,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
1266516
Nhọc nhằn nghề lau mồ hôi, nở nụ cười
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Nhọc nhằn nghề lau mồ hôi, nở nụ cười

Cập nhật lúc 06:10, Thứ Bảy, 15/05/2010 (GMT+7)
,

- Áp lực, lo lắng, thời gian thất thường... là những đặc điểm khó khăn khi bước chân vào nghề điều dưỡng. Nhưng đã vào nghề, hiếm người dứt được với nghề.

TIN LIÊN QUAN

Khi bệnh nhân đông đúc, điều dưỡng chịu sức ép lớn. Bệnh nhân trở bệnh nặng, điều dưỡng lo lắng. Bệnh nhân bệnh lâu ngày, bốc mùi, điều dưỡng làm vệ sinh. Bệnh nhân không vừa ý, điều dưỡng bị chửi... và còn nhiều những khó khăn mà điều dưỡng phải chịu.

Cẩn thận, kiên nhẫn... là những đức tính rất cần khi làm điều dưỡng. Ảnh: Thái Phương.

Thế nhưng, đa số "người trong nghề" đều cho rằng những điều đó không là gì khi họ đến với nghề. Mà cái buồn lớn nhất là khi không thể giúp gì để bệnh nhân có thể sống và khỏe mạnh hơn.

“Người thân” khó quên

Chị Khuất Thị Vui, người điều dưỡng thâm niên đã không thể nào quên được kỷ niệm với một bệnh nhân ở Khoa Hồi sức, Bệnh viện Việt - Pháp (TP.HCM).

Chị kể: Có lần, chị gặp một bệnh nhân người Campuchia trạc tuổi mình. Lúc nhập viện, bệnh nhân này trong tình trạng nổi ban đỏ. Sau một thời gian chăm sóc, bệnh nhân khỏe lại và cả hai quý nhau như chị em.

Có một ngày, chị Vui được báo bệnh nhân Campuchia gọi chị vào gặp. Nghĩ người ấy đã khỏe, chị lại đang lúc bận rộn nên không vào gặp. “Ấy thế mà tôi phải hối hận đến bây giờ!” - chị Vui ngậm ngùi nói. Bởi vì người bạn ấy trở bệnh nặng và đã ra đi vào ngày đó.

Còn với chị Nguyễn Thị Hải Yến đang công tác tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) luôn day dứt từ câu chuyện của những ngày đầu vào làm ở bệnh viện.

Ngày ấy, có một bệnh nhân xuất huyết não và bị hôn mê 2-3 ngày. Thấy cảnh người nhà bệnh nhân lo lắng vào ra liên tục. “Tôi tưởng chừng như tôi cũng là một trong số người thân đó. Có bao nhiêu thời gian, tôi dành hết để chăm sóc cho bệnh nhân” - chị Yến nói.

“Thế rồi, người đó cũng ra đi” - nói xong, chị buồn buồn cúi đầu im lặng một lúc lâu.

Lau mồ hôi, nở nụ cười

Những câu chuyện buồn dần dần cũng chỉ còn trong quá khứ. Sự thăm hỏi, gần gũi của nhiều bệnh nhân khỏe lại sau khi được chị Hải Yến chăm sóc như tiếp thêm sinh lực để chị vui vẻ sống với nghề.

Chị Yến cho biết từ khi vào nghề, chị bỗng có thêm nhiều ông ba, ông bác. Nhiều bệnh nhân khi hết bệnh và xuất viện đã coi chị như con, như cháu, lâu lâu lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe.

Nụ cười trên khuôn mặt người điều dưỡng cũng cần thiết không kém. Ảnh: Thái Phương.

Khi hỏi vì sao chị làm tốt được công việc, chị cho rằng chỉ cần xem bệnh nhân như người nhà, dành nhiều tình cảm và thật lòng quan tâm đến họ tự khắc sẽ làm tốt.

Anh Phạm Xuân Huệ, điều dưỡng phòng mổ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết công việc của anh là phụ bác sĩ khi có ca mổ. Vì thế, thời gian cũng rất thất thường. Có khi giữa khuya đi làm, thức trắng đêm, đứng phụ mổ với bác sĩ mỏi cả chân. "Trong lúc phụ mổ, tôi sợ nhất là sự buồn ngủ, vì không đủ tỉnh táo có thể sẽ làm hại đến bệnh nhân”.

Anh tự nhận xét: “Nghề này khá cực vì làm công việc gì khác nếu quá mệt có thể bỏ về sớm, hôm sau làm tiếp, chứ nghề điều dưỡng không thể bỏ lại bệnh nhân được".

Ngoài công việc ra, anh còn thường xưyên tư vấn cho người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân. Những lúc khách đến đông, anh Huệ vã mồ hôi trò chuyện với từng người. “Nhưng làm cái này vui lắm! Có nhiều người được tư vấn, tôi không nhớ mà họ vẫn nhớ tới tôi. Mặc dù lúc tư vấn, tôi cũng chỉ biết gì nói đó” - anh Huệ tâm sự.

Anh nói thêm: “Tôi còn thấy vui vì tư vấn được cho những người ở xa tới. Cũng là dân tỉnh lẻ lên thành phố, tôi hiểu rõ nỗi cực khổ của họ như ba má tôi, như người ở quê tôi vậy”.

Nói về cái nghề của mình, anh Huệ cho rằng, bệnh viện không phải là cái chợ nên bệnh nhân không thể trả giá. “Mình nói bao nhiêu họ trả bấy nhiêu. Nếu không có cái tâm, mình chỉ làm khổ bệnh nhân” - anh chia sẻ.

Trước đồng tiền bồi dưỡng của một số người nhà bệnh nhân khá giả, người điều dưỡng nếu không vững vàng sẽ dễ dàng bị tha hóa. Và hầu hết trong số họ khi nói về nghề điều dưỡng của mình đều cho rằng, họ phải luôn tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày để giữ được cái tâm từ mẫu của một lương y.

Chị Khuất Thị Vui: Sợ nhất là sự vô cảm với nỗi đau bệnh nhân

Đây là nghề đơn giản, làm hoài rồi sẽ quen tay. Để kiếm được việc làm, họ có thể chỉ mất 2 năm. Trong khi đó, lương nghề này cũng trung bình từ 3-5 triệu rồi.

Ở bệnh viện, điều dưỡng chịu trách nhiệm theo dõi tình trạng bệnh nhân để báo lại cho bác sĩ biết, thay băng, chích thuốc, rửa vết thương, dùng các thủ thuật thông dạ dày, thông tiểu... cho bệnh nhân. Ngoài chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng còn chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Những công việc của điều dưỡng hầu như giống nhau nhưng cách thức làm tùy vào cái tâm mỗi người. Đối với tôi, nỗi sợ lớn nhất khi làm nghề này là trơ lỳ vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân.

Cũng có lúc chán, tôi cũng muốn tìm một công việc khác, nhưng rồi nghĩ lại, nếu có bỏ chắc rồi tôi sẽ quay lại thôi. Bởi làm điều dưỡng tôi vừa chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, vừa chăm sóc cho bản thân tôi và cả những người xung quanh.

Ths. Trương Tấn Trung, phụ trách công tác tuyển sinh Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết hiện nay, bệnh viện nào cũng rất cần điều dưỡng. Nhu cầu quá cao về điều dưỡng khiến những ai học ra trường rất khó thất nghiệp.

Nghề điều dưỡng khi làm việc tại các bệnh viện gồm có: Điều dưỡng ngoại khoa, điều dưỡng nội khoa, điều dưỡng sản phụ khoa, điều dưỡng nhi khoa, điều dưỡng truyền nhiễm, điều dưỡng bệnh chuyên khoa, điều dưỡng cộng đồng,...

Hiện nay, trường đào tạo ngành Điều dưỡng khá nhiều tại phía Nam như: ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Tây Nguyên, ĐH Y dược Cần Thơ... và hơn 10 trường CĐ Y tế tại các địa phương: Cà Mau, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa... cùng với khá nhiều trường đào tạo bậc trung cấp.

  • Minh Quyên
,
,