,
221
5921
Tin tức - Sự kiện
tintuc-sukien
/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/
892600
Bỏ tuyển sinh ĐH theo khối
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Bỏ tuyển sinh ĐH theo khối

Cập nhật lúc 01:36, Thứ Hai, 29/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D...) sang việc xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho từng ngành đào tạo. 

>> Thi ĐH- Chuyển "ba chung" thành "hai chung"

Thí sinh làm bài thi ĐH chiều 9/7/2006. Ảnh: LAD

Đây là một trong những nội dung của phương án "gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH" mà Bộ GD - ĐT dự kiến thực hiện từ sau năm 2007.  

Hiện tại, ngành giáo dục đang ráo riết cho việc xây dựng nội dung chi tiết cho phương án này. 

Ngày 26/1, một hội thảo được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế với nội dung "tìm giải pháp tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TCCN" với sự tham gia của các lãnh đạo Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ khu vực miền Trung. 

"2 trong 1" như thế nào? 

Theo dự kiến, ngành giáo dục sẽ tổ chức một kì thi quốc gia hằng năm, lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT (cả hệ bổ túc THPT), vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Khi hoàn thành khâu thi, có kết quả, mới tổ chức xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh. 

Để thực hiện ý tưởng này, đề thi sẽ được chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Văn sẽ giữ một phần tự luận. 

Đồng thời, công nghệ thông tin được sử dụng tối đa trong quy trình tổ chức thi: chấm thi bằng máy; công khai trên mạng dữ liệu về thí sinh và kỳ thi, kết quả thi, kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh của từng thí sinh, đảm bảo sự minh bạch về thông tin. 

Sẽ có sự "bắt tay nhịp nhàng" giữa các sở GD-ĐT, trường THPT và trường ĐH, CĐ, TCCN trong công tác tổ chức kỳ thi (in sao đề thi, tổ chức thi tại địa phương theo các khu vực chấm thi…). Đồng thời, áp dụng các biện pháp tích cực nhằm giảm áp lực tại các địa điểm coi thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối, nghiêm túc khâu coi thi. 

Khi đó, việc tuyển sinh theo khối thi (A,B,C, D...) sẽ được chuyển sang xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho từng ngành đào tạo. 

Mỗi HS một đề thi?

Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Trường Sơn, cho rằng, trong thi cử, cần có một cách nhìn hệ thống khi đặt mối tương quan từ tiểu học đến học sinh tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, nên tổ chức thi qua 6 kì học để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS. Thí sinh học môn gì thì thi môn đó. 

Theo ông Sơn,  đề thi phải có sự phân hóa tới mức, mỗi thí sinh nên có đề thi riêng. 

Ông Trương Vĩnh Diên, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Bình cũng muốn mỗi thí sinh một đề riêng vì "trong mỗi phòng thi chỉ giới hạn tối đa vài chục thí sinh sẽ tránh sự gian lận, sao chép". 

Theo ông Diên, cấu trúc của đề thi phải khác vì mang tính chất “hai trong một”, không nên hạn chế thang điểm 10.

Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng Ban đào tạo ĐH Huế cho rằng, thí sinh học môn nào nên thi môn đó. 

Tuy nhiên, theo ông, không cần thiết phải ra mỗi thí sinh mỗi đề" mà quan trọng là đề thi phải làm sao bảo đảm được sự phân loại thí sinh giỏi, đúng năng lực, đủ thời gian để thí sinh làm bài. 

"Địa phương hóa" kỳ thi quốc gia, có nguy hiểm? 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhung phát biểu tại hội nghị.

Ông Diên nhìn nhận, điều quan trọng không phải là bao nhiêu kỳ thi mà là đảm bảo độ tin cậy của kì thi. Thi cử chỉ là một khâu trong giáo dục đào tạo. Hai kì thi tổ chức vào một đợt thì số thí sinh dự thi sẽ đông hơn gấp nhiều vì còn nhiều thí sinh rớt ĐH, CĐ từ các năm trước.  

"Kì thi một lần nhưng với hai mục đích sẽ tạo nên sự khác nhau, hai tính chất khác nhau. Liệu có tạo nên áp lực cho địa phương hay không? Tôi rất băn khoăn khi hợp nhất hai kì thi vào một lần nhiều khi có tác dụng ngược lại", ông Sơn bày tỏ. 

Theo ông, tổ chức kì thi tại địa phương là cách vô tình “địa phương hoá” một kì thi có tính chất quốc gia, rất khó đảm bảo tính trung thực.  

Bởi vậy, phải có sự chuyển đổi trên 50% số giáo viên coi thi từ địa phương này sang địa phương khác.  

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắm đề xuất mạnh hơn, chuyển hẳn hết giám thị tỉnh này sang tỉnh khác.  

Đồng ý với phương án 'gộp" 2 kỳ thi, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nhung, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Đà Nẵng đặt câu hỏi kỹ hơn:  "Việc tổ chức ki thi này tại mỗi địa phương có đảm bảo không có tiêu cực? Khi lấy điểm thi tốt nghiệp để xét vào ĐH, CĐ có thoả mãn được nhu cầu khách quan?"

Theo bà Nhung, cần có nhiều giải pháp hơn nữa mới đảm bảo tính ổn định và đúng lộ trình. 

Còn Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ông Dương Lân nhận xét "đề xuất của Bộ GD- ĐT rất hay, đi trước một giai đoạn của giáo dục nước ta". 

Theo ông Lân, trong thời điểm hiện tại, việc tổ chức thi trắc nghiệm sẽ là tối ưu nhất. Vấn đề tổ chức một kì thi với hình thức thi trắc nghiệm nếu đảm bảo tính trung thực thì việc xét tuyển ĐH, CĐ rất dễ dàng.  

"Tôi nghĩ ở cương vị giáo viên, trách nhiệm của người giáo viên được nâng cao thì sẽ không có việc “địa phương hoá” các kì thi. Chỉ có những con sâu làm rầu nồi canh", ông Lân hy vọng. 

  • Thanh Tân (lược thuật) 

Khẩn cấp hay từ từ? 

Ông Phạm Tuấn Hùng (Phó Giám đốc Sở GD & ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế): "Để có được những yêu cầu và giải pháp trên, phải có một lọ trình từng bước từ THCS mới có bước THPT. Thế nhưng chúng ta chỉ mới có mảng THPT. Phải có mối tương quan THCS - THPT và THPT với bổ túc THPT. Các qui định, quy chế các kì thi năm 2007 phải nhanh chóng  được ban hành, tránh khó khăn lúng túng khi tổ chức các kì thi".  

Ông Nguyễn An Ninh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục): "Chúng ta cần có giải pháp thi cử để bớt nặng nề, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, loại bỏ dần những hiện tượng nhức nhối “HS ngồi nhầm lớp và cầm nhầm bằng”. Cần tìm giải pháp để đến năm 2008, tiến tới tổ chức một kì thi. Bởi vậy, cần làm nhanh hơn nữa. Đồng thời, phải đoạn tuyệt với những suy nghĩ trì trệ trước đây, tạo nên chuyển biến mới hoà nhập cùng sân chơi về ĐH, CĐ với khu vực và thế giới". 

  • Thanh Tân (ghi)

Ý kiến của bạn:

,
,