,
221
926
Thời sự
tintuc
/giaoduc/tintuc/
216677
Tìm cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,
Hội đồng Đại học TP.HCM:

Tìm cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

Cập nhật lúc 16:38, Thứ Tư, 25/02/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Sáng nay 25/2, Hội đồng Đại học TP.HCM đã họp phiên toàn thể lần thứ 1-2004 và thông qua kế hoạch hoạt động năm 2004 với các đề án lớn cho giáo dục đại học trên địa bàn. Tuy vậy, nóng bỏng tại cuộc họp này lại là chuyện đất xây dựng cho các trường và vấn đề đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Các đề án lớn trước mắt và...

Về đề án hỗ trợ quy hoạch vị trí và đất đai cho các trường ĐH-CĐ, xây dựng ký túc xá đến năm 2010, UBND TP.HCM chỉ đạo. Sở KH CN và ĐHQG TP.HCM tổ chức ngay trong tháng 3/2004 buổi làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để có hướng dẫn cụ thể đến các trường trên địa bàn (thành viên của Hội đồng ĐH TP.HCM) xây dựng dự án quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung do TP.HCM dự kiến phê duyệt vào tháng 5/2004.

Đề án Hệ thống thông tin thư viện điện tử liên kết các trường ĐH, CĐ trong địa bàn TP.HCM hướng tới việc chia sẻ thông tin, dùng chung các cơ sở dữ liệu trực tuyến và tập hợp nguồn lực thông tin của Thành phố, tạo mối gắn kết giữa TP.HCM với môi trường giáo dục ĐH, CĐ. Dự kiến vào tháng 3/2004 sẽ triển khai đề án này với tổng kinh phí 2 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách tập trung của Dự án Công nghệ thông tin TP.HCM.

Hội đồng ĐH TP.HCM được thành lập từ tháng 5/2003, hiện có 45 thành viên (gồm hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên địa bàn và các Sở ngành liên quan). PGS TS Nguyễn Thiện Nhân. phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM làm chủ tịch Hội Đồng ĐH. PGS TS Nguyễn Tấn Phát, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giám đốc ĐHQG TP.HCM là đồng chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho UBND TP.HCM về đào tạo nhân lực có trình độ cao và quy hoạch phát triển giáo dục ĐH, sau ĐH; phối hợp, liên kết hoạt động của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn và sự hỗ trợ của TP.HCM nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và nhu cầu của các trường.

Đề án khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong các Khu Công nghệ cao, Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất TP.HCM và các giải pháp cung ứng nguồn nhân lực sẽ triển khai theo hai hướng: đào tạo nguồn nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên, và đào tạo nghề.

Trong các dự án Phòng thí nghiệm chất luợng cao, năm 2004 TP.HCM sẽ triển khai 2 dự án: Phòng thí nghiệm phân tích chất lượng cao, và Phòng thí nghiệm Cơ Điện tử - Kỹ thuật đo lường.

Năm 2004, Hội đồng ĐH TP.HCM cũng triển khai xây dựng dự án đào tạo ĐH có trình độ quốc tế, do ĐHQG TP.HCM chủ trì. Bước đầu, sẽ khảo sát các trường ĐH, CĐ trên địa bàn có hợp tác đào tạo với nước ngoài và được cấp văn bằng, chứng chỉ nước ngoài sau khi tốt nghiệp.

... Nỗi bức xúc: đất xây dựng!

Tại hội nghị, vấn đề hỗ trợ đất đai vừa được Hội đồng ĐH nêu ra đã được các trường quan tâm và bày tỏ bức xúc nhiều nhất. TS Lê Tuệ (trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM) đề nghị: “Hội đồng ĐH cần có nghiên cứu quy hoạch phát triển nguồn nhân lực lâu dài. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực phải hướng đến toàn diện chứ không chỉ đào tạo riêng về chuyên môn. Như vậy, môi trường học tập, ăn ở cho sinh viên rất quan trọng. Ngoài giờ học, sinh viên cần có khu giải trí, vui chơi, thể thao… Muốn vậy, cần phải có đất đai để xây dựng". TS Tuệ nêu ví dụ từ trường mình: Đã xin đất xây trường trên 10.000m2, xây xong rồi mới phát lo vì không biết sinh viên ăn, ở chỗ nào cho an toàn để học tập. Trong bối cảnh đó, trường đã được một công ty hứa giúp đất xây dựng khu ăn ở, vui chơi cho sinh viên, nhưng sau lại không dám thực hiện lời hứa vì sợ… bị mất luôn đất!

Trong khi đó, ông Trần Cảnh Vinh, hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: “Trường tôi đã có đề án phê duyệt đất xây dựng trường rồi, nhưng chờ mãi vì tiến độ cấp đất quá chậm. Trường có liên kết với một đơn vị nước ngoài hợp tác đề án đào tạo nhưng với tiến độ cấp đất chậm như vậy trường gặp phải rất nhiều khó khăn!”.

Nhiều ý kiến đề nghị Hội đồng ĐH cần có một quy hoạch tổng thể và chính xác, nắm được các nhu cầu về đất đai, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, cũng như những điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, ký túc xá… thì mới có cơ sở chính xác trong việc xin đất xây dựng.

Cần tạo ra cơ chế đào tạo theo đơn đạt hàng!

PGS Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Hội đồng ĐH TP.HCM: Bức xúc nhất là việc Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp nước ngoài! (Ảnh: Đức Huy)

Tuy vậy, PGS TSKH Nguyễn Thiện Nhân, phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, chủ tịch Hội đồng ĐH lại bức xúc nhất về vấn đề Thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp nước ngoài!

Chính vì vậy, ông đề nghị Hội đồng ĐH TP cần quan tâm đến Đề án khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM và các giải pháp cung ứng nguồn nhân lực như một trong những mục đích hoạt động quan trọng.

Tuy vậy, hiện nay cơ chế đào tạo của giáo dục ĐH lại theo... chỉ tiêu chứ không phải theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Do đó, theo PGS Nguyễn Thiện Nhân, cần phải tạo ra cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp để làm tăng khả năng thích ứng của các ĐH trước nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.

Dịp này, các thành viên của Hội đồng ĐH TP.HCM đã đề nghị cần có những khảo sát cụ thể về nhu cầu nhân lực của Thành phố trong 5–10 năm tới, nhằm định hướng cho các trường có kế hoạch tuyển sinh đào tạo cho phù hợp.

Trương Hiệu 

,
,