Theo danh sách kết quả điểm thi của Học viện Cảnh sát nhân dân (HV CSND) thì em Nguyễn Thị Tâm quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, và là thí sinh đối tượng khu vực 1. Kết quả các môn thi cụ thể của em Nguyễn Thị Tâm là Văn - 10, Sử - 6, Địa - 7.
Được biết, chấm thi môn Văn cho HV CSND năm nay là cán bộ của trường ĐH Thái Nguyên. Chúng tôi đã liên lạc với ông Lương Văn Bèn – Phó Chủ nhiệm khoa Văn, ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên), Trưởng chấm thi môn Văn của ĐH Thái Nguyên.
Ông Bèn cho biết: “Người chấm vòng 1 bài thi đó là thầy Ngô Văn Thư. Người chấm thứ 2 là Thạc sĩ Đào Văn Phán. Vì bài làm rất tốt nên ở cả 2 vòng chấm, người chấm đều đọc to lên cho cả nhóm của họ nghe. Chính tôi cũng đã đọc qua bài đó. Ấn tượng của tôi về bài làm đó là đúng đáp án, viết văn trôi chảy, có cảm xúc. Sau đó tôi có nói với anh em giảng viên cùng chấm thi hôm ấy rằng, rất khó trừ của thí sinh đó một điểm nào!”.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Đào Văn Phán – giám khảo vòng 2 của bài thi trên – nói: “Thực ra trên thực tế bài thi đó chưa được điểm 10 ngay. Nhưng cả tôi và người chấm vòng 1 đều cho 9,75 nên khi khớp điểm đương nhiên bài thi được làm tròn thành 10 điểm.
Đúng ra, nếu cho một cách chính xác thì lẽ ra tôi cho bài thi ấy 9,5 điểm. Bởi vì có 2 chỗ (thuộc 2 câu khác nhau) có thể trừ 0,25 điểm. Đó là một chỗ thuộc câu 2 (câu 5 điểm) và một chỗ thuộc câu 3 (câu 3 điểm). Nhưng cuối cùng câu 2 tôi vẫn cho bài làm ấy trọn vẹn 5 điểm vì có một ý thí sinh làm tuy không tốt lắm nhưng phần trước đó lại quá tốt.
Còn câu 3 thì quả là một câu khó (vì đây là câu phân loại thí sinh). Đề bài yêu cầu thí sinh chứng minh sở trường phân tích tâm lý nhân vật của Nam Cao. Thí sinh đã nói được các ý xung đột, giằng xé trong nội tâm, các tình huống. Nhưng về ngôn ngữ của nhà văn thì lại không khai thác được bao nhiêu. Vì thế, với câu này tôi cho thí sinh ấy 2,75 điểm.
Tuy nhiên, có thể kết luận, đó là một bài làm rất hoàn hảo trong điều kiện phòng thi với thời gian 3 tiếng. Toàn bộ bài làm được triển khai gần như đáp án. Đấy còn là một bài viết rất chặt chẽ và người viết tỏ ra rất thông minh.
Người viết cũng đã thể hiện được năng khiếu văn chương: có được những cảm nhận tinh tế và từ cảm nhận của riêng mình, biết khái quát phục vụ yêu cầu mà đề bài nêu ra. Do đó, dù có một đôi khiếm khuyết nhưng chúng tôi vẫn thống nhất bài làm xứng đáng đạt điểm 10”.
Theo các giám khảo môn Văn của ĐH Thái Nguyên, việc những bài thi môn Văn đạt điểm 10 trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH quả là hiếm nhưng không phải không có.
Theo trí nhớ của thầy Lương Văn Bèn thì điểm 10 môn Văn mà các GV trường ĐH Thái Nguyên chấm cho bài làm của thí sinh trong kỳ thi ĐH gần đây nhất là năm 2003 (thí sinh thi vào ĐH Thái Nguyên).
Còn thầy Đào Văn Phán thì nhớ rất chính xác rằng sinh viên Hoàng Tuyết Nhung (K36 ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) khi thi đầu vào cũng đã đạt điểm 10 môn Văn. Năm học vừa rồi, SV này đã đạt điểm 10 khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
(Theo Tiền Phong)