221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
755206
Kết thúc "chạy thử" trắc nghiệm: Thoải mái!
1
Article
null
Kết thúc 'chạy thử' trắc nghiệm: Thoải mái!
,

(VietNamNet) - Chiều nay, hơn 800.000 học sinh (HS) lớp 12 cả nước kết thúc cuộc "chạy thử" với hình thức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ. Theo đánh giá sơ bộ ban đầu, kỳ thi không có sự cố đặc biệt xảy ra. Tinh thần "thi thử như thật" được quán triệt ở hầu hết các Hội đồng thi cả nước. Ghi nhanh của nhóm phóng viên tại các địa phương.

Soạn: AM 676819 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Nguyễn An Ninh giám sát việc phát đề thi tại trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: Cam Lu

Hà Nội có khoảng 35.000 thí sinh dự kỳ thi này, chưa kể số thi sinh tự do. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi thử THPT do Phó Chủ tịch Ủy ban làm trưởng ban, cùng sự tham gia của các ngành có liên quan như giáo dục, y tế, tài chính, công an...

Tại trường THPT Phan Đình Phùng (nơi đang học theo chương trình phân ban thí điểm), HS thi với tâm trạng khá thoải mái. Lê Đức Minh, lớp 12M2 cho hay, phần lớn kiến thức trong đề thi là những kiến thức em đã được học từ cấp 2. Năm nay, Minh chuẩn bị thi ĐH khối D. Một nữ sinh khác, học lớp 12G2 cho biết, thời gian làm bài của em chỉ có 30 phút. Nhiều bạn cùng phòng cũng "xử lý đề thi khá xông xênh, hạ bút trước khi trống báo hết giờ khoảng 15 - 20 phút.

Tại trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, có 320 em học tiếng Anh hệ 3 năm. Mặc dù, trường có đề dự trữ để phòng trường hợp các em làm bài thi có sai sót (như đánh dấu thay vì tô tròn, dùng bút mực thay cho bút chì), nhưng kết thúc buổi thi, không có trường hợp phải thay đề. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kỳ thi học kỳ vừa qua ở môn tiếng Anh, trường đã cho áp dụng hình thức này. Chỉ có điều, học sinh không phải điền mã số và bài thi vẫn được giáo viên chấm tay.

Soạn: AM 676821 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phát đề thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: Hạ Anh

Trực tiếp thanh tra tại trường THPT Yên Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Cục Khảo thí - Bộ GD-ĐT) Trần Văn Kiên cho hay "Đề thi được HS nhận xét phù hợp, trong chương trình, không quá đánh đố. Giám thị hiểu kỹ hơn về nghiệp vụ coi thi trắc nghiệm nên không có sự lúng túng như kỳ thi thử quy mô nhỏ trước đây".

Với tinh thần "thi thử như thật" được xác định từ đầu, ngoài đội ngũ thanh tra "cắm chốt", Hải Phòng chuẩn bị 4 đoàn thanh tra lưu động từ Hội đồng thi nội thành ra ngoại thành đề phòng sự cố. Tuy nhiên, vì không có "phao" nên công tác thanh tra cũng đỡ mệt. Trong một buổi thi 60 phút, GĐ Sở GD - ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình đã kịp đi thanh tra tới 4 trường ."Thi kiểu này, công việc của giám thị sẽ giảm vất vả nhiều lần so với thi tự luận. Nghĩa là chỉ cần nắm chắc nghiệp vụ để hướng dẫn HS làm bài không mắc lỗi kỹ thuật, còn lại không phải căng thẳng với việc lập biên bản..." - ông Đình cho hay.

Tại TP.HCM, có 49.203 thí sinh dự thi ở 2.007 hội đồng thi (kể cả thí sinh tự do). Theo phản ánh của nhiều thí sinh, đề thi không khó, nhưng do đây là lần thi thử trắc nghiệm đầu tiên nên hơi lúng túng trong các thao tác làm bài.

Nguyễn Thanh Tùng, HS trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ cho hay: "Vẫn biết thi thử nhưng đây là hình thức mới nên em lo lắng và hồi hộp quá!"

Bà Phan Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng trường THPT Bình Khánh cho biết, tài liệu hướng dẫn rõ ràng nhưng thao tác coi thi còn mới, lại nhiều như: giám thị tự mở đề thi tại phòng chứ không phải là ở phòng chủ tịch; phát đề phải để úp, thao tác nhịp nhàng giữa giám thị 1 và 2. Bởi vậy, nhiều giáo viên lúng túng, mặc dù trường đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho giáo viên nhiều lần.

Ông Trần Văn Kiên,Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Hơn 800.000 bài thi sẽ đổ về 4 trung tâm xử lý kết quả thi của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đặt tại 4 nơi: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng và TP.HCM. Dự kiến, kết quả thi sẽ được công bố sau 1 tuần".

Tại trường THPT bán công Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nhiều HS kêu khó với các kiến thức trong đề. Hình thức này đã được nhà trường tập dượt cho các em và áp dụng cả trong kỳ kiểm tra học kỳ 1 vừa qua. Tuy nhiên, kết quả thi học kỳ này không cao. Dù là thi thử nhưng trường vẫn chủ trương làm nghiêm túc.

Tại Thừa Thiên - Huế, hầu hết các thí sinh đều đã quen với hình thức thi trắc nghiệm vì đã làm bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi học kỳ I và được nhà trường hướng dẫn rất kỹ cách làm bài. Do thi thử không tính vào điểm kết quả học tập nên tâm lý làm bài của thí sinh khá thoải mái, thậm chí một số người chỉ thi “cho vui”.

Soạn: AM 676823 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hai bạn Trà Mi và Hoàng Vân (trường Quốc học Huế) trao đổi sau giờ thi. Ảnh: Quang Nam

HS trường chuyên Quốc học Huế đều nhận xét đề không quá khó, muốn làm được bài thi tốt thì phải học thuộc nhiều từ vựng để điền từ và phải nắm chắc ngữ pháp. 

Thí sinh Lê Ngọc Vũ Vy, số báo danh 010578, thi môn tiếng Anh cho biết: “Em làm được khoảng gần 80%, nói chung đề không quá khó, tụi em cũng đã quen hình thức làm bài trắc nghiệm vì kỳ thi học kỳ I vừa rồi đề thi cũng là đề trắc nghiệm”. 

Bạn Tuấn Kiệt, số báo danh 010592, thi môn tiếng Pháp cho rằng đề thi có một số câu chưa rõ nghĩa: “Trong câu chọn từ khác loại thì đề không nói rõ là chọn danh từ khác nghĩa hay khác giống. Ví dụ như có câu cho 4 từ, bắt mình chọn ra 1 từ không cùng loại, trong 4 từ đó có 3 danh từ giống đực và 1 danh từ giống cái. Nhưng trong 3 danh từ giống đực ấy lại có 1 từ chỉ về nơi chốn, 2 từ giống đực và 1 từ giống cái còn lại thì chỉ về đồ vật nên rất khó chọn. Đề cũng có câu hay. Ví dụ như em đọc bài text rất hiểu nhưng để chọn từ cho bài đó thì lại có rất nhiều từ, cho nên rất phân vân, không biết chọn từ nào cho hay nhất”. 

Còn V.T.T.Tâm,  lớp 12/6, trường Nguyễn Trường Tộ cho biết, đa số học qua loa vì không lấy điểm, cách làm bài bình thường vì đã thi học kỳ I. Giám thị coi khá gắt, vẫn có một số bạn trao đổi bài nhưng không quay cóp tài liệu.

  • Kiều Oanh - Hạ Anh - Cam Lu - Quang Nam 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,