,
221
483
Du học
duhoc
/giaoduc/duhoc/
864854
Thợ sửa xe trở thành tiến sĩ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Thợ sửa xe trở thành tiến sĩ

Cập nhật lúc 15:28, Thứ Tư, 15/11/2006 (GMT+7)
,

Đầu tháng mười một, Ngô Minh Toàn (ảnh) vừa nhận bằng tiến sĩ loại ưu của SISSA (Trường Nghiên cứu khoa học tự nhiên, Ý) ngành vật lý sinh học, với điểm phát hiện mới trong công trình nghiên cứu khoa học của mình.

Lớp 4, Toàn đoạt giải nhất HS giỏi toán tỉnh Nghệ An. Ba Toàn khi ấy đã đùa: “Nhất nguyên rồi nhé, thêm hai nguyên nữa là đủ tam nguyên!”. Rồi tuổi thơ êm đẹp của Toàn trôi qua rất nhanh. Gia đình phải chuyển vào Đắc Lắc, cuộc sống khó khăn và bệnh tim của ba khiến Toàn sớm ý thức lo toan cùng anh chị, từ làm nương rẫy đến... cả thợ sửa xe.

Trong những ngày tháng khó khăn ấy, cậu học trò vẫn học xuất sắc: luôn đứng đầu lớp suốt 12 năm học phổ thông, giải khuyến khích quốc gia môn vật lý lớp 12. Đậu ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhưng phải nhập học thêm ĐH Ngoại thương theo ý gia đình, rốt cuộc Toàn quyết định giấu ba mẹ nghỉ ngoại thương, theo đuổi niềm đam mê vật lý. Nhiều người lúc đó nói: “Học gì ngành chả làm ra tiền!”.

Ba mất khi Toàn là SV năm nhất, gánh nặng đôi khi khiến anh gần như phải nghỉ học. Vậy mà anh đã tốt nghiệp thủ khoa ngành vật lý ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ra Hà Nội làm một năm tại Viện Vật lý - điện tử VN, Toàn đoạt một suất học bổng sang Ý. Thêm lần nữa, Toàn tốt nghiệp thủ khoa lớp Diploma (tương đương thạc sĩ) của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP - Trieste, Ý), cùng luận văn xuất sắc đã giúp anh được đặc cách nhận thẳng vào SISSA với một suất học bổng.

Luận văn “Nghiên cứu vai trò của hiệu ứng loại trừ không gian trong các tính chất đàn hồi và động học của các polymer sinh học” của Toàn đã thuyết phục tất cả giáo sư (GS) thống nhất trao anh mức tiến sĩ cao nhất SISSA: loại ưu (cum laude).

GS phản biện Marek Cieplak (Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan) nói: “Tôi thật sự ấn tượng bởi sự hiểu biết sâu rộng về các vấn đề liên quan của Toàn. Toàn thuyết trình nội dung rõ ràng, đơn giản nhưng hiệu quả, ai theo dõi cũng hiểu.

Tôi muốn nói là tính đơn giản (simplicity) khác với tính tầm thường (triviality). Phải có cái nhìn rộng về vấn đề, hiểu sâu mới trình bày được như vậy”. GS Marek cũng là người quyết định việc trao “cum laude” và các GS khác đều đồng ý.

Vậy là Toàn đã làm tròn mong ước “tam nguyên” của ba. Nhắc đến những ngày vượt khó, chàng tiến sĩ 27 tuổi này bảo: “Tôi không muốn người khác nói về quá khứ ảm đạm của mình như một cách tô sáng hiện tại”. Đến với vật lý bằng nỗ lực và đam mê, với Toàn, tất cả chỉ là một dòng chảy tự nhiên.

Bạn bè Toàn bảo: “Hắn không biết mùa thu đã rụng lá nhưng biết rõ ADN xoắn thế nào, không biết trong miệng bao nhiêu răng nhưng biết rất rõ độ dày một ADN”. Toàn chịu khó, tỉ mỉ với các cấu trúc, hình dạng tưởng chừng như không tồn tại. Lúc nào cũng suy nghĩ, rất nhiều khi đang ngủ bỗng... chợt lóe ra lời giải, anh chàng bật dậy liền để làm tiếp phép toán dở dang.

Toàn bộc bạch: “Tôi không thể nói nhanh ra những suy nghĩ của mình vì luôn phải hoàn chỉnh ý tưởng trước khi nói”. Đó cũng là lối tư duy làm việc của anh: mọi vấn đề cần được nhìn nhận, phân tích sâu, trọn vẹn, bản chất hơn, và... tốt nhất là luôn có chứng minh bằng những con số!

Cùng với GS hướng dẫn Cristian Micheletti, Toàn là một trong những người tiên phong trong việc đề ra mô hình và phương pháp tính đến hiện tượng “loại trừ không gian” (excluded volume effects) để suy ra các thông số cấu trúc ba chiều của một sợi polymer sinh học.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một bằng chứng lý thuyết quan trọng để tìm ra lời giải cho bài toán “tạo vòng” (loop formation) của phân tử ADN và sợi nhiễm sắc (chromatin fiber). Công trình được đánh giá cao và đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín ngành vật lý: Physical Review Letters. Trong thư chúc mừng Toàn, GS Nguyễn Văn Liễn, Viện Vật lý - điện tử VN, viết: “Mình tin rằng Toàn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công lớn hơn trong khoa học. Hãy sống đúng như bản chất mình: sâu sắc mà mộc mạc, sôi nổi mà khiêm tốn”.

Luôn giữ mối liên hệ với thầy cô trong nước để hợp tác và giúp đỡ các bạn trẻ hơn chưa có điều kiện như mình, Toàn chia sẻ: “Phải nạp thêm nhiều kiến thức, chờ cơ hội về VN cống hiến”. Tháng mười hai tới, Toàn sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ (post-doc) tại ĐH Maryland (Hoa Kỳ) với GS Thirumalai, một trong những GS hàng đầu trong lĩnh vực vật lý sinh học của thế giới. Mong muốn trở thành một người làm khoa học đích thực và chuyên nghiệp, Toàn tự nhủ: con đường chỉ mới bắt đầu!

 (Theo Tuổi Trẻ)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,