(VietNamNet) - Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Phạm Xanh, tổ trưởng tổ ra đề thi ĐH môn Lịch sử khẳng định như vậy trước ý kiến cho rằng đáp án môn này chưa thực sự chính xác.
PGS Phạm Xanh |
21g30 tối chủ nhật 25/7, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS Phạm Xanh, chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội:
Thưa ông, đây là năm thứ mấy ông tham gia làm đề thi ĐH?
- PGS Phạm Xanh: Tôi làm đề thi ĐH cho trường đã nhiều năm. Nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi tham gia làm đề thi ĐH theo phương án "ba chung" của Bộ GD-ĐT.
Trong quá trình chấm thi môn Lịch sử, nhiều cán bộ chấm thi phản ánh đáp án môn Lịch sử chưa thực sự chính xác, cụ thể là đề yêu cầu phân tích, chứng minh song đáp án chỉ... liệt kê, khiến cho nhiều bài làm của thí sinh bám sát theo yêu cầu của đề cũng chỉ có mức điểm như các bài làm "đủ ý". Ông giải thích ra sao về sự kiện này?
- Tổ làm đề thi ĐH môn Lịch sử có sáu người, trong đó có hai giáo viên THPT. Tinh thần ra đề thi ĐH năm nay quán triệt theo phương án "50-30-20", tức là 50% đảm bảo yêu cầu kiến thức cơ bản, 30% biết vận dụng và 20% nâng cao. Cấu trúc điểm của đề thi Lịch sử năm trước là 2-2-2-3. Năm nay, cấu trúc điểm đề thi Lịch sử là 2-5-3. Trong đó, chúng tôi xác định câu số 2 sẽ là câu "sàng lọc" để tuyển chọn được học sinh giỏi. Câu này, thí sinh học thuộc có thể được ba điểm, nhưng phải là những em giỏi mới làm được hết và lĩnh điểm tối đa là 5. Còn câu số 1 và câu số 3, học sinh học chăm chỉ là có thể làm được.
Ở câu 2, muốn "làm sáng tỏ các bước phát triển..." như yêu cầu của đề bài, thí sinh phải lựa chọn những ý nghĩa của từng chiến thắng để chứng minh được bước phát triển của sự kiện, chiến thắng đó. Ví dụ, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quốc tế nhưng không thể lấy ý nghĩa đó để chứng minh cho bước phát triển của cách mạng Việt Nam...
Thế nhưng tại sao trong đáp án lại không thấy thể hiện điều này?
- Đáp án có nêu ý nghĩa của từng sự kiện. Vả lại, đáp án chỉ là gạch đầu dòng chứ không phải bài làm hoàn chỉnh. Khi viết bài, các em phải trình bày thành bài viết đầy đủ. Còn câu 1 thì phán đoán của các thầy là không đúng, vì câu 1 là câu hỏi thuộc lòng, chỉ cần học thuộc lòng ba bài học kinh nghiệm trong sách giáo khoa là có thể "ăn điểm". Câu đó không phải là câu hỏi lựa chọn học sinh giỏi mà ý tưởng chúng tôi đặt vào đó.
Ở câu 1, với yêu cầu "phân tích" song đáp án chỉ liệt kê ba bài học, ứng với mỗi bài học có mức điểm chi tiết. Học sinh liệt kê đầy đủ ba bài học này là có thể "ăn" điểm tuyệt đối. Còn những học sinh có đầu tư để "phân tích" ba bài học này thì cũng không thể hơn điểm vì thang điểm đã quy định rồi. Như vậy, phải chăng có sự... không công bằng với hai mức độ làm bài của các thí sinh?
- Gạch đầu dòng chỉ là ý chính, trong bài thi thì các em phải phân tích cho được. Các em phải viết như trong sách giáo khoa thì bài viết mới có sự phân tích ở mức độ thấp của các em. Các em còn phải gắn kết ý nọ với ý kia, bài học nọ với bài học kia thì mới thành bài. Nguyên tắc ra đề thi ĐH là phải bám sát chương trình và sách giáo khoa, lấy sách giáo khoa làm chuẩn. Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, tập II chỉ nêu ra ba bài học như đã nêu trong đáp án.
Chủ trương ra đề không chỉ là "bám sát sách giáo khoa" mà đòi hỏi học sinh còn phải biết vận dụng những kiến thức đó để phân tích, tổng hợp khi làm bài thi. Đề thi cũng đảm bảo được yếu tố này. Tuy nhiên, trong hướng dẫn chấm lại chỉ "gạch đầu dòng" và liệt kê. Trong khi đó, đáp án lại là căn cứ cao nhất và hợp lý nhất để cho điểm bài thi. Vậy thí sinh làm đầy đủ như đáp án là có thể đạt điểm tối đa của từng câu. Trong khi đó, những thí sinh khác vận dụng từ các bài học đó để đi sâu phân tích, sáng tỏ cũng chỉ đạt được điểm như đáp án. Vậy điều đó có phải là đánh mất sự công bằng với thí sinh?
- Đó là về... lý thuyết (!), chứ trong thực tế không xảy ra trường hợp đó. Còn những bài viết học sinh đầu tư phân tích, chứng minh, các thầy chấm đọc bài sẽ biết được ngay. Và những bài đó bao giờ cũng được cao điểm. Các thầy chấm có kinh nghiệm sẽ biết em nào hiểu bài, em nào chỉ thuần tuý viết trong sách. Ví dụ câu 2 yêu cầu phải biết lựa chọn, tổng hợp và phân tích. Đó là "năng khiếu" của từng em chứ không phải thuộc bài.
Chúng tôi chấm suốt hơn mười ngày thì thấy nhiều em không làm được câu số 1. Bởi có một cái vui là trong bài giảng về Cách mạng Tháng Tám (ý VII, phần 4) về ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm thì phần bài học kinh nghiệm nằm ở cuối trong ba cái này. Nhiều em viết bài học nhưng lại nhầm lẫn sang "ý nghĩa, nguyên nhân..." nên không có điểm. Còn nhìn chung, tổng thể đáp án nhẹ hơn đề thi, tức là đặt ra ở... mức độ thấp hơn.
Tại sao đáp án lại "nhẹ" hơn đề thi? Như vậy, có phải đề thi một đằng, đáp án một nẻo không, thưa ông?
- Cũng một câu hỏi về khoa học xã hội thì có thể xây dựng được ba đáp án với ba trình độ khác nhau. Đáp án thứ nhất cho thí sinh thi vào ĐH, đáp án thứ hai cho những người tốt nghiệp ĐH và đáp án thứ ba cho những người thi cao học.
Chúng tôi xuất phát từ sách giáo khoa của lớp 12 để xây dựng Đáp án I. Còn các thầy xuất phát từ ý nghĩ chủ quan, yêu cầu một đáp án như cho sinh viên ĐH. Những bài học như trong sách giáo khoa cũng đã là phân tích theo trình độ của học sinh lớp 12. Nếu như đáp án làm cho sinh viên ĐH thì sẽ cao hơn. Nếu đứng ở góc độ của một giáo viên ĐH nhìn nhận thì sẽ là như vậy.
Như vậy, đáp án này chỉ có... lợi cho thí sinh (?). Năm nay, điểm bài thi của thí sinh nhìn chung cao hơn năm ngoái. Qua chấm gần 9.000 bài của thí sinh thi khối C của ĐHQG Hà Nội, đã có bài điểm 9,5 - mức điểm hiếm hoi của những năm trước.
Một trong những chủ trương ra đề thi còn là "góp phần vô hiệu hóa tệ nạn dùng phao, quay cóp".Thế nhưng, với cách bố trí 2-5-3 và ý đồ 'sàng lọc" học sinh giỏi chỉ ở câu 5 điểm, còn ở câu 2 và 3 điểm, nếu thí sinh có "quay" vẫn ăn điểm?
- Khi đọc đáp án thì tưởng dễ, nhưng thực sự không phải vậy. Với các câu 1 và 3, nếu thí sinh mang "phao" vào cũng có thể làm được. Vả lại, khi làm đề câu 1, chúng tôi có ngụ ý tạo tâm lý cho thí sinh. Nếu câu hỏi này khó quá, các em không làm được thì sẽ gây ức chế tâm lý. Còn biện pháp chống gian lận trong thi cử bằng đề thi chỉ là một cách. Muốn chống gian lận trong thi cử, phải cần nhiều biện pháp khác nữa...
Xin cảm ơn ông!
- Hạ Anh (thực hiện)