221
682
Tuyển sinh
tuyensinh
/giaoduc/tuyensinh/
1257883
"Chạy cùng sào"... có vào trung cấp?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Chạy cùng sào'... có vào trung cấp?
,

- Học sinh không học nổi lớp 10, bỏ học. Học sinh thi rớt ĐH, CĐ, chờ năm sau thi lại... Trong khi lựa chọn học trung cấp ít ai nghĩ tới.

Thực trạng này được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Định hướng và phân luồng học sinh phổ thông” diễn ra tại Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7, TP.HCM) ngày 14/1.

Phân luồng sớm, học sinh có lợi

Năm nay, tại Trường THPT Tân Phong (Q.7) có 10% số học sinh bỏ học. Nguyên nhân được ông Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng của trường giải thích là gần như là do các em nản, học không nổi chương trình.

Giờ học thực hành của học viên tại Trường CĐ Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Minh Quyên

Tương tự, theo bà Trương Thị Tuyết Phụng, chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Cần Giờ, số học sinh bỏ học khi lên đến lớp 10, lớp 11 là khá lớn.

Được biết, do học sinh ở huyện Cần Giờ không phải thi mà chỉ xét tuyển vào lớp 10 nên hầu hết các em đều được học THPT sau khi tốt nghiệp THCS nhưng có nhiều em theo không nổi nên bỏ dở dang.

Năm 2009, TP.HCM có 2.538 học sinh chính quy thi rớt tốt nghiệp THPT, 5.809 học sinh hệ GDTX thi rớt tốt nghiệp. Riêng ở Q.7, năm vừa qua, số học sinh thi không đậu được vào ĐH, CĐ chiếm đến 76%. Với con số này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP.HCM cho rằng, nếu không vào trung cấp thì những em thi rớt ĐH, CĐ lại tiếp tục chờ năm sau thi lại.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT nhận xét: Những học sinh vào học trung cấp không hẳn là họ kém mà chỉ là không có khả năng học văn hóa, nhưng lại học tốt khi đi học nghề.

Hướng nghiệp từ phụ huynh

Hiện nay, nhận thức ở phụ huynh có tác động rất lớn đối với con đường lựa chọn của con em mình. Tuy nhiên, "nhiều trường chưa có công tác tư vấn cho phụ huynh” - ông Bùi Ninh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7) nói.

Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Q.7 cũng cho rằng, tư vấn với phụ huynh đang bị bỏ ngỏ. Vì thế, phải để phụ huynh thấy được học nghề không có nghĩa là cực khổ kiểu “chân lấm tay bùn”, người đầy dầu nhớt với ốc, kìm, búa... như cách nghĩ xưa. Theo ông Đức, công tác tư vấn có thể thông qua đại hội phụ huynh học sinh thời điểm cuối năm.

Nâng chất lượng ở trường trung cấp

Để phụ huynh, học sinh có niềm tin khi chọn con đường học trung cấp, ông Huỳnh Công Minh cho rằng trước tiên các trường trung cấp phải có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ để không còn quan niệm: trường ĐH mới cao và đẹp, còn cơ sở học nghề thì xập xệ.

Cơ sở khang trang ở một trường cao đẳng nghề tại TP.HCM. Ảnh: Minh Quyên

Ông Phạm Văn Tiến đưa ra giải pháp nên tổ chức cho học sinh đi tham quan các trường này để các em hiểu hơn.

Ông Phạm Ngọc Thanh nghĩ rằng, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường trung cấp cũng cần được Nhà nước chú ý, đặc biệt là đối với một số trường được chọn làm chủ lực. Theo ông Thanh, học phí tương đối phù hợp ở nhiều trường trung cấp hiện nay cũng là cách thu hút học sinh vào đây.

Ngoài chuyện nâng cấp “mặt tiền”, ông Tiến cũng đề nghị nên cải tiến phương pháp đào tạo ở các trường trung cấp. Việc đan xen học văn hóa và học nghề phải làm sao để học sinh chịu học, hứng thú và không bỏ học.

Sàng lọc để tạo uy tín

Ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh bày tỏ: Làm sao để việc lựa chọn vào trung cấp là định hướng ngành nghề phù hợp với tương lai của các em chứ không phải "hết đường chạy" mới vào trung cấp.

Đồng ý kiến đó, ông Bùi Ninh Bình băn khoăn: “Có cần thiết nhận học sinh cho đủ chỉ tiêu, hay sàng lọc đầu vào để còn tạo uy tín cho trường?”.

Còn ông Trần Thái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt (Q.7) cho rằng: đầu vào thấp các em sẽ không theo nổi chương trình văn hóa, dẫn tới dễ nản và bỏ học. Bên cạnh đó, đầu ra phải cố gắng làm sao cho các em được vững vàng, để tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh. Mà đầu ra vững vàng được thể hiện qua thu nhập từ công ăn việc làm sau khi ra trường.

Thống kê của Bộ GD - ĐT, hàng năm có 550.000 - 580.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng vì nhiều lý do không tiếp tục học lên THPT. Số học sinh này nếu không được đào tạo nghề để trở thành lao động có kỹ năng mà đi thẳng ra thị trường lao động không chỉ là sự lãng phí về vốn con người, mà có thể còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội trong hiện tại và tương lai.

Với học sinh bỏ thi hay thi rớt tốt nghiệp THPT có thể nói là những học sinh đã chọn nhầm đường đi. Nếu được học hành phù hợp với năng lực bản thân, hàng trăm ngàn học sinh đã không uổng phí 3 năm học THPT - ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh cho biết.

  • Minh Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,