,
221
5921
Tin tức - Sự kiện
tintuc-sukien
/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/
906520
Chạy đua..."ăn theo" thi trắc nghiệm
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Chạy đua...'ăn theo' thi trắc nghiệm

Cập nhật lúc 06:19, Thứ Ba, 13/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Cuối tháng 12/2006, Bộ GD-ĐT ra quyết định sẽ thi tuyển ĐH và CĐ bằng hình thức trắc nghiệm với 4 môn Anh, Lí, Hóa, Sinh. Giáo viên, phụ huynh, học sinh lo lắng; còn các Nhà xuất bản sách, các trung tâm luyện thi lại "vào mùa".

Sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm có mặt ở hầu hết các nhà sách với số lượng lớn.
Sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm có mặt ở hầu hết các nhà sách với số lượng lớn.

"Nở rộ" sách trắc nghiệm

Nhà sách giáo dục trên đường Lí Thường Kiệt - Hà Nội, các đầu sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm rất đa dạng. Riêng trắc nghiệm Vật Lí  ôn thi ĐH cũng lên tới 30 đầu sách.

Điều đáng nói, sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm hầu hết thuộc các nhà xuất bản (NXB) ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm, NXB Hà Nội,  Hải Phòng và Thanh Hóa. Số đầu sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cô Nguyên, giáo viên THPT tại Hà Nội khẳng định: "Để có thể tham khảo nhiều dạng câu hỏi và bài tập thì vẫn cần mua thêm sách của các NXB khác ngoài NXB Giáo dục. Nhiều khi mua cả một cuốn sách chỉ để tìm được một đến hai dạng bài mình cần tìm hiểu".

Điểm mạnh của các NXB này là nắm bắt đúng nhu cầu của học sinh, phát hành sách nhiều về số lượng và đa dạng về nội dung.

Lấy ví dụ sách hướng dẫn thi trắc nghiệm môn Vật lý, NXB ĐHQG Hà Nội tung ra nhiều đầu sách với các chuyên đề khác nhau như Cơ học, Quang học, Điện xoay chiều...

Bên cạnh đó, còn nhiều đầu sách dạng thống kê câu hỏi trắc nghiệm và trả lời.

Đầu năm 2007, Bộ GD-ĐT mới có quyết định chính thức thi tuyển sinh ĐH và CĐ gồm 4 môn thi trắc nghiệm, hàng loạt sách  hướng dẫn ôn thi được cấp tập soạn trước đó đã tung ngay ra thị trường. Hầu hết đều được in và nộp lưu chiểu từ quý IV năm 2006, muộn nhất cũng là đầu quý I/2007. 

Ngoài ra, các loại sách hướng dẫn, câu hỏi và  bài tập trắc nghiệm của lớp 10, lớp 11 cũng có mặt.

Các Trung tâm mở lớp ôn thi trắc nghiệm ngay sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định thay đổi hình thức thi tuyển ĐH.

Không chỉ các nhà sách lớn ở Hà Nội, mà các cửa hàng sách cũ ở đường Láng, quầy sách vỉa hè cũng tràn ngập sách hướng dẫn thi trắc nghiệm. Chất lượng sách ở đây thường không cao, bản in không đẹp, nhiều trang bị lỗi.

Nguyễn Ngọc Trâm, học sinh lớp 13 - Trung tâm luyện thi B6 - Bách Khoa cho hay: "Có rất nhiều loại sách để bọn em lựa chọn. Nhưng, đó lại chính là cái khó vì bọn em không biết mua sách của NXB nào là tốt nhất. Kinh nghiệm của em là mua sách theo hướng dẫn của thầy giáo ở lớp luyện thi. Thầy luyện dạng bài tập nào thì mua sách để tham khảo thêm cho dạng ấy". 

Trung tâm luyện thi: Thêm đông khách

Sôi động  không kém thị trường sách hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm, các Trung tâm luyện thi cũng đồng loạt vào cuộc sau quyết định thay đổi hình thức thi tuyển ĐH và CĐ của Bộ GD-ĐT. 

Hà Nội, các lớp luyện thi trắc nghiệm ba môn Lí, Hóa, Sinh được mở ra ngay sau dịp Tết. Một số Trung tâm ở khu Bách Khoa, khu Đại học KHXH&NV hay Đại học Y, học sinh đến đăng kí học khá đông. Trung bình số học sinh ở mỗi lớp lên tới trên 50 người. Các lớp ghi danh thầy nổi tiếng...có khi lên tới gần 100 học sinh.

Các trung tâm chủ yếu vẫn mời các thầy giáo thuộc một số trường ĐH ở Hà Nội như Bách Khoa, Xây Dựng, Sư Phạm hay Trường ĐHKHTN HN. Ngoài việc có nhiều năm kinh nghiệm luyện thi ĐH, các thầy đều là những người đã quen với phương pháp ôn thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, các lớp luyện thi trắc nghiệm ngày càng tăng về số lượng  bởi  học sinh thường có tâm lí khi học tại đây, họ sẽ được cập nhật thông tin mới và tích lũy được những phương pháp giải phù hợp với đề thi sắp tới của Bộ. 

Học sinh đến các lớp luyện thi ngày càng đông

 Phạm Hồng Nhung - học sinh lớp 12, Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) tâm sự: "Ở lớp em có rất nhiều bạn đi ôn ở các Trung tâm sau khi nghe năm nay sẽ thi trắc nghiệm. Do việc thay đổi hình thức thi bất ngờ với cả bọn em và cả các thầy cô giáo trong trường, nếu không đi ôn thì bọn em sẽ không yên tâm vì các thầy ở trường cũng chưa thực sự quen với phương pháp luyện thi trắc nghiệm."

Việc thi Đại học bằng hình thức trắc nghiệm cũng là cái khó của các học sinh đã thi trượt năm trước. Thành Nam - cựu học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) lo lắng: " Em đang ôn thi theo dạng tự luận từ năm ngoái, đến tháng 1 năm nay phải quay sang ôn và làm lại bài tập từ đầu theo dạng trắc nghiệm. Là học sinh lớp 13, nếu không đến lớp ôn thì bọn em sẽ không nắm được phương pháp làm bài".

Thu Hương - cựu học sinh trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì - Hà Nội) năm nay có ý định tự ôn  môn Lí  theo sách giáo khoa nhưng cuối cùng vẫn phải đến các trung tâm luyện thi. " Nếu thi như năm ngoái, em có thể ôn tại nhà vì đề sẽ gần với nội dung sách giáo khoa. Năm nay thay đổi nên em không dám chắc."

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh thi ĐH trong năm nay. Nhiều em tìm đến học ở các trung tâm như để cảm thấy được yên tâm hơn. Sự thay đổi có phần gấp gáp của Bộ GD-ĐT  khiến giáo viên và học sinh chạy theo không kịp. Nhưng với các NXB, các trung tâm luyện thi, đây lại là cơ hội làm ăn thuận lợi, vì cái gì cũng mới, cũng cần "hướng dẫn", "tham khảo" từ đầu!

  • Thế Đạt

TP.HCM: Cứ luyện, sẽ có hướng dẫn! 

Năm nay học phí luyện thi tăng hẳn so với năm trước. Giá học ở Trung tâm ĐHSP (đường Đinh Tiên Hoàng) cho 3 môn lên tới 2 triệu, ở ĐH Y Dược 3 môn/1,8 triệu…

Những lò luyện thi khu vực ngoại thành, ở những quận hơi xa trung tâm như Tân Phú, Gò Vấp vẫn không vắng mặt những lò luyện thi quanh khu vực các trường phổ thông. Tất cả đều quảng cáo “luyện thi phương pháp mới”, vì năm nay thêm một số môn trắc nghiệm. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tô,i học sinh học theo phương pháp chép và chép chữ thầy, không kịp suy nghĩ, không kịp hiểu vì… gấp. Không có sách biên soạn chương trình ôn thi.

Ở một số trung tâm của ĐHSP, Tri Hành, Vĩnh Viễn, ĐH Y Dược… thí sinh còn được khẳng định chắc chắn thầy cô soạn giáo án mới, biên soạn phù hợp phương pháp trắc nghiệm, nhưng đảm bảo chất lượng, uy tín cũ, trang bị kiến thức thừa đủ cho thi, chỉ sợ em… học không hết (!?)

Tuy vậy, trên thực tế, Mai Hoa, thí sinh luyện thi lại ở ĐH Y Dược cho biết: “Hai buổi học đầu tiên hai giáo viên chỉ nói chuyện khác nhau giữa các hình thức thi và đưa ví dụ, so sánh. Năm ngoái học ở Vĩnh Viễn, có tài liệu ôn thi nhưng năm nay chưa thấy có. Giáo viên bảo là sẽ có”.

Chất lượng học thi đáng ngại, nhưng vì thi lại, theo phương thức mới nên cô sinh viên này (hiện đang học khoa Sinh, ĐH KH Tự nhiên) cho biết đành bấm bụng nộp tiền học 2 môn Sinh, Hoá ở ĐH Y Dược, hết 1,2 triệu, chỉ vì nghe người ghi danh bảo: “Em thi ở trường nào thì nên qua trung tâm của trường đó học”.

Hoàng Anh, ôn thi tại một trung tâm trên đường Cách Mạng tháng Tám thì cho biết, với phương pháp ôn thi trắc nghiệm, nhiều khi không hiểu chọn cái này mà không chọn cái kia, nhưng thầy lại không giảng giải kĩ càng. Thậm chí, thầy còn nói, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm hàng ngàn câu, câu nào cũng giải thích kĩ thì không có thời gian, tốt nhất các em cứ…. học thuộc”.

  • Thu Hương

 

,
,