- "Lạm thu" không còn là chuyện "nói mãi vẫn thế" ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...mà len lỏi khắp nơi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Băn khoăn không dám ngỏ...
Học sinh dự khai giảng năm học mới 2010 - 2011. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. |
Chưa đi họp phụ huynh cho hai con đầu (một học tiểu học, một học THCS), nhưng nhận phiếu họp phụ huynh của con trai học cơ sở mầm non bán công, mắt chị như hoa lên.
Phiếu thông báo 3 khoản thu chính gồm thu theo quy định, các khoản thu theo thỏa thuận và bảo hiểm tự nguyện. Nếu nộp tất tật các khoản là 838.000 đồng mỗi cháu.
Một số khoản nằm trong "các khoản thu tự nguyện", chị thấy không hợp lý. Cụ thể là khoản thu hỗ trợ trượt giá 45.000 đồng; khoản phụ phí (tiền điện, xà phòng, giấy vệ sinh...) 15.000 đồng mỗi tháng.
Một phụ huynh có con học Trường Mầm non Xuân Phương sau khi nộp gần 1 triệu đồng tiền học cho con rồi phân vân khoản nộp quỹ 200.000 đồng (100.000 đồng quỹ lớp và 100.000 đồng quỹ trường).
Chị thắc mắc, không hiểu quy định nào bắt phụ huynh vừa nộp quỹ lớp và cả quỹ trường nữa. Rồi chị tự xoa dịu khi biết đồng nghiệp cùng cơ quan có con học một trường mầm non ở Cổ Nhuế, trường thu đến 400.000 đồng tiền quỹ.
Ông Thành có cháu học Trường tiểu học Lộc Hòa (Nam Định) chóng mặt với các khoản thu đầu năm.
Ông nhẩm tính, từ lúc cháu vào lớp 1 đến nay (12/9) đã nộp cho nhà trường trên 1,6 triệu đồng (gồm tiền ăn, nội trú, sách giáo khoa, đồng phục...). Nhưng chưa hết, cuối tuần trước (10/9) cô giáo lại phát thêm phiếu mua Bảo hiểm y tế 184.000 đồn cho mỗi cháu.
Các khoản tiền ăn, học, ông không thắc mắc nhưng có hai khoản phi lý là khoản tiền nội trú 600.000 đồng. Khi hỏi thì được cô giáo giải thích: Năm học này (2010-2011) trường bắt đầu nhận học sinh nội trú, nên tiền đó để đầu tư nồi xoong, bát đũa, chăn màn, bếp gas...Cháu nào đăng ký học nội trú đều nộp khoản này.
Một khoản nữa là 83.000 đồng mỗi cháu, cho tiền học nội trú được trường cho biết đây là tiền đầu tư mũ, dép...
Ở Kon Tum, rất nhiều phụ huynh bức xúc về quy định của Trường THPT Kon Tum. Trường này yêu cầu "học sinh đến trường phải mặc áo dài tay". Các phụ huynh cho rằng, quy định đã gây khó và tốn kém không cần thiết khi con mình phải "đầu tư" một loạt áo dài tay.
Khi thông tin được phản ánh, ngay lập tức, ngày 9/9 Hiệu trưởng nhà trường Văn Đức Thảo khẳng định "Ban Giám hiệu nhà trường không ra quy định học sinh phải mặc áo dài tay khi đến trường nhưng một số giáo viên chủ nhiệm đã tự đặt ra quy định". Ban Giám hiệu sẽ kiểm tra và có chấn chỉnh.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều phụ huynh than phiền vì phải đóng quá nhiều khoản tiền để cho con đi học, trong đó nhiều khoản thu không công khai.
Khai giảng năm học mới. |
Ông Nguyễn Văn Sang, làm thợ hồ (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ngoài tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho con đang học lớp 2 là 230.000 đồng - còn phải "đóng thêm mấy chục ngàn đồng nữa mà không biết phí gì".
Một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học A (huyện Tịnh Biên - An Giang) cho biết, vào đầu năm học mới, ông phải đóng hơn 250.000 đồng cho mỗi học kỳ. Điều ngạc nhiên, ông không biết, trong đó có các khoản thu gì vì nhà trường không công khai cho phụ huynh rõ.
Dù trong Luật Giáo dục quy định bậc tiểu học không phải đóng học phí, nhưng chỉ với các khoản thu ngoài học phí này, mỗi học sinh phải đóng trên 500.000 đồng mỗi năm học. "Đây không phải là mức đóng góp nhỏ và không phải phụ huynh nào cũng kham nổi" - phụ huynh này nói.
Trong khi ở TP.HCM, một số phụ huynh Trường mầm non Lê Thị Riêng đang phản ứng chuyện ban đại diện cha mẹ học sinh trường này đặt họ vào “thế đã rồi” khi mua hai bộ đồ chơi trị giá 70 triệu đồng đặt ở sân trường, sau đó chia bình quân và huy động phụ huynh đóng 200.000 đồng/người để trả nợ.
Ở Hà Nội, nhiều trường đang lên kế hoạch thông qua Ban phụ huynh lớp để gợi ý thu tiền gắn máy điều hòa trong phòng học, lắp máy chiếu, máy tính trong lớp...
Vì sao phụ huynh khó nói thành lời?
Nhà báo Thanh Hà (báo Tuổi trẻ TP.HCM) chia sẻ với tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hồi con gái đầu theo học tiểu học, chị luôn là số ít nêu ý kiến về những khoản thu ngoài quy định. Nhưng vì chị là "nhà báo" nên nhà trường không có ý kiến gì. Thực tế đã xảy ra ở một số trường khác, khi có người lên tiếng thì lập tức con bị chuyển sang lớp khác mà môi trường giáo dục không bằng...
Bởi vậy, mới có đa số phụ huynh được hỏi đều cho rằng "để con được học ổn định trong môi trường giáo dục tốt nên nhà trường bảo đóng khoản gì là đóng khoản đó chứ ít khi phản ứng". Mà nếu có ý kiến, Ban đại diện phụ huynh đều có giải thích chi khoản này, khoản kia nên lại thôi.
Chị Tô Thị Bích Liên, một phụ huynh ở Vĩnh Phúc cho hay, thực tế có nhiều khoản, giáo viên và phụ huynh tự thỏa thuận miệng với nhau, nhưng "qua sông phải lụy đò" nên nhà trường bảo đóng khoản gì, chị cũng đóng để con mình được yên tâm học tập tốt hơn.
Anh Lê Tuấn Dũng ở Hà Nội, đã từng đóng một số khoản tiền cho con mà về đến nhà thì không còn nhớ là gồm những khoản gì. Anh chỉ biết rằng, để con mình được quan tâm, nuôi dưỡng tốt thì phải chấp hành đầy đủ, nên "cứ cố thêm một tí".
Tuy nhiên, theo anh, nên công khai các khoản thu đầu năm học để phụ huynh chuẩn bị thì sẽ tốt hơn là đùng một cái, nhà trường triệu tập bảo đóng khoản nọ, khoản kia.
Cũng không hiếm phụ huynh ký tên đồng ý với các khoản thu tự nguyện nhưng lòng hậm hực vì giải thích của giáo viên chưa thỏa đáng hoặc không hiểu khoản thu đó nằm trong quy định nào.
Câu chuyện lạm thu kéo dài nhiều năm được đặt lên bàn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trước ngày khai giảng. Nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc cũng góp lời. MỜI QUÝ VỊ XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY
|
- Kiều Oanh
********************
Là phụ huynh, bạn có ý kiến gì về câu chuyện tiền trường đầu năm học của con em mình? Vì sao phụ huynh lại không dám bộc bạch thật những suy nghĩ của mình: thiếu thông tin, các trường chưa dân chủ? Lạm thu có nguồn gốc sâu xa từ đâu? Nếu làm quyết liệt, có thể giải quyết trong 1 năm?
Mời quý vị trao đổi ý kiến (xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để ý kiến sớm được đăng):