HS lớp 6 giải đề ĐH: 8,25 điểm Toán
(VietNamNet) - Em Ngô Đặng Hải đạt điểm cao nhất: 8,25 điểm. Nguyễn Minh Thắng và Phạm Tiến Long đều được 8 điểm. Các em Hoàng Minh Sơn và Lê Nguyễn Vương Linh đạt 7,75 điểm. Đó là kết quả làm đề thi ĐH môn Toán khối B của 5 HS lớp 6.
TS Trần Phương với 5 HS lớp 6 giải đề ĐH |
Kỳ thi thử nghiệm này được thực hiện vào chiều thứ 2, ngày 9/7.
Các thí sinh làm bài dưới sự giám sát của 2 cán bộ coi thi và sự chứng kiến của TS Hà Đức Vượng - Phó phòng Kiểm định, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Đúng như hình thức thi ĐH, thời gian làm bài là 180 phút. Sau đó, các giám thị thu bài, lập biên bản niêm phong, bàn giao cho ban tổ chức.
Sáng nay, 11/7, bài làm của các học sinh đã được chấm theo đáp án chính thức do Bộ GD-ĐT công bố. Hai cán bộ trực tiếp chấm thi là thầy Nguyễn Thượng Võ - cựu giáo viên trường THPT Hà Nội-Amsterdam và cô Hà Thị Duyên - giáo viên Trường THPT Marie Curie.
Trước đó, ngày 9/7, tại buổi toạ đàm "Cách tiếp cận và đào tạo nhân tài", ông Nguyễn Thượng Võ cho biết: "Không nên coi trường hợp HS lớp 6 giải được đề thi ĐH là điều gì quá đặc biệt, quá rùm beng".
Năm HS này không phải là HS đặc biệt xuất sắc và bắt đầu theo học lớp học đặc biệt này từ tháng 10/2006, khi đều đang học lớp 5. Các em học tại lớp này với tần suất 1 buổi/tuần, trong 4 giờ đồng hồ. Nguyễn Minh Thắng cho biết, ngay trong buổi đầu tiên, các em đã học "rút gọn" hầu hết các kiến thức Toán các lớp 6-7-8-9. Phụ huynh em Lê Trần Vương Linh cho biết, em học tập và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, không hề căng thẳng, nhồi nhét.
Cũng trong buổi toạ đàm đó, ông Trần Phương đã trình bày một số quan điểm về phương thức đào tạo. Ông đưa ra một so sánh, "một đích đến có nhiều cách đi. Leo lên núi Yên Tử, có người đi bộ, mà cũng có thể đi cáp treo".
-
Hoàng Lê
***********************
Đào tạo theo lối "đi tắt, đón đầu" để HS lớp 6 có thể giải được các dạng bài lớp 12 là phương pháp giáo dục mà ông Trần Phương đang thử nghiệm. Tuy nhiên, xung quanh hiện tượng này đang có nhiều ý kiến trái chiều. Việc để 1 người "đi vượt" quá xa so với thông thường có phù hợp thực tế?
Ý kiến của bạn: