(VietNamNet) - Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Minh Hiển đã khẳng định như vậy khi tổng kết hội nghị Sau ĐH kết thúc sáng 5/1. Chất lượng và hiệu quả đào tạo là vấn đề còn nhiều băn khoăn chưa có giải pháp triển khai...
Nói về những tồn tại trong đào tạo sau ĐH, Bộ trưởng nhấn mạnh: Khoảng 30% học viên đang theo học sau ĐH có trình độ còn yếu, thậm chí một bộ phận có bằng nhưng không dùng. Đối với những đối tượng này cần phải phân loại để có biện pháp xử lý...
Giải pháp nâng chất lượng đào tạo quan trọng nhất là khâu quản lý. Yếu kém về quản lý đã dẫn đến những bất cập đặt ra. Nếu chấn chỉnh thì đầu tiên phải chấn chỉnh từ quản lý của các cơ quan quản lý trực tiếp từ Bộ GD - ĐT, Vụ ĐH & Sau ĐH, các trường viện, các Hội đồng khoa học, phòng đào tạo Sau ĐH.
Tuy nhiên, cũng phải kể đến những yếu tố bên ngoài tác động không thuộc thẩm quyền "gỡ rối" của Bộ nên nhiều khi không giải quyết triệt để. Mặt khác, công tác cán bộ cũng có vấn đề, thiếu tính cạnh tranh. Nơi làm tốt không được biểu dương, nơi thực hiện chưa tốt thậm chí yếu kém nhưng lại không có kỷ luật, giải tán...dẫn đến tình trạng chất lượng không thay đổi vẫn "đóng đinh" - Bộ trưởng nhìn nhận.
Khâu tồn tại này thuộc về cơ chế, chính sách có liên quan đến vấn đề xã hội nên thực tế cũng mới chỉ giải quyết được phần "ngọn"...
Nâng cao chất lượng người thầy sẽ giải quyết được những tồn tại đặt ra. Cùng với đó, nâng chất lượng từng Nghiên cứu sinh (NCS), từng cơ sở đào tạo.
Bộ GD - ĐT cho biết, 30 năm qua, đã có 9.000 tiến sĩ được "ra lò" từ các đơn vị đào tạo trong nước. Số đó, trình độ chưa bằng các nước, song nhiều người trong đó đã có đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội.
-
Kiều Oanh
Theo dòng sự kiện: