221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
186061
Trở ngại nào, khi đào tạo CNTT bằng tiếng Anh?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Trở ngại nào, khi đào tạo CNTT bằng tiếng Anh?
,

(VietNamNet) - Liệu khi đưa chương trình dạy CNTT theo chương trình quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh vào các trường ĐH ở Việt Nam, mức học phí có "quốc tế hóa" và học sinh nghèo học giỏi có cơ hội tiếp cận chương trình tiên tiến này?

 

Năng lực thực hành, trình độ công nghệ và tiếng Anh còn thấp so với khu vực, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, v.v... là những nhận định thường thấy về chất lượng đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT). Trong lần họp bàn với Bộ GD-ĐT về tổng kết Chỉ thị của Bộ Chính trị về ứng dụng và phát triển CNTT hồi tháng 8/2003 và nhiều lần sau đó, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã "ra đề bài cho Bộ" về việc cung ứng nguồn nhân lực ngành CNTT ngang tầm với mặt bằng quốc tế.

Hiện nay, cả nước có 57 trường ĐH và 72 trường CĐ đào tạo chuyên về CNTT. Quy mô đào tạo hằng năm là 9.000 sinh viên.

Ông Hoàng Ngọc Hà, vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GD-ĐT cho biết: Một trong những nội dung chủ yếu của chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam từ nay đến năm 2010 là tăng cường sự tham gia quốc tế. Việc tăng cường này được cụ thể hóa với các hình thức: liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng; gửi đi nước ngoài đào tạo hàng năm 65 thạc sĩ và tiến sĩ; khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo CNTT 100% vốn nước ngoài.

Một trong những biện pháp trọng tâm là dạy CNTT theo chương trình quốc tế bằng tiếng Anh tại các trường ĐH. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ chọn khoảng 10 cơ sở đào tạo ĐH để triển khai thí điểm việc này. Trước mắt, sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho 7 khoa CNTT trọng điểm tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Cần Thơ.

Chương trình: "Sao y bản chính" hay nội địa hóa?

Hiện nay, chương trình học CNTT tự soạn trên cơ sở chương trình khung "made in Vietnam". Tuy nhiên, chương trình khung của bộ môn này cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vấn đề là đào tạo theo chương trình quốc tế thì phải khác chương trình Việt Nam. Trước hết là vấn đề ngôn ngữ. Nhiều giảng viên ĐH tỏ ra lo lắng vì Luật Giáo dục hiện nay có quy định "Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường", nên nếu dùng tiếng Anh giảng dạy sẽ là... "phạm luật". Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sắp tới sẽ chỉnh sửa thành: "Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân có thể dùng tiếng nước ngoài để giảng dạy, học tập". Bộ GD-ĐT quy định việc dạy và học tập bằng tiếng nước ngoài". Nếu Quốc hội thông qua dự thảo này vào cuối năm 2004 thì mắc mớ "phạm luật" sẽ không còn là nỗi lo.

ĐHQG Hà Nội vừa hoàn tất đề án xây dựng Khoa Quốc tế về CNTT.

ĐHQG TP.HCM đã mở ĐH Quốc tế, tuyển sinh đào tạo CNTT.

Nhưng cái khó hơn cả, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung, là sẽ tìm mô hình nào để xây dựng chương trình này? Bê nguyên xi một chương trình tiên tiến của ĐH nổi tiếng nào đó; liên kết đào tạo để chuyển giao dần dần, hay Việt Nam tự xây dựng chương trình để đào tạo?

GS Hồ Sỹ Đàm, ĐHQG Hà Nội, cho rằng nên lấy luôn giáo trình của một chương trình đào tạo của ĐH danh tiếng bởi "còn chần chừ thì sẽ lạc hậu ngay". TS Nguyễn Hội Nghĩa, ĐHQG TP.HCM, nhận xét: Nếu áp dụng mô hình đào tạo chuyển tiếp mà một số cơ sở đào tạo hiện đang làm theo công thức 2 + 2 hoặc 2,5 + 1,5 (2 năm học ở Việt Nam, 2 năm chuyển tiếp sang nước ngoài học), v.v... thì không có gì đáng bàn, do chỉ việc bê nguyên xi giáo trình của họ vào để giảng dạy. Còn nếu xây dựng chương trình để tự học thì đưa chương trình này vào thì "bốn món bắt buộc" là Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Triết học Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, rồi một số môn học đại cương khác sẽ được dạy như thế nào?

Một khía cạnh nữa cũng được TS Nghĩa đặt ra: Những sinh viên theo học chương trình này nhưng sau 1 năm không theo tiếp được thì sẽ "liên thông" với hệ đào tạo thông thường khác ra sao, hay là sẽ... rớt hoàn toàn?

Điều này là có cơ sở, qua mô hình đào tạo liên kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với Viện Máy tính Genetic của Singapore là một thực tế. Chương trình này do ĐH Tổng hợp Quốc gia Califonia, Chicago (Mỹ) và ĐH Tổng hợp Manchester Metropolitan (Anh) điều chỉnh và do Genetic thực hiện, giáo viên ở ĐH Bách khoa đảm nhiệm giảng dạy theo chương trình từ Singapore đưa sang, bài thi đưa về Singapore chấm. Sinh viên học hết từng giai đoạn, được cấp chứng chỉ theo mức độ khó dần: gồm đào tạo cơ sở, Diploma và Higher Diploma (tương đương Bachelor of Sciences). Sau các khóa học, có 30% qua được Diploma và 20% qua Higher Diploma. Chương trình này tuyển sinh sau kỳ thi ĐH với 2 môn: Toán, Tiếng Anh.

Học phí: Nhà nước hỗ trợ hay theo mức "quốc tế"?

Theo dự kiến, vào tháng 3 - tháng 4 năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng chính sách và văn bản hướng dẫn các trường ĐH trọng điểm xây dựng dự án đào tạo CNTT theo chương trình quốc tế bằng tiếng Anh. Các trường ĐH trọng điểm phối hợp với các trường ĐH nước ngoài xây dựng các dự án đào tạo CNTT theo chương trình quốc tế bằng tiếng Anh.

Vào các tháng 5-6, tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án do các trường đề xuất. Từ tháng 7 đến tháng 9, các trường tổ chức tuyển sinh chương trình đào tạo này.

"Chính sách giá rẻ" mà hơn một lần ông Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM đề cập chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng giáo dục thấp.

Hiện nay, mức học phí của các cơ sở liên kết đào tạo theo chương trình của nước ngoài so với khung học phí trần ĐH công lập (180.000 đồng) hay mức học phí ngoài công lập (400.000 đồng) đã khá cao. Ví dụ, Genetic Bách khoa thu 50 USD tháng, chương trình liên kết Houston Clear - Lake dù đã được quảng bá là rẻ hơn 1/3 so với học tại Mỹ song vẫn cùng một chương trình, cũng thu tới hơn 2.000 USD/năm. Các khóa học lấy chứng chỉ tin học quốc tế của các trung tâm đào tạo phi chính quy như Aptech, Hanoi CTT cũng có múc học phí "không dễ thở" chút nào.

Thoạt đầu, Thứ trưởng Trần Văn Nhung cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm "chương trình quốc tế thì giá cả cũng quốc tế". Thế nhưng, PGS Mai Trọng Nhuận, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, lại cho rằng: "Những người có đủ tiền chưa hẳn đã là những người có đủ "trí tuệ" để theo học. Vì vậy, nên có chính sách giá hợp lý để những học sinh có năng lực và khả năng tiếp cận được chương trình đào tạo này".

Trước mắt, Bộ GD-ĐT "trông cậy" vào một số dự án sẵn có về đào tạo CNTT hoặc liên quan đến đào tạo CNTT như Đề án 322, Dự án nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH về CNTT, Dự án đào tạo CNTT cho các chuyên ngành. v.v... Chẳng hạn, trong chương trình Quỹ Học bổng Giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ của Đề án 322 có chương trình "Nhịp cầu du học" sẽ đưa những giáo sư từ Mỹ sang thỉnh giảng tại Việt Nam.

 Thực ra, đào tạo CNTT theo chương trình quốc tế bằng tiếng Anh ở Việt Nam đã được làm rầm rộ với sự tham gia của các cơ sở đào tạo phi chính quy hay các chương trình liên kết. Tuy nhiên, do không thuần túy làm chức năng "dịch vụ" nên hệ thống đào tạo công lập cần có chính sách giá phù hợp để vừa tạo cơ hội học tập cho học sinh có khả năng, vừa phải "trả bài" tốt cho đề bài "tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế".

  • Hạ Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,