(VietNamNet) - Kết thúc phiên họp về điểm sàn tuyển sinh trưa nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho hay: Sẽ đưa mức điểm 15 thành điểm sàn trong quy chế tuyển sinh ĐH những năm sau.
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Trường thiếu chỉ tiêu thì... phải chịu, chứ không được hạ điểm chuẩn! |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bành Tiến Long, chủ tịch Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển sau khi phiên họp này kết thúc:
- Thưa ông, việc xây dựng điểm sàn tuyển sinh có ý nghĩa gì?
- Thứ trưởng Bành Tiến Long: Mục tiêu xây dựng điểm sàn là đảm bảo chất lượng ĐH-CĐ, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo; đảm bảo chính sách ưu tiên đối tượng và khu vực; tạo điều kiện để các trường chủ động trong khâu xét tuyển. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định: điểm sàn cũng là mục tiêu tác động đến cách dạy và học trong trường phổ thông.
- Vậy căn cứ để xác định điểm sàn là gì?
Điểm sàn là mức điểm thí sinh đạt yêu cầu để tham gia xét tuyển các nguyện vọng chứ không phải điểm trúng tuyển ĐH. |
- Hội đồng xác định điểm sàn tuyển sinh đã làm việc trong hơn ba giờ đồng hồ. Chúng tôi căn cứ theo Điều 33 Quy chế Tuyển sinh, căn cứ vào chất lượng đề thi và số thí sinh tham gia vào từng khối, căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực, căn cứ kết quả thi của thí sinh và căn cứ vào yêu cầu vùng miền và ngành nghề đào tạo để quyết định mức điểm sàn năm nay.
Đối với các trường hợp đặc biệt, các trường sẽ xây dựng phương án để trình bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định, theo Quy chế Tuyển sinh.
- Các trường hợp đặc biệt là như thế nào?
- Đó là một số trường ĐH có khó khăn trong xét tuyển các nguyện vọng 2 và 3, các trường đặc thù, trường đóng ở địa bàn dân tộc, vùng miền núi, vùng cao, hay một số trường đóng ở địa bàn có nhu cầu nguồn nhân lực lớn. Có khoảng dưới 10% các trường thuộc "diện" này.
- Mức điểm sàn 14 với khối A, D và 15 với khối B, C có tác động với bao nhiêu trường?
- Các trường tốp dưới có thể nâng cao chất lượng đầu vào bằng cách xét từ điểm sàn này. Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, xem xét trên các số liệu điểm thi của thí sinh thì có khoảng 20%-25% các trường có chịu tác động bởi điểm sàn.
- Mức điểm sàn chỉ có tác động với một số trường "đặc thù". Nhiều trường đã hoàn tất phương án xét tuyển nguyện vọng 1 với mức điểm khá cao, ngoài 20 điểm và chắc chắn không bị tác động gì bởi điểm sàn. Tại sao Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu các trường chờ có điểm sàn rồi mới công bố điểm chuẩn?
- Thực ra, công bố trước không thành vấn đề. Thế nhưng chúng tôi quan tâm đến số trượt của các trường "tốp cao" để xây dựng sàn đón nhận những thí sinh này nên yêu cầu các trường "chờ" có điểm sàn rồi mới công bố điểm chuẩn.
- Với mức sàn 14, 15 mà có tới gần 80% các trường không chịu tác động của sàn, ông có thấy chất lượng học sinh phổ thông năm nay khả quan hơn?
- Năm nay, đề thi ra có độ dài phù hợp với thời lượng làm bài 180 phút. Với đề thi như vậy, so với mặt bằng toàn quốc, thí sinh làm bài tốt hơn, chứng tỏ mức độ đề thi ra sát với trình độ học sinh trong toàn quốc. Bên cạnh đó, có nhiều thí sinh ở các địa phương như Khánh Hòa, Bến Tre, Đồng Nai cũng đạt điểm tuyệt đối 30/30. Tuy nhiên, không thể khẳng định năm nay chất lượng tốt hơn năm ngoái vì đánh giá chất lượng giáo dục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Thưa ông, đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT làm điểm sàn. Mức điểm này căn cứ vào tình hình thực tế làm bài thi của thí sinh. Vậy Bộ đã tính đến việc xây dựng điểm sàn chất lượng, tức là thí sinh thi đạt được ở ngưỡng đó mới đủ tiêu chuẩn vào ĐH hay chưa?
- Chúng tôi mong muốn làm sao "sàn" chung để vào ĐH là 15 điểm. Còn làm sao để mức sàn chung đạt 15 điểm là trách nhiệm của Ban Đề thi. Từ những năm sau, có thể trong quy chế sẽ quy định điểm sàn toàn quốc là 15, để sau này không còn có các hội nghị xét điểm sàn nữa.
- Với mức điểm sàn 14-15, có khả năng một số trường ĐH dân lập không tuyển đủ chỉ tiêu. Khi đó có cho phép hạ điểm chuẩn để gọi cho đủ, hay chấp nhận đào tạo số thí sinh đã tuyển được?
- Về vấn đề này, trong Quy chế có một điều quy định: Trong những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng sẽ quyết định. Trong giáo dục ĐH, có sự phân tầng. Nhu cầu nguồn nhân lực của từng địa phương khác nhau song cho đến nay chưa đặt vấn đề trường nào đặc biệt. Bây giờ các trường tuyển NV1, 2, 3, sau đó thấy vẫn còn thiếu thì mới làm phương án để Bộ trưởng xem xét, quyết định.
- Với các trường tuyển không đủ chỉ tiêu thì Bộ có xem xét để điều chỉnh chỉ tiêu năm sau?
- Các đơn vị sẽ cân nhắc và xây dựng chỉ tiêu phù hợp.
- Điểm sàn mà Bộ công bố là điều kiện tối thiểu để thí sinh xét tuyển các nguyện vọng, chứ không phải đạt mức đó là trúng tuyển ĐH. Như vậy, phương án xây dựng điểm sàn là "gọi" dư ra so với chỉ tiêu. Đặt trường hợp các trường gọi thừa thì làm thế nào?
- Trường tuyển vượt chỉ tiêu thì bị xử lý theo Quy chế. Thiếu chỉ tiêu thì... phải chịu, chứ không được hạ điểm chuẩn!
- Xin cảm ơn ông!
-
Hạ Anh (thực hiện)