4/6 câu của Đề thi Đại học môn văn khối C và D gần sát với “tủ” - Đó là điểm bất thường khi so sánh giữa nội dung luyện thi của “lò C1 Đại học Sư phạm Hà Nội”, với nội dung đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2005 môn văn khối C, D (đề chính thức).
Lò luyện thi mọc nhan nhản |
Các bạn có thể tham khảo đề thi tại đây.
Còn "tủ" của lò luyện, các bạn tham khảo ở bảng cuối bài viết.
“Lò C1 Đại học sư phạm Hà Nội” chỉ là một trong hàng ngàn “lò” luyện thi đại học trên toàn quốc
Theo các thí sinh từng ôn luyện tại “lò C1” mà chúng tôi có dịp tiếp cận thì đã nhiều năm, lò này tổ chức ôn luyện với nội dung “trúng tủ” đề thi ĐH cho các thí sinh. Phải chăng, vì lý do đó, mỗi năm... đến hè các thí sinh lại lũ lượt kéo nhau đến ĐHSP Hà Nội để đăng ký ôn thi cấp tốc ở “lò C1” (Mặc dù cũng tại địa điểm này còn có các lò C2, C3...), khiến cho “lò C1” này trở thành một trong những “lò” có quy mô “hoành tráng” với 240 ghế ngồi tại Hội trường nhà B, Khoa ngữ văn của trường.
Cũng theo các thí sinh, Hội trường nhà B trong những ngày hè nóng bỏng luôn đông chật người, và không dễ dàng để có vé vào chép bài tủ tại đây, nhất là những thí sinh “lạ”. Vì thông thường, vé vào chép bài được phân phối qua hệ thống “chân trong” của “lò”. Một thí sinh đến từ Thanh Hóa cho biết lý do em quyết tâm theo “lò C1” là vì: “Giáo viên tại đây là Chủ nhiệm bộ môn ngữ văn của ĐHSP Hà Nội, và... có chân trong Hội đồng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Một quan chức của Bộ GD-ĐT từng khẳng định, trong thành phần ra đề thi đại học có cả các thầy tham gia luyện thi. Quan chức này cũng cho rằng những người này, đương nhiên, phải chịu trách nhiệm về việc bảo mật đề thi trước pháp luật.
Người tham gia luyện thi ở lò C1 được triệu tập làm đề thi năm nay là thầy Lã Nhâm Thìn – Chủ nhiệm bộ môn Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội.
Qua so sánh các đề thi với những nội dung mà thí sinh được “ôn luyện” tại “lò C1”, chúng tôi nhận thấy một phần rất lớn nội dung đề thi đều đã được đề cập đến trong nội dung ôn luyện, mặc dù thời gian ôn luyện hết sức cấp tốc, chỉ gói gọn trong 20 ca kể từ sau khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT cho đến trước kỳ thi đại học.
Trong cuốn vở ghi nội dung ôn luyện tại “lò C1” của thí sinh đến từ Thanh Hóa nêu trên, từ việc phân tích bản Tuyên ngôn độc lập, các truyện ngắn Vợ nhặt, Đời thừa, cho đến các đoạn thơ trong Bên kia sông Đuống, Đất nước (trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm), Kính gửi cụ Nguyễn Du, đều xuất hiện trong các “bài tủ” mà giáo viên cung cấp, chỉ duy nhất câu I môn Văn khối D là không xuất hiện trong số các “bài tủ”.
Đáng lưu ý hơn, vào cuối thời gian ôn thi tại “lò C1”, các thí sinh đã được giáo viên tại “lò” này cung cấp phần trọng tâm ôn thi hết sức “cụ thể và sát sườn” nếu so với đề thi đại học chính thức được công bố tại phòng thi sau đó vài ngày, 5 trong 12 trọng tâm đã có mặt trong các câu hỏi thi và 4/6 câu hỏi của 2 đề thi khối C và D có liên quan mật thiết đến “tủ”.
Chưa hết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án-thang điểm đề thi tuyển sinh Đại học môn Văn năm 2005 của cả hai khối C và D, chúng tôi đã căn cứ vào đáp án đó và nhận thấy nhiều nội dung trong đáp án với những “gạch đầu dòng” cụ thể đã có sự trùng lặp với những “gạch đầu dòng” trong các “bài tủ” mà “lò C1” đã cung cấp cho các thí sinh.
Trong các kỳ thi đại học, sự “hơn, thua” của các thí sinh nhiều khi chỉ là 0,5 điểm. Với một sự trùng hợp đến như vậy giữa nội dung ôn thi và nội dung đề thi như đã nêu trên, các thi sinh đến ôn luyện tại “lò C1” đã “gặp may”, hay nền giáo dục nước nhà đang “không may” trước hiện tượng các thầy luyện thi “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ?
Trọng tâm ôn thi của lò C1 |
Về văn xuôi: 1. Vi hành với bức chân dung biếm họa về vua An Nam. Đặc sắc của tình huống. 2. Đoạn đầu của Tuyên ngôn độc lập 3. Rừng xà nu (hình tượng cây xà nu) 4. Nhân vật Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng) qua cái nhìn của Lãm, một vẻ đẹp lý tưởng hóa. 5. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của Vợ nhặt. 6. Đào trong truyện ngắn Mùa lạc 7. Chất thép trong Nhật ký trong tù Về thơ: 1. Bên kia sông Đuống 2. Đất nước (cánh đồng thơ chảy máu) 3. Tư tưởng đất nước trong đoạn trích của Nguyễn Khoa Điềm 4. Bốn câu thơ trong Kính gửi cụ Nguyễn Du 5. Tám dòng đầu và tám dòng cuối trong bài Việt Bắc Còn lớp 11 thì chú ý: - Đây thôn Vĩ Dạ - Thơ Duyên khổ 1,2 và khổ 4 - Tống biệt hành, chú ý đoạn 1 và 2 - Đoạn đầu và cuối bài Tràng Giang. |
(Theo Tiền Phong)
Ý kiến của bạn: