Cuốn sách thí điểm và phần sửa lỗi đi kèm. |
Đó là cuốn sách giáo khoa địa lý lớp 10 thí điểm do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành tháng 7 vừa qua- một cuốn sách mà khi đến tay học sinh đã phải kèm theo sáu trang giấy khổ A4 với "Một số nội dung cần sửa".
Như vậy, sau những hội thảo, những tranh luận, những dự án, chương trình cải cách, cải tiến..., ngay từ đầu năm học mới các học sinh theo học chương trình thí điểm phân ban đã phải làm cái công việc... thí điểm sửa lỗi sách giáo khoa!
Quá nhiều lỗi
Nói là một số nội dung cần sửa, nhưng trong sáu trang giấy A4 người ta có thể đếm không dưới 60 nội dung cần sửa. Có lẽ vì một cuốn sách giáo khoa 184 trang sách vỏn vẹn 10 chương, 42 tiết học mà có trên 60 nội dung cần sửa, Nhà xuất bản Giáo dục đã không thể làm cái việc đính chính và thế là trăm lỗi đổ đầu… học sinh.
Tuy nhiên, điều thật sự khiến người ta phải nghĩ về sự cẩu thả đến vô trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm về cuốn sách là những nội dung cần sửa không phải là những lỗi chính tả hay một đôi từ in sai.
Bắt đầu từ trang 3 đến hết trang cuối, các lỗi xuất hiện ở hầu hết các trang được hướng dẫn sửa theo cách: “Trang x, dòng y đến dòng z từ trên xuống xin đọc là…”.
Ngoài các lỗi “xin đọc là…”, rất nhiều dấu cộng (+) hướng dẫn học sinh sửa theo cách: "Trang x, xin bỏ từ dòng y đến dòng z". Có tất cả 11 lần “bỏ từ dòng… đến dòng…”. Ít là hai dòng (trang 15), nhiều là 25 dòng của toàn bộ phần nội dung (trang 16).
Không chỉ bỏ từ dòng… đến dòng..., hơn thế với những sai sót không thể tính từng dòng, các nhà làm sách giáo khoa đã phải hướng dẫn học sinh bỏ nguyên 2/3 trang sách gồm nội dung câu hỏi và bài tập (trang 16).
Hướng dẫn sửa lỗi bị… lỗi!
Sai một li, đi một dặm! Sách giáo khoa là loại sách phải được in ấn nghiêm túc, thông tin chuẩn mực. Sai một chữ, một từ đã làm hỏng nghĩa. Sai cả dòng, nhiều dòng, thậm chí cả câu thì câu chữ què cụt khiến cuốn sách trở thành thứ hàng kém chất lượng, chẳng khác mấy hàng dỏm.
Vậy nhưng thay vì thu hồi, tiêu hủy thứ hàng phế phẩm, các nhà làm sách lại buộc học trò phải cặm cụi vá víu, sửa chữa những điều mà chính các em chưa được học. Hơn nữa lại sửa theo bản hướng dẫn in ấn luộm thuộm, câu chữ rối rắm, tối nghĩa. Xin đơn cử trong bài 13, ban KHTN, trong sách giáo khoa in:
1 - Tốc độ dòng chảy của một con sông không đồng nhất là do chảy qua địa thế khác nhau (nguyên văn). Trong hướng dẫn sửa: bài 13, ban KHTN trang 62, các dòng 1-2 từ trên xuống xin đọc là: I - Tốc độ dòng chảy cửa của sông. Những nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước của một con sông (cũng nguyên văn). Trên thực tế không phải bài 13 mà là bài 15, và với chữ cửa của sông bổ sung như một câu đố mẹo này đã làm không ít học sinh (và cả phụ huynh) bối rối gọi điện hỏi nhau xem nên “giải” thế nào cho đúng.
Tương tự cái sai về số bài là số trang. Kế tiếp hướng dẫn ghi:
+ Bài 20, ban KHXH và NV trang 68 dòng 4 từ trên xuống xin đọc là: 1-Tốc độ dòng chảy của sông.
Theo hướng dẫn mở trang 68 không phải bài 20 mà là bài 17 thuộc phần I - Khái niệm về thổ nhưỡng quyển. Trong đó dòng 4 từ trên xuống ghi: … trình diễn ra trong sinh quyển, khí quyển, thủy quyển và lớp mặt của thạch…
Với câu về đất cát thế này, thật không biết chen dòng chữ Tốc độ dòng chảy của sông vào đâu để đọc cho khỏi ngây ngô. Càng ngây ngô hơn nếu theo hướng dẫn mà sửa và bỏ dòng ở trang 16:
Nguyên văn:
+ Trang 16 bỏ phần câu hỏi và bài tập. Bỏ các câu số 1 và 2. Thay vào đó là các câu sau:
1. Các ảnh viễn thám được sử dụng ở nước ta như thế nào?
2. Thành quả của hệ thống thông tin địa lý đã được ứng dụng trong đời sống và sản xuất thế nào? (Các nội dung sửa này đều được thực hiện ở dòng 7 đến dòng 12)
Đến đây không hiểu sao các nhà làm sách lại tiếp tục thêm hai nội dung sửa trang 15 ở giữa trước khi một lần nữa tiếp trang 16 với nội dung:
+ Trang 16 ở trên xuống, bỏ các dòng sau 1-7, từ 20 đến hết trang, bỏ các chữ f ở đầu dòng 8 và chữ a ở đầu dòng 16. Dòng 15 xin đọc lại là 2 - Hệ thống thông tin địa lý. Ứng dụng của thông tin địa lý trong đời sống.
Một trang sách có cả thảy 29 dòng đã phải bỏ bảy dòng từ dòng 1 đến dòng 7. Sửa hai câu 1 và 2 và giữ nguyên câu 3 (từ dòng 8 đến dòng 12). Sau đó lại bỏ tiếp từ dòng 20 đến hết trang gồm chín dòng. Còn lại vừa đúng 12 dòng, từ dòng 8 đến dòng 20 với nội dung:
1. Các ảnh viễn thám được sử dụng ở nước ta như thế nào?
2. Thành quả của hệ thống thông tin địa lý đã được ứng dụng trong đời sống và sản xuất thế nào?
3. Hãy trình bày tác dụng của bản đồ trong học tập. Nêu dẫn chứng để minh họa.
Bài 4
Thực hành
Đọc một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý trên bản đồ.
I - Chuẩn bị:
Phóng to các lược đồ: Điện lực, lược đồ gió và bản đồ phân bố dân cư châu Á.
II - Nội dung thực hành:
1. Tìm hiểu một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý trên các lược đồ công nghiệp điện lực (hình 2.2), phân bố dân cư châu Á (hình 2.4).
Thêm một sự đánh đố học trò, bởi trong cả 12 dòng còn lại, trong đó dòng 8 theo thứ tự dòng trước khi sửa, ngoài nội dung đã thay đổi: 1. Các ảnh viễn thám được sử dụng ở nước ta như thế nào? Tuyệt không thấy có chữ f nào đứng đầu dòng để sửa.
Và nữa, riêng dòng 15 theo thứ tự trước khi sửa có nội dung: Đọc một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý trên bản đồ không hiểu sao được hướng dẫn: Dòng 15 từ “2” xin đọc là “2 - Hệ thống thông tin địa lý. Ứng dụng của hệ thống thông tin địa lý trong đời sống”.
Đành rằng đây là sách giáo khoa thí điểm, nhưng thí điểm không có nghĩa là được quyền cẩu thả bởi trên hết đối tượng tiếp nhận là những người đi học.
Rất nhiều lỗi, từ lỗi về số trang, bài và dòng đến lỗi về nội dung sai được sửa bằng những nội dung thiếu từ, cụt nghĩa, méo mó và khi đọc nghe rất ngây ngô.
Bởi dung lượng bài báo có hạn, hơn nữa tác giả bài viết cũng thật sự lạc trong mớ bòng bong của chính hướng dẫn sửa lỗi cho một cuốn sách quá nhiều lỗi, vì vậy xin chỉ nêu một vài dẫn chứng với ý nghĩ: Nhà xuất bản Giáo dục nên thu hồi và sửa chữa ngay những cuốn sách giáo khoa loại này.
(Theo Tuổi Trẻ)