào nhất, vì đó là nơi mà hiệu quả đầu tư sẽ cao nhất. Không phải vì tôi làm toán lý thuyết, mà phải khăng khăng bảo vệ quyền lợi cục bộ cho toán lý thuyết, nếu như điều đó đi trái ngược lại với quyền lợi chung của toàn dân tộc.
Việt Nam hiện đang là một nước có hiệu quả đầu tư thấp so với thế giới, với chỉ số ICOR bằng 5, tức là cứ bỏ thêm 5 đồng đầu tư mới tăng sản lượng hàng năm lên được 1 đồng, trong khi các nơi như Đài Loan, Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển tương tự có ICOR dưới 3.
Điều này góp phần giải thích vì sao chúng ta phát triển mỗi năm chậm hơn Trung Quốc vài phần trăm, và cho đến nay vẫn đang là nước lạc hậu. (Xem chi tiết tại: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=2614&CategoryID=7). Đầu tư kém hiệu quả một phần là do tham nhũng cao, nhưng một phần cũng là do chiến lược kém. Một trong các sứ mệnh của giới khoa học Việt Nam, là phải làm tăng hiệu quả đầu tư ở Việt Nam lên, chứ không phải là làm giảm nó đi.
Vậy ở Việt Nam, về mặt toán, những mảng nào đang cần thiết nhất mà lại yếu, cần được chú trọng đầu tư nhất?
Tôi thấy có hai mảng sau đập vào mắt, và hy vọng rằng, trong số 650 tỷ mà nhà nước vừa phê duyệt cho chương trình trọng điểm phát triển toán học (ngành toán không được ưu ái gì hơn các ngành khác; nhiều ngành khác đã có chương trình trọng điểm từ lâu, đến năm nay ngành toán mới được nhà nước phê duyệt), một phần đáng kể sẽ được sử dụng trong hai mảng này:
1) Các khoa toán ứng dụng, hay các trung tâm/ viện nghiên cứu toán ứng dụng, cần được phát triển trên cả nước, với các cố gắng đặc biệt để tạo ra được các ứng dụng của lý thuyết thay vì chỉ dừng lại ở mức lý thuyết của ứng dụng.
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Anh Dũng
2) Chương trình đào tạo toán học tất cả các cấp, từ vỡ lòng cho đến sau đại học, đặc biệt là hệ thống sách giáo khoa, và việc sử dụng máy tính và internet trong giảng dạy và học tập, cần được hiện đại hóa.
Về mảng thứ nhất, tôi hơi buồn khi thấy trong chiến lược xây dựng trường HUST (Hanoi Univ. of Science and Tech.) do nhà nước mới thành lập năm 2009 với dự kiến đầu tư 200 triệu USD vay nước ngoài với tham vọng thành trường "đẳng cấp quốc tế", không có bộ phận toán học trong đó.
Một trường đẳng cấp quốc tế mà đi mượn giáo viên toán ở ngoài vào dạy chứ bản thân trường không có nhà toán học nào, muốn làm các nghiên cứu mũi nhọn về sinh vật, tin học, v.v. mà không nghĩ đến sự tham gia của nhà toán học ứng dụng nào, thì "chỉ có ở Việt Nam". Không chỉ HUST, mà nhiều đại học khác ở Việt Nam, tự nhận mình là vươn lên đẳng cấp này nọ, cũng có thái độ như vậy với toán học.
Về mảng thứ hai, theo tôi đây là một mảng cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các thế hệ học sinh sinh viên Việt Nam hiện tại, và các thế hệ công dân Việt Nam trong tương lai.
Chỉ cần thay đổi làm sao cho việc học toán của mỗi con người được thuận lợi thêm một chút, hiểu đúng bản chất của các khái niệm toán học và học được cách tư duy toán học, thì gía trị về mặt kinh tế của điều đó đối với đất nước 90 triệu người có thể tính theo đơn vị tỷ đô la.
Nếu có bỏ vào đó hàng chục triệu đô la cộng với công sức của hàng loạt chuyên gia hàng đầu về toán học, giáo dục học, kỹ sư máy tính, v.v. trong vòng hàng năm trời thì đây vẫn sẽ là đầu tư hiệu quả vô cùng cao, 1 ăn 100. Thế nhưng phải làm thật đàng hoàng, đầu tư thật xứng đáng, và sử dụng những người ưu tú nhất có thể, bởi vì "một lần không tốn bốn mươi bốn lần không xong".
Tất nhiên, vấn đề chương trình giáo dục là vấn đề nổi cộm không chỉ về môn toán, mà về nhiều môn. Tôi có đọc thử các sách cuối cấp phổ thông trung học về sinh vật hay hóa học mà ngất luôn, quá nhiều kiến thức phải học theo kiểu «nhồi sọ» thuộc lòng, tôi mà phải thi tốt nghiệp phổ thông có khi thi trượt.
Một ví dụ nhỏ sau về sách giáo khoa toán: Sách đại số lớp 7 định nghĩa số vô tỷ là số viết dưới dạng số thập phân vô hạn không tuần hoàn (!) Tôi nghĩ có đến «thần đồng» mà học mãi với những định nghĩa kiểu như vậy thì cũng thành «sắt gỉ».
Hy vọng hệ thống sách giáo khoa, cũng như tài liệu, bài giảng trên mạng, v.v., sẽ là vấn đề được nhận thức là vô cùng quan trọng, và sẽ có sự tham gia của giới làm khoa học chuyên nghiệp, để có thể giải thích cho học sinh sinh viên mọi thứ một cách thật trực giác, dễ hiểu, đúng bản chất, phân biệt được cái nào quan trọng cái nào không, không để tình trạng sách rắm rối khó hiểu hình thức giáo điều kéo dài nữa.
Toulouse, 26/08/2010
-
Nguyễn Tiến Dũng