Tự chủ nhưng quá… gấp!
(VietNamNet) - Trong Hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới sáng nay do UBMT Tổ quốc TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến được đặt ra với GĐ Sở GD-ĐT Huỳnh Công Minh trong đó có việc tự hoạch toán của trường Lê Quý Đôn.
Chủ động nhưng hơi gấp
Ông Minh cho biết: Ý tưởng xây dựng trường công tự hoạch toán đã phôi thai từ thời kỳ họp quốc hội tháng 11. Quy trình giới thiệu mô hình đáng lẽ có từ tháng 3-4 nhưng trường và Sở chờ đến khi triển khai NQ 05 của Chính phủ nên ngày 22-23/8 mới quyết định.
Sở và trường Lê Quý Đôn đã mời hơn 600 phụ huynh giới thiệu mô hình trường tự hoạch toán, để tuỳ phụ huynh lựa chọn. Có người đồng tình, người không. Tuy nhiên đến sáng nay đã có gần 350 trường hợp đăng ký.
Dự kiến thí điểm 2 lớp nhưng hiện tại con số đăng ký đã lên đến 6 lớp. Nếu thí điểm tốt sẽ nhân rộng cả trường. Trong 3 ngày phụ huynh tự tìm hiểu và quyết định, nếu phụ huynh đồng ý mở thì… mở.
GS Trần Văn Tấn cho rằng một trường công lập có thể thực hiện tự hoạch toán, miễn là rõ ràng “công ra công, tư ra tư”. Trong xã hội hiện đại, có nhiều nhu cầu đa dạng khác nhau, tuy nhiên việc làm của trường Lê Quý Đôn là vội vàng. Vì vậy Sở GD-ĐT cần xem kỹ và bám sát thấy không ổn thì có chỉ đạo thay đổi.
Đây cũng là hình thức mới xã hội hoá giáo dục và cần có sự điều tiết. Một trường học mà nhiều loại hình, nhiều loại học phí thì sẽ có so sánh trong nội bộ. Ủng hộ mô hình mới nhưng đừng để lẫn lộn, ảnh hưởng đến công lập, công lập phải là chủ đạo trong giáo dục - Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM nhận định.
Xây nhiều những vẫn… thiếu
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM hiện nay học sinh cơ học tăng quá nhanh: số lượng học sinh thuộc diện không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM (diện KT3, KT4) chiếm tỷ lệ khá lớn: nhà trẻ, mẫu giáo: 5,91%; Tiểu học: 11,81%; THCS: 10,61%, THPT: 8,17%
GS Trần Văn Tấn cho biết, năm nào cũng xây dựng thêm trường, lớp học nhưng vẫn không theo kịp sự phát triển của học sinh. Thậm chí nhiều trường đã có quyết định thành lập, có học sinh nhưng chưa có cơ sở. Cơ sở vật chất không tốt thì chất lượng khó nâng cao. Vì vậy nên quan tâm, phát triển củng cố mạng lưới trường học.
Ông Huỳnh Công Minh, GĐ Sở GD-ĐT cũng thừa nhận, xây trường là khó nhất. Thành phố ưu tiên dành 20% trong xây dựng cơ bản để xây trường. 3 năm gần đây, trường xây mới bằng 25 năm về trước. Tuy nhiên có những nơi như quận 8, dân tăng nhanh, cả xây mới và sửa chữa 90 trường trong vòng vài năm gần đây nhưng vẫn không thực hiện đúng 2 buổi/ngày như ý muốn của Sở.
"Trường lớp, cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo”, ông Minh thừa nhận. Vì thế 1 trong những mục tiêu Sở GD-ĐT đề ra trong năm học mới là quy hoạch chi tiết mạng lưới: Giải quyết mầm non không phép; 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, 50% học sinh trung học học 2 buổi/ngày….
Đổi mới phương pháp dạy học?
GS Trần Văn Tấn cho rằng, khi bàn về phương pháp cải tổ dạy - học, phải thay đổi toàn diện từ trong đến ngoài lớp học. Các trường sư phạm đào tạo nên nghiên cứu xác định phương pháp học tập. Muốn đổi mới giáo dục thì phải coi đó là công trình khoa học đúng đắn, có người mua, có người chuẩn bị… Đổi mới đào tạo giáo viên, mô hinh đổi mới phải nghiên cứu nó như 1 công trình khoa học, đem thí điểm trước khi áp dụng đại trà.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM cũng cho rằng, chương trình giáo dục và sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Đổi mới nội dung chương trình giáo dục phải thể hiện cụ thể ở việc thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị và đổi mới cách đánh giá thi cử - ông Minh nhận định.
ĐB HĐND Đặng Văn Khoa :Hạn chế việc thầy cô thu tiền trường |
Thời gian qua có 1 số sơ sở mầm non trên địa bàn thành phố không đảm bảo dẫn đến xảy ra trường hợp tử vong.
Đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM quan tâm sát sao các cơ sở mầm non. Đặc biệt, phải đảm bảo tất cả giáo viên mầm non đều được tập huấn... Về vấn đề học phí, Sở nên chỉ đạo các trường để tất cả các khoản thủ gom về một mối, quản lý đơn giản hơn, mà phụ huynh cũng thấy yên tâm hơn. |
-
Cam Lu