Theo đó, học sinh tiểu học BC nội thành sẽ đóng 70.000 đồng/tháng (mức cũ 60.000 đồng), ngoại thành 60.000 đồng/tháng (mức cũ 50.000 đồng); học sinh THCS BC nội thành đóng 100.000 đồng/tháng và ngoại thành đóng 80.000 đồng/tháng (mức cũ 75.000 đồng và 60.000 đồng); THPT BC nội thành đóng 120.000 đồng/tháng và ngoại thành 100.000 đồng/tháng (mức cũ 90.000 đồng và 75.000 đồng).
Hiện nay đa số hiệu trưởng các trường BC và kể cả công lập nội thành TP.HCM đều cho rằng mức thu học là quá thấp, không đủ cho các trường sử dụng trong việc tự trang bị các thiết bị hỗ trợ học tập hiện đại. Ở các trường BC, mọi chi phí đều do nhà trường tự chi trả.
Theo quy định sử dụng học phí, 80% học phí chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 19% nhà trường tự cân đối để chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, mua sắm, sửa chữa... và 1% nộp điều tiết ngành GD-ĐT.
Theo bà Mỹ Duyên - Đại biểu HĐND quận Phú Nhuận, nếu tăng học phí để trả lương cho giáo viên thì có nên hay không? Một số giáo viên công lập phân công sang bán công họ cũng sợ vì áp lực học phí và chính bản thân họ không muốn bắt học trò đóng tiền để trả lương cho mình. Sở GD-ĐT nên suy nghĩ biện pháp nào đó ngoài việc tăng học phí để giúp đỡ giáo viên bán công.
Ông Trương Song Đức –Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Từ đầu năm 2003 tất cả giáo viên, cán bộ công nhân viên được hưởng chế độ lương mới theo quy định. Tuy nhiên do phải sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên và 40% học phí để lại làm nguồn tăng lương nên thực tế nhu cầu thu nhập của giáo viên có tăng nhưng không đáng kể". |
Riêng học sinh mầm non BC, Sở GD-ĐT không đề nghị tăng học phí. Vậy trên thực tế hệ này có khó khăn hay không?
Kể từ 1/1/2003 thực hiện hệ số lương mới (mức lương tối thiểu đã được Nhà nước điều chỉnh từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng/tháng), lương của giáo viên mầm non, nhất là hệ bán công cũng có biến động. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), nếu thực hiện bán công toàn phần với mức thu như hiện nay và mức lương khởi điểm 290.000 đồng thì hầu như giáo viên không được tăng lương, thậm chí còn thấp hơn so với khi trường còn công lập (ví dụ: như giáo viên lương hệ số là 2,42 có mức lương thấp hơn 30.000 đồng...). Điều này bắt buộc các trường phải tăng sĩ số học sinh để tăng thu nhập, mà việc tăng sĩ số sẽ làm giảm chất lượng dạy và học, ảnh hưởng tới việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, mâu thuẫn với việc đổi mới giáo dục mầm non hiện nay.
Quy mô xây dựng Trường Mầm non BC Rạng Đông chỉ có khoảng 400 học sinh, trong khi trường đang phải nhận hơn 600 học sinh; Trường Mầm non BC Vàng Anh quy mô xây dựng chỉ có 300 học sinh nhưng thực tế nhận 600 học sinh… Bà Trần Thị Thanh Anh - Hiệu trưởng Trường Rạng Đông cho biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh học sinh, trường không thể nhận học sinh theo quy định 25-30 cháu (mầm non), 30-35 cháu (lớp chồi…).
-
Cam Lu