(VietNamNet) - Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ với 17 điểm sửa đổi, bổ sung đã chính thức được ban hành vào chiều 27/2, với quyết định của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ngoài nhiều điểm mà VietNamNet đã đưa tin, quy chế mới nêu rõ hơn quy định coi, chấm thi, làm tròn điểm... Lần đầu tiên, quy định về "ngưỡng" xét trúng tuyển cũng được thể hiện trong quy chế.
Trong 17 vấn đề được chỉnh sửa, có những điểm quan trọng như sửa đổi điều kiện hưởng điểm ưu tiên khu vực, mức điểm chênh lệch giữa hai khu vực liền kề, phương thức đăng ký dự thi, xét tuyển, sắp xếp lại chỉ còn bảy đối tượng ưu tiên theo 2 nhóm. Một số điểm trong quy chế cũ được bổ sung, làm rõ hơn như quy định về coi thi, chấm thi và làm tròn điểm, phúc khảo, hưởng điểm thưởng...
Lần đầu tiên, quy định về "ngưỡng" để xét trúng tuyển đã được thể hiện trong quy chế với cách gọi "điểm sàn xét tuyển".
VietNamNet xin giới thiệu các điểm mới:
* Muốn vào trường CĐ nhưng trường không tổ chức thi? Làm đơn trước ngày 15/4!
Thí sinh có nguyện vọng (NV) 1 học tại trường ĐH, CĐ (hoặc hệ ĐH, CĐ) không tổ chức thi tuyển sinh, phải dự thi tại một trường ĐH cùng khối thi. Trước ngày 15/4, thí sinh gửi cho trường có nguyện vọng vào học một đơn nói rõ ngành xin học và tên trường dự thi. Trường không tổ chức thi gửi danh sách thí sinh đã nộp đơn cho trường tổ chức thi.
Khi chấm thi xong, trường tổ chức thi sẽ loại thí sinh này ra khỏi danh sách xét tuyển vào trường mình. Nếu kết quả thi của thí sinh không thấp dưới điểm sàn xét tuyển thì gửi dữ liệu kết quả thi của thí sinh cho trường xét tuyển, đồng thời cấp cho thí sinh 2 giấy chứng nhận kết quả thi (số1, số 2) theo quy định chung. Nếu kết quả thi thấp dưới điểm sàn xét tuyển thì chỉ cấp cho thí sinh giấy báo điểm.
* Mang tài liệu vào phòng thi? Bị đình chỉ thi!
Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, com-pa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính điện tử không có thẻ nhớ và không soạn thảo được văn bản, giấy thấm chưa dùng, giấy nháp. Giấy nháp phải có chữ ký của cán bộ coi thi.
Thí sinh bị đình chỉ thi nếu vào phòng thi còn mang theo tài liệu, phương tiện kỹ thuật thu phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chưa thông tin có thể lợi dụng làm bài thi.
* Ra khỏi khu vực thi? Chỉ sau 2/3 thời gian làm bài...
Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài và sau khi đã nộp bài làm, đề thi cho cán bộ coi thi trừ trường hợp ốm đau cần cấp cứu do người phụ trách điểm thi quyết định.
* Giấy chứng nhận kết quả thi? Chỉ in một lần!
Trước ngày 15/8 hàng năm, trường gửi dữ liệu kết quả chấm thi cho Bộ GD-ĐT theo cấu trúc quy định và công bố kết quả thi của thí sinh trên mạng Giáo dục (www.edu.net.vn) và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trường in giấy báo trúng tuyển cho thí sinh và ghi rõ kết quả, đồng thời in giấy chứng nhận kết quả thi theo đúng mẫu quy định của Bộ GD-ĐT cho thí sinh không trúng tuyển nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn xét tuyển.
Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ in một lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp bị mất? Không in cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi. In Giấy báo điểm cho thí sinh có kết quả thi thấp dưới điểm sàn xét tuyển.
* Quy định về xử lý kết quả chấm thi:
Xử lý kết quả 2 lần chấm:
Tình huống |
Cách xử lý |
Điểm toàn bài hoặc điểm thành phần chênh lệch nhau:
- 0,25 điểm đối với môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ - 0,5 đến dưới 1 điểm đối với môn khoa học xã hội |
Hai cán bộ chấm thảo luận thống nhất điểm rồi ghi điểm và ký vào bài thi. |
Điểm toàn bài lệch nhau:
- từ 0,5 đến 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ - từ 1,0 đến 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội |
Hai cán bộ chấm đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm, sau đó ghi điểm và ký vào bài thi. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì trưởng môn thi quyết định. |
Điểm toàn bài lệch nhau:
- Trên 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ - Trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội |
Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác. |
Xử lý kết quả 3 lần chấm:
Tình huống |
Cách xử lý |
Nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau | Trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức rồi ghi điểm và ký vào bài thi. |
Nếu kết quả 3 lần chấm chênh lệch nhau lớn nhất là:
- Đến 2,0 điểm với môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ - Đến 2,5 điểm đối với môn khoa học xã hội |
Trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, quy tròn điểm rồi ghi điểm vào bài thi. |
Nếu kết quả 3 lần chấm chênh lệch nhau lớn nhất là:
- Trên 2,0 điểm với môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ - Trên 2,5 điểm đối với môn khoa học xã hội
|
Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể và đề xuất hình thức kỷ luật đối với cán bộ chấm thi theo quy chế tuyển sinh. |
Chế độ cộng điểm thưởng cho học sinh đã tốt nghiệp THPT loại giỏi và cho học sinh đạt giải quốc gia chỉ áp dụng một lần đúng năm học sinh tốt nghiệp THPT.
* Quy định về điểm sàn xét tuyển
Quy chế mới được bổ sung thêm một phần quan trọng là quy định về điểm sàn xét tuyển. Theo đó, đối với những trường ĐH sử dụng chung đề thi hoặc chung kết quả thi để xét tuyển thì căn cứ thống kê kết quả thi của thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn xét tuyển đối với từng khối thi A, B, C,D.
Điểm trúng tuyển của các trường không được thấp dưới điểm sàn xét tuyển. Thí sinh có kết quả thi thấp dưới điểm sàn xét tuyển không được tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề thi chung để xét tuyển.
Không phúc khảo các môn năng khiếu
Khoản 1 điều 30 được sửa đổi như sau:
Sau khi công bố điểm thi, Hội đồng tuyển sinh chỉ nhận đơn phúc khảo các môn văn hóa của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn.
Khi nộp đơn phúc khảo, thí sinh phải nộp lệ phí theo quy định của trường. Nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm theo quy chế thì Hội đồng tuyển sinh hoàn lại lệ phí cho thí sinh.
Riêng các môn năng khiếu không phúc khảo.
- Hạ Anh
Tin liên quan: |