,
221
5921
Tin tức - Sự kiện
tintuc-sukien
/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/
885026
Tuyển sinh 2007: 3 điểm mới
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Tuyển sinh 2007: 3 điểm mới

Cập nhật lúc 13:56, Thứ Ba, 09/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Năm 2007 sẽ thi 4 môn thi trắc nghiệm, HS đoạt giải HS giỏi quốc gia do trường tự quyết tuyển thẳng, thi CĐ sẽ còn 1 đợt, các trường tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh...

Những nội dung này đã được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long giải thích rõ hơn trong cuộc trao đổi với báo chí, sáng 9/1.

 >>2007: Trường ĐH tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh 

Trắc nghiệm: Sẽ ôn liên tục trong 3 tháng

Thứ trưởng Bành Tiến Long.

Thưa ông, thi Ngoại ngữ bằng trắc nghiệm được đánh giá là tổ chức và làm đề thuận tiện hơn nhưng ngay năm 2006, lần đầu tiên triển khai trong toàn quốc vẫn có sai sót. Năm nay, Bộ GD-ĐT vừa quyết định sẽ thi tuyển sinh 3 môn Lý, Hóa, Sinh theo phương thức này. Hiện tại, nhiều giáo viên, phụ huynh và HS rất băn khoăn vì chủ trương đột ngột, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là tới kỳ thi...

Thứ trưởng Bành Tiến Long: Việc thi thêm 3 môn trắc nghiệm Vật lý, Hóa học và Sinh học năm nay là lộ trình phải triển khai theo thông báo từ năm 2005.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã ban hành hướng dẫn thi trắc nghiệm và sẽ tổ chức cho các Sở GD-ĐT hướng dẫn  trường THPT cho HS kiểm tra theo hình thức này.

Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với Đài Truyền hình để tổ chức hướng dẫn trên truyền hình. Mỗi tuần sẽ có 3 buổi  hướng dẫn 3 môn thí trắc nghiệm mới công bố, liên tục trong 3 tháng để HS làm quen.

Tôi cũng xin khẳng định lại rằng đối với HS phổ thông, việc thi trắc nghiệm không còn lạ lẫm. Học kỳ 1 vừa qua, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã chủ động cho các em thi theo hình thức này.

Không nên quá lo lắng với việc thi trắc nghiệm vì thi kiểu này chỉ thuận lợi cho các em. Thời gian thi ngắn hơn, các em làm bài thoải mải hơn; đồng thời kiểm tra được kiến thức một cách toàn diện trong quá trình học.

- Vậy còn ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm, liệu chất lượng đề thi có đảm bảo yếu tố phân loại HS?

Lo lắng đó không chỉ của xã hội mà cả những người trong cuộc. Hiện, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã chuẩn bị đủ cơ số đề thi trắc nghiệm cho các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và đã chuẩn bị đề thi trắc nghiệm cho môn Toán thi vào năm 2008. Đây là việc làm chủ động vì đã có thông báo từ năm 2005 cho nên chất lượng đề thi chắc chắn đảm bảo tốt.

- Việc công bố các môn thi tốt nghiệp THPT vào ngày 31/3 có muộn không khi chỉ còn 3 tháng để HS học và thi những môn thi theo hình thức trắc nghiệm?

Thực ra ngày 31/3, biên chế năm học đã công bố từ trước rồi. Phần lớn các môn thi tốt nghiệp đã trùng hợp các môn thi đã công bố thi trắc nghiệm. Nếu có thay đổi sẽ có quyết định sau, nhưng cũng không nhiều số môn thay đổi...

Hội nghị được tổ chức qua cầu truyền hình tại 4 điểm: Hà Nội. TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Trong ảnh: Quang cảnh đầu cầu Hà Nội (tổ chức tại thư viện điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng

Đề thi: vẫn có tự chọn

- Đối với đề thi các môn thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT sẽ có những quy định cụ thể như thế nào để không có nhầm lẫn giữa phần đề "chọn 1 trong 2" dành cho HS phân ban và không phân ban?

Ban làm đề thi đã rút kinh nghiệm và sẽ phải làm rất rõ trên phần câu hỏi thi. Đây không phải kiểu "đề tự chọn" mà là đề thi cho HS phân ban và HS không phân ban. Sau đó, HS có quyền lựa chọn 1 trong 2 phần đó để làm.

Nghĩa là, ngoài phần chung cho HS phân ban và không phân ban, năm nay đề thi vẫn có phần lựa chọn 1 trong 2 phần đề dành cho 2 đối tượng HS. Tuy nhiên, HS từ không phân ban có thể làm phần đề phân ban và ngược lại, HS học chương trình phân ban có thể làm phần đề không phân ban. Nhưng chỉ có một lựa chọn thôi... Câu hỏi sẽ yêu cầu rất rõ vấn đề này để giúp HS tránh nhầm lẫn.

- Vì sao không làm một đề thống nhất cho thi trắc nghiệm để không có nhầm lẫn như năm trước?

Trước đây, tôi cũng đã nói thi trắc nghiệm mà có lựa chọn sẽ rất dễ nhầm. Nhưng, chúng ta phải tôn trọng tính lịch sử. Các em đã được học thế nào thì sẽ được thi như vậy để tạo tâm lý thoải mái theo những nội dung các em đã được học.

Việc này sẽ khiến công tác ra đề thi nặng nề hơn, nhưng sẽ tốt hơn cho HS.

- Mã đề thi của các môn thi trắc nghiệm năm nay có tăng để giảm thiểu số lượng bài thi giống nhau đã xảy ra ở một số hội đồng thi năm trước?

Thực ra, cách bố trí và tổ chức thi thì không nhất thiết phải tăng mã đề. Việc tăng mã đề thi các môn thi trắc nghiệm hay không sẽ do Ban đề thi quyết định. Nhưng, xảy ra một số hiện tượng có số lượng bài thi giống nhau đã phát hiện không phải do số lượng mã đề thi ít.

Để xảy ra hiện tượng này là do khâu tổ chức thi dễ dãi. Mà nếu đã dễ dãi thì làm bao nhiêu mã đề thi cũng không thể giải quyết được.

Hiệu trưởng ĐH quyết định tuyển thẳng HSG quốc gia

- Một quyết định khác cũng khá đột ngột với HS là chủ trương bỏ tuyển thẳng ĐH, CĐ đối với HS đoạt giải quốc gia. Thưa ông, tại sao lại có chủ trương như vậy?

HS thi HS giỏi quốc gia nếu đạt được giải sẽ phải dự thi ĐH để đảm bảo việc học đều các môn, tránh học tủ học lệch. Các em đạt điểm thi từ mức sàn trở lên, không có môn thi nào bị điểm 0 sẽ được trường ĐH quyết định chế độ ưu tiên. Cụ thể, Hiệu trưởng các trường quyết định vấn đề này cho trường mình.

Đối với các em HS giỏi đạt kết quả thi trên điểm sàn, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì khó khăn. Đấy mới thực sự là những HS giỏi.

Như trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), sẵn sàng tuyển tất cả những em HS giỏi quốc gia đạt các giải khác nhau nhưng phải đúng ngành học. Số lượng , tiêu chí xét tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét quyết định.

Để giúp HS nắm được thông tin trường nào tuyển thẳng, Bộ sẽ tập hợp danh sách từ các trường và thông báo trên mạng của Bộ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.

Thi "hai trong một": Muộn nhất là 2009!

 - Thời gian nào Bộ GD-ĐT chính thức gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành một?

Việc tổ chức 2 kỳ thi thành một thì trong đề án cải tiến tuyển sinh từ năm 2002 đã thông báo. Và, trong đề án đổi mới cơ bản và toàn diện GD ĐH Việt Nam Thủ tướng đã có Nghị quyết về vấn đề này, cho nên chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT và vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.

Do vậy, ngay từ bây giờ khâu tổ chức thi phải thật tốt thì chúng ta sẽ thực hiện một kỳ thi quốc gia. Bộ GD-ĐT cố gắng thúc đẩy càng nhanh càng tốt. Muộn nhất là năm 2009, và sớm nhất là năm 2008 sẽ thực hiện.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Kiều Oanh (ghi)

Những điểm mới tuyển sinh 2007:

- Tuyển sinh ĐH: Thi trắc nghiệm thêm 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học (ngoài môn Ngoại ngữ).

- Các trường CĐ tổ chức thi 1 đợt, trong 2 ngày 15 và 16/7. Bộ GD-ĐT tổ chức ra đề thi cho các trường CĐ có tổ chức thi theo phương pháp trắc nghiệm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Các môn còn lại, các trường CĐ tự ra đề thi

- Hiệu trưởng các trường ĐH quyết định tuyển thẳng HS đạt giải HS giỏi quốc gia.

,
,