(VietNamNet) - Nội dung này đã được đưa ra trong kế hoạch năm 2003 của ngành GD - ĐT (vừa hoàn thành ngày 6 - 1), nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
Theo kế hoạch này, Bộ GD - ĐT đã đề ra 8 giải pháp chủ yếu, gồm: đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phát triển giáo dục dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non; tạo bước phát triển mới ở giáo dục nghề nghiệp; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; triển khai có hiệu quả đề án kiên cố hoá trường, lớp học và đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào tạo.
Công tác đánh giá và thi cử được đổi mới theo hướng: ở các lớp đầu bậc tiểu học, chỉ cho điểm đối với một số môn, các môn còn lại chỉ nhận xét và giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ và làm bài tập tại lớp; ở bậc trung học sẽ xây dựng ngân hàng đề thi nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác; ở bậc THCN, CĐ và ĐH chỉ sửa đổi những bất hợp lý về quy trình và một số yêu cầu đặt ra trong khâu xét tuyển. Hiện Bộ đang tham khảo thêm ý kiến trước khi ra một số quy định chung về điểm sàn và hồ sơ xét tuyển. Đặc biệt, Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường thiết bị và năng lực công nghệ thông tin cho các trường THPT để hỗ trợ cho công tác tuyển sinh và đẩy mạnh công nghệ thông tin trong nhà trường.
Về nhiệm vụ quan trọng của ngành là thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới, Bộ GD - ĐT sẽ xây dựng ở mỗi địa phương một số trường điểm thuộc các cấp, bậc học về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và dần dần mở rộng mạng lưới loại trường này. Các địa phương phải đảm bảo dành 6% đến 10% ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục để mua sắm thiết bị và sách thư viện. Với giáo viên, sẽ xây dựng lại định mức lao động và cải tiến chế độ chính sách nhằm tuyển đủ số lượng, loại hình cho các vùng theo yêu cầu của chương trình mới.
Trong năm nay, Bộ GD - ĐT cũng chú trọng phát triển giáo dục dân tộc thiểu số, giáo dục mầm non và giáo dục nghề nghiệp với nhiều biện pháp cụ thể như: xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại 545 xã chưa có trường, lớp mầm non; bổ sung biên chế hiệu trưởng, hiệu phó và một số giáo viên nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ cho các trường này. Các địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên mở các trường CĐ, THCN và dạy nghề.
Đặc biệt, một hội nghị giáo dục THCN lần đầu tiên do Chính phủ chủ trì sẽ được dự kiến tổ chức trong năm nay nhằm tìm ra những quyết sách để phát triển giáo dục nghề nghiệp.
- Lê Thị Hạnh