,
221
926
Thời sự
tintuc
/giaoduc/tintuc/
492486
600 nhân tài sẽ ''ra lò'' trong bảy năm tới
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

600 nhân tài sẽ ''ra lò'' trong bảy năm tới

Cập nhật lúc 13:02, Thứ Hai, 26/07/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mục tiêu này của Dự án nhà nước về thí điểm đào tạo nguồn nhân lực được nêu ra tại hội thảo vào sáng nay (26/7).

Dự án do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, ĐHQG Hà Nội là cơ quan thường trực, cùng sự phối hợp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Nội Vụ, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học-Công nghệ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số trường ĐH khác ở Hà Nội.

Trong ngày hôm nay, các đại biểu là các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, các nhà quản lý của các Bộ, ngành, tỉnh, thành, tổng công ty... tham gia thảo luận tại ba diễn đàn tương ứng với ba loại hình tài năng. Đặc biệt, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương Đảng, gồm cả các ông Trần Đình Hoan - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban, và ông Nguyễn Đức Hoạt - Phó Ban thường trực đều đến dự và cùng chủ trì, phát biểu ý kiến, nâng tầm của Hội thảo lên rất nhiều.

Theo Dự án, trong bảy năm từ 2004 đến 2011, sẽ tiến hành thí điểm đồng thời cả ba quy trình phát triển tài năng theo giai đoạn.

GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu góp ý về quy trình đào tạo, phát triển và sử dụng các tài năng khoa học-công nghệ của đất nước. (Ảnh: B.T.)

Những người soạn thảo đã đề xuất ba loại hình tài năng: tài năng lãnh đạo, quản lý; tài năng khoa học-công nghệ và tài năng kinh doanh. Ở mỗi loại hình, có ba giai đoạn: xuất lộ tài năng (thời gian 7-12 năm) trưởng thành (5-8 năm) và thành đạt (5-năm). Nếu đặt mục tiêu là những nhà khoa học-công nghệ, doanh nhân đầu ngành và cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp thì từ ba loại quy trình theo giai đoạn như trên, có thể thiết kế ba loại quy trình theo thời lượng: quy trình dài hạn (thời gian thực hiện 20-25 năm): thực hiện liên tiếp cả ba giai đoạn; quy trình trung hạn (10-15 năm): thực hiện liên tiếp cả hai giai đoạn cuối; quy trình ngắn hạn (5-7 năm): thực hiện giai đoạn cuối.

Theo GS Đào Trọng Thi, giám đốc ĐHQG Hà Nội, dự án sẽ cung cấp các "sản phẩm thử nghiệm" của các quy trình phát triển tài năng: khoảng 350 nhà khoa học-công nghệ tài năng, trong đó có khoảng 35 nhà khoa học đầu ngành tầm cỡ khu vực về những ngành khoa học cơ bản, những ngành công nghệ cao và những ngành kinh tế mũi nhọn; khoảng 175 doanh nhân tài năng, trong đó có nhiều doanh nhân tầm cỡ khu vực và khoảng 175 cán bộ lãnh đạo, quản lý tài năng, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Đình Hoan: Chúng ta còn lãng phí trong sử dụng nhân tài!

Dự án này nằm trong lộ trình xây dựng chiến lược quốc gia về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 Khoá IX (trích:  "triển khai thí điểm dự án nhà nước Thí điểm đào tạo nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và giao cho Bộ Chính trị ra nghị quyết về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó cần nhấn mạnh việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sự dụng nhân tài").

Trong bài phát biểu khá chi tiết của mình, ông Trần Đình Hoan - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng nêu một thực tế: Chúng ta còn lãng phí trong sử dụng nhân tài. Công tác bồi dưỡng tài năng ở bậc ĐH và sau ĐH còn chưa thật rõ nét. Việc theo dõi sự phát triển của sinh viên tài năng sau giai đoạn đào tạo ở nhà trường hầu như không được quan tâm. Nhiều nhân tài còn chưa được sử dụng hoặc chưa sử dụng đúng nơi, đúng chỗ nên không phát huy, bộc lộ hết tài năng. "Cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp và chính sách đãi ngộ chưa hợp lý thậm chí đã làm thất thoát nhân tài." - ông Trần Đình Hoan lưu ý.

  • Hạ Anh

,
,