- Sau khi phản ánh hiện tượng "lạm thu len lỏi khắp nơi" VietNamNet nhận được bài viết của nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội - TS Trần Thị Kim Liên "giải trình" về "két" của nhà trường khi có ý kiến cho rằng: Két quá nặng!
Theo bà Trần Thị Kim Liên, lý do ngành giáo dục nói chung, các trường học nói riêng cứ đầu năm học mới lại "tha hồ" nghe dư luận, phụ huynh phê phán về vấn đề "loạn thu, thu nhiều, thu vô lý...." là bởi từ mấy năm nay, các nhà hoạch định chính sách vẫn loay hoay đi tìm cơ sở thực tiễn của đề án tăng học phí nhưng vẫn chưa có hồi kết: Vì sao phải tăng?
Phải "dựa" vào phụ huynh để trả lương ...
Nhiều người không hình dung hết thu được tiền hỗ trợ cho giáo dục đâu dễ. Vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình có con em đi học nên rất nhạy cảm. Để thu được các khoản tiền, nhà trường phải giải trình xin ý kiến biết bao cuộc họp, phải thoả thuận với từng phụ huynh về các khoản thu chi mục đích rõ ràng, công khai.
TS Trần Thị Kim Liên đã có trên 25 năm là công tác quản lý, trong đó có 10 năm ở cương vị Hiệu trưởng. (Ảnh K.O)
Được phụ huynh ủng hộ, đóng góp thì đó là sức mạnh giúp trường vượt qua khó khăn, các thầy cô giáo cũng phấn khởi vì được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, phối hợp với các hoạt động giáo dục của nhà trường. Phụ huynh nào không ủng hộ thì không bắt buộc.
Tất cả là trên tinh thần chăm lo cho giáo dục, nên phải dựa vào dân. Không lẽ để trường xuống cấp, chất lượng giáo dục không đạt yêu cầu… mà dân lại cứ so sánh giáo dục nước nhà với giáo dục quốc tế để rồi nghi ngờ nhà trường quản lí không chặt nên tiền cứ đi đâu!
Để xin phụ huynh nộp 30.000 đồng thì phải họp xin ý kiến 5 lần: Họp Ban thường trực Hội cha mẹ HS; Họp triển khai đến toàn thể GV chủ nhiệm; Họp triển khai đến toàn thể phụ huynh; Trưởng hội phụ huynh ký vào tờ thỏa thuận đồng ý với việc này. Và trước đó, Hiệu trưởng họp với Phòng tài chính quận + Phòng Giáo dục của quận để giải trình việc thu. Nếu được đồng ý mới triển khai.
Mới rồi có ý kiến đăng trên công luận cho rằng két giáo dục "quá nặng", vậy mà cứ đòi tăng học phí suốt từ 2003 đến nay… Những con số đưa ra ở cấp vĩ mô, so sánh với quốc tế bỗng thấy giật mình! Còn ở cấp cơ sở, có người nghi ngờ lương GV như vậy chi có đúng không? Tại sao lại chỉ có trung bình từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, nhẽ ra phải hơn thế nhiều?
Xin được dẫn dụ, Trường THCS A có 200 HS, với diện tích khuôn viên 4000 m2. Qui mô trường có 10 lớp, trung bình 20 học sinh /lớp (sĩ số lí tưởng của Việt Nam, hiện nhiều nước sĩ số từ 15-25 HS/lớp ). Với số lớp như vậy thì cán bộ, giáo viên, nhân viên được biên chế là 25 người.
Để duy trì, nhà trường có 2 nguồn thu chính là ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu ngoài ngân sách bao gồm các khoản được phép: học phí 20.000 đồng/1tháng/học sinh (180.000 đồng/năm/học sinh) + xây dựng 40.000 đồng/ năm/ học sinh + Đoàn đội 18.000 đồng/ học sinh + Quĩ hoạt động của Hội cha mẹ học sinh 50.000 đồng/năm/học sinh); Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cấp 1.720.000 đồng/học sinh/năm, phân bổ cho nhà trường theo đầu học sinh cấp THCS.
Và nguồn thu học phí của trường (180.000 đồng x 200 học sinh) có được 36 triệu đồng/năm, tiền xây dựng có 8 triệu đồng/năm. Trả tiền điện nước, trung bình 48 triệu đồng/năm. Số tiền học phí thu được cả năm không chi trả đủ tiền điện nước phục vụ học sinh.
Trong khi đó, để trả tiền lương cho GV trường A phải chi trung bình 600 triệu đồng/năm. NSNN cấp theo đầu học sinh được 344 triệu đồng /năm. Vậy là âm 256 triệu đồng trả lương. Chưa kể, đội ngũ bảo vệ, lao công, y tế cũng phải trả lương từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cần (9 nhân viên) chi trả khoảng 216 triệu đồng.
Trong nhà trường NSNN chỉ cho 3 bảo vệ với mức lương cơ bản 540.000 đồng/tháng. Việc đảm bảo an toàn cho học sinh, tài sản nhà trường… đòi hỏi bảo vệ phải làm việc 24/24 tiếng. Mức lương thấp như vậy không thuê được người làm.
Để giữ khung cảnh sư phạm sạch sẽ, công việc quét trường lớp, nhà vệ sinh… nhà trường không thể cử GV làm mà phải thuê lao công. Lo cho các cháu chạy nhảy nô đùa chẳng may có sa sẩy gì hay ốm đau đột xuất phải cần có nhân viên y tế. Như vậy, thực tế hoạt động nhà trường nảy sinh rất nhiều vấn đề. Bên cạnh đội ngũ GV còn thêm các nhân viên phục vụ nhà trường phải tự lo. Lấy đâu tiền để trả lương cho họ nếu không dựa vào phụ huynh?
Với trường A gánh nặng tiền lương GV ngân sách nhà nước phải cấp. Còn nhân viên phục vụ, trường phải tự trả. Nếu không được phụ huynh hỗ trợ, thầy và trò phải thay phiên nhau trực nhật, quét sân, quét lớp, dọn nhà vệ sinh…
Tất cả tiền NSNN cấp và cả tiền học phí không đủ chi cho các hoạt động cơ bản nhất thì lấy đâu để đổi mới chất lượng dạy học?
Bớt vài "cốc bia" để con không phải dọn vệ sinh...
Một thực tế, những phụ huynh có con đi học đều thấy có những khoản thu trường vận động, đa số phụ huynh ủng hộ vì chẳng phụ huynh nào bây giờ lại muốn con phải tham gia dọn vệ sinh, quét lớp quét sân… Thà bớt tiêu vài nghìn đồng, hoặc vài "cốc bia" để thuê lao công làm vừa sạch sẽ, vệ sinh vừa giữ sức khoẻ cho con. Nhưng cũng có người cho rằng, phải "bắt" HS mang chổi đi trực nhật, quét sân, dọn nhà vệ sinh… để giáo dục ý thức lao động. Điều đó không sai, nhưng có cần thiết phải áp dụng cách giáo dục của những năm xưa kia không khi mà điều kiện cuộc sống ngày nay đã khác?.
Nếu đã so sánh với nước ngoài thì ngay cả những nước như Đức, Singapore… nhà trường cũng phải thu tiền vệ sinh để trả công tác phục vụ lao công. Đặc biệt là có riêng 1 đến 2 lao công túc trực cạnh nhà vệ sinh để liên tục cọ rửa mới không có mùi xú uế. Còn trường học của Việt Nam thì không có biên chế lao công và chưa đủ điều kiện về nhiều mặt.
TS Trần Thị Kim Liên đã có trên 25 năm là công tác quản lý, trong đó có 10 năm ở cương vị Hiệu trưởng. Hiện đang làm Hiệu trưởng Trường THCS dân lập Thăng Long. Trước đó làm quản lý ở các trường: THCS chuyên Nguyễn Trường Tộ, THCS Kim Liên, THCS Huy Văn, THCS Đống Đa.
Thiết nghĩ, nếu là những người quan tâm đến con em, HS, đến giáo dục sẽ hiểu đựơc khó khăn của các nhà trường hiện nay. Mong sẽ có cái nhìn thông cảm, chia sẻ: vì sao trường chưa khang trang sạch đẹp? vì sao chất lượng giáo dục chưa tốt?... Khi mà mức học phí từ 1998 đến nay vẫn giữ 20.000 đồng/HS/tháng, trong khi mức lương tối thiểu gấp hơn 4 lần (từ 144.000 đồng lên 650.000 đ/tháng). Lạm phát tăng trung bình 10% / năm kéo theo giá điện nước, nhiều mặt hàng tăng liên tục. Nhà trường cũng gánh chịu sự ảnh hưởng rất lớn trước sự leo thang của giá cả.
Trong khi NSNN không đủ để bao cấp cho giáo dục thì "Két" của các trường có "nặng" quá không?
-
TS.Trần Thị Kim Liên (Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội)