,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
676568
Nhất Mỹ, nhì Sing và Trung
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Nhất Mỹ, nhì Sing và Trung

Cập nhật lúc 09:09, Thứ Sáu, 01/07/2005 (GMT+7)
,

Thị trường du học 2 năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu lẫn thị trường. Nếu cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có khoảng 20.000 du học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài thì nay đã có gần 40.000 người. Trong đó Mỹ vẫn là thị trường được sự quan tâm số 1 và các nước châu Á đang nổi lên như là một đối thủ đáng gờm cùng với Úc, Anh, Canada…

Được học tại trường ĐH Harvard, trường ĐH danh tiếng của Mỹ là niềm mong ước của nhiều sinh viên
Theo các trung tâm tư vấn du học trên địa bàn thành phố, Mỹ vẫn là nước được phụ huynh và học sinh quan tâm nhiều nhất. Và do từ đầu năm đến nay số học sinh xin được visa đi du học Mỹ dễ dàng hơn đã đẩy nước này lên thành thị trường "hot" nhất.

Mỹ "nóng"

Bà Nguyễn Thị Anh Khuê, phó giám đốc Trung tâm tư vấn du học Việt Nam Hợp Điểm, cho biết năm nay trung tâm bà đạt 100% visa đi du học Mỹ, trong khi năm ngoái tỉ lệ này rất thấp. Tương tự, ở các trung tâm du học của Anh văn Việt Mỹ, ILA, Trung tâm du học EF,… tỉ lệ visa đi du học Mỹ cũng đạt từ 90%-100% trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù số lượng vẫn còn "khiêm tốn" nhưng cũng chính từ kết quả đáng khích lệ này, đã đẩy sự quan tâm của phụ huynh và học sinh đối với thị trường Mỹ lên cao trở lại sau hai năm bị lắng đọng do chống khủng bố và bầu cử. Ông Trần Thắng, chủ tịch Hội Văn hoá và giáo dục Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận do các cựu du học sinh Việt Nam ở Mỹ thành lập, cho biết: "Nếu các năm trước, mỗi ngày hội chỉ nhận được vài chục email gửi đến xin tư vấn đi du học Mỹ thì năm nay số lượng này đã tăng lên hơn con số một trăm, cá biệt có ngày lên đến 200 email." Tương ứng, các trung tâm du học tại Việt Nam cũng có số học sinh đến tư vấn đi du học Mỹ tăng gấp 3,4 lần so với năm ngoái. Ông Thắng cho biết số du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ hiện nay đã lên đến con số trên dưới 4.000 người.

Lý giải cho việc tại sao phải nhất quyết chọn Mỹ đầu tiên, chừng nào ráng hết sức vẫn không xin được visa mới "binh" qua thị trường Anh, Úc, Canada, bà Bích Vân (Q.1) chỉ trả lời ngắn gọn: "Mỹ luôn luôn là nhất. Nhất tiếng tăm, nhất bằng cấp, nhất việc làm khi ra trường".

Ngành mà học sinh Việt Nam chọn du học nhiều nhất, không chỉ ở Mỹ nói riêng mà toàn thị trường nói chung, vẫn là kinh tế (quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế) và công nghệ thông tin. Hai ngành này chiếm từ 60% - 80% tổng số lượng ngành nghề mà du học sinh chọn. "Vì học sinh nhiều nên các ngành này rất khó kiếm học bổng ở Mỹ, trong khi các ngành về môi trường, giáo dục, y tế cộng đồng,... lại có nhiều học bổng hơn" - ông Trần Thắng "mách nước".

Anh, New Zealand giảm

Nếu Mỹ "nóng" lên như thế thì các thị trường truyền thống như Anh, New Zealand, Úc có vẻ như cạnh tranh không lại. Không những thế ở thị trường Anh và New Zealand còn có dấu hiệu giảm. Các trung tâm du học đều thừa nhận rằng về bằng cấp các nước này ngang nhau, thế nhưng nếu trước đây New Zealand có ưu thế giá rẻ thì hai năm nay du học ở nước này đã trở nên đắt đỏ.

Ông Phạm Thế Khang (Thủ Đức), có con vừa đi du học tại Mỹ, phân tích: "Lúc đầu tôi tính cho con du học ở New Zealand vì ở đó rẻ hơn Úc hay Mỹ. Thế nhưng gần đây, đồng đô la New Zealand bỗng nhiên có giá. Nếu mấy năm trước một đô New Zealand = 0,48 đô la Mỹ thì nay đã tăng gần gấp đôi. Tính ra một năm học bên New Zealand giờ đã là 18.000 - 19.000 đô la Mỹ (lúc trước chỉ khoảng 11.500 đô Mỹ). So với Mỹ đâu rẻ hơn bao nhiêu mà bằng cấp của Mỹ lại hơn nên thôi, tôi cho con đi Mỹ". Trường hợp du học ngay từ khi học trung học như con ông Minh đang được nhiều gia đình lựa chọn vì có thể không phải mất một năm học tiếng Anh nếu du học ở bậc đại học.

Tương tự, đồng bảng Anh cũng lên giá, giờ 1 bảng Anh bằng gần 30.000 đồng Việt Nam, so với 4,5 năm trước chỉ 24.000 đồng. Chính sự tăng giá này đã ít nhiều làm hai thị trường này bị ảnh hưởng đến sự lựa chọn của phụ huynh khi cho con đi du học.

Thị trường châu Á lên hạng


Thị trường du học Việt Nam hai năm gần đây ghi nhận sự vượt trội của các thị trường châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan,…Trong đó, nổi bật lên hẳn là Trung Quốc và Singapore.

Nếu cùng thời điểm này năm ngoái, Trung Quốc chỉ có khoảng 1.200 học sinh quốc tế là người Việt Nam, thì năm nay theo lãnh sự quán Trung Quốc, con số này đã lên gần 4.500 người. Chủ yếu học sinh Việt Nam theo học ở các ngành thương mại, tiếng Trung và y học cổ truyền.

Trong khi đó, thị trường Singapore vẫn có mức tăng trưởng hàng năm từ 30% - 50%. Theo trung tâm thông tin của Lãnh sự quán Singapore, tính đến cuối năm 2004, đã có hơn 3.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại đảo quốc này. Và thời gian gần đây, Singapore đang nổi lên là sự lựa chọn tốt cho du học sinh Việt Nam ở hai ngành thiết kế và du lịch - nhà hàng - khách sạn. Học sinh theo học hai ngành này ngày càng nhiều.

Bà Anh Khuê cho biết: "Nếu mấy năm trước rộ lên phong trào đi học ngành nhà hàng - khách sạn ở Thụy Sĩ thì năm nay xu hướng này đã chuyển qua Singapore. Nguyên nhân do ở Thụy Sĩ nói tiếng Pháp nhiều hơn mà học sinh của ta ít người giỏi ngoại ngữ này. Ngoài ra, môi trường kinh doanh ngành này ở Thụy Sĩ không phù hợp với Việt Nam bằng Singapore. Singapore lại gần Việt Nam hơn, vé máy bay và học phí lại rẻ hơn".

Tương tự, với ưu thế giá rẻ, các nước Thái Lan và Malaysia cũng đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của phụ huynh, học sinh Việt Nam. Nếu du học ở Anh, Mỹ, Úc, mức học phí đại học hằng năm từ 10.000 - 20.000 USD tuỳ ngành thì ở Thái Lan, theo văn phòng du học của Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, chỉ có từ 1.000 - 2.000 USD/năm, ở Malaysia khoảng 2.000 - 3.000 USD. Ở Trung Quốc cũng tương tự. Đắt nhất là Singapore cũng chỉ có khoảng 5.000 - 6.000 USD. Ngoài ra, ở các nước này đều có chương trình liên kết đào tạo với các nước tiên tiến trên thế giới. Chính vì thế, hai năm gần đây, họ thực sự nổi lên là đối thủ đáng gờm của các "đại gia" Anh, Úc, Mỹ trong thị trường du học ở Việt Nam.
  • Ngọc Minh (Sài Gòn Tiếp Thị)
     

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,