(VietNamNet) - Tại hội nghị tuyển sinh ĐH 2004 diễn ra vào sáng 3/2, đã có nhiều ý kiến chưa hoàn toàn nhất trí với phương án sửa đổi, bổ sung của Bộ GD-ĐT mặc dù phương án này đã được ký ban hành. VietNamNet đã ghi nhận các đóng góp ấy.
Nguyễn Văn Huân, Hiệu trưởng ĐH Vinh: Đi lấy đề thi, chỉ cần... 1 ô-tô!
Ông Nguyễn Văn Huân |
Mọi năm, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường từ Vinh ra Hà Nội lấy đề phải có 2 xe ô-tô, đầy đủ cả... bình cứu hoả. Tôi thấy chỉ nên đi 1 ô-tô là đủ. Vì nếu có sự cố xảy ra, vẫn xoay xở được. Đề thi nên ra sao cho đảm bảo ở 4 mức, học sinh dưới trung bình làm được 4 điểm, học sinh trung bình làm được 6 điểm, học sinh khá làm được 8 điểm và học sinh giỏi xuất sắc làm được 10 điểm. Qui định điểm sàn nên 12 là thấp nhất.
Ông Trần Văn Lực |
Trần Văn Lực, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ: Tuyển vượt chỉ tiêu? Phải bị "phạt" trừ vào năm sau
Năm 2003, công tác tuyển sinh có một số trục trặc và Bộ chủ trương sửa đổi để khắc phục những bất cập này. Trong phương hướng tuyển sinh 2004, có lẽ Bộ sẽ giao quyền chủ động nhiều hơn cho các trường nhưng điều này chưa thấy trong văn bản hướng dẫn. Năm 2003, nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ngoài "ngưỡng" quy định của Bộ. Vì vậy, cần phải làm mạnh theo qui định: Nếu năm nay tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh của năm sau. Ngoài ra, qui định lấy nơi tốt nghiệp THPT làm căn cứ hưởng điểm ưu tiên cũng chưa hợp lý, ví như ở ĐBSCL có một số xã không có trường THPT, học sinh nơi đó phải ra thị xã, thị trấn học. Qui định đến ngày 31/9, các trường mới công bố kết quả xét tuyển đợt 3 cũng là chậm!
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM: "Ảo" là chuyện... đương nhiên của tuyển sinh!
Trong tuyển sinh, phải xác định không thể nào thoát khỏi tình trạng "ảo". Nhiều khi hồ sơ "ảo" lại có lợi cho thí sinh. Dù sao, tâm lý thí sinh cũng an tâm hơn khi cầm trong tay 2-3 giấy báo thi. Có như vậy mới hành xử thoải mái được. Năm nay, Bộ có quy định về điểm sàn để xét tuyển để tránh tình trạng thí sinh có đầu vào ĐH quá yếu. Bộ đã có lịch thi tuyển sinh khá chặt chẽ. Nên chăng, cũng phải quy định thời gian công bố điểm sàn, do nhiều trường chấm xong sớm nhưng phải chờ có điểm sàn mới công bố điểm trúng tuyển được.
Ông Phạm Ngọc Quý, phó hiệu trưởng ĐH Thuỷ lợi: Không nên quy định cứng nhắc điểm ưu tiên
Các qui định về tuyển sinh phải sớm được ổn định trong thời gian dài, ít nhất là cho đến năm 2007, mốc hoàn thiện đề án cải tiến tuyển sinh mà Chính phủ đã phê duyệt. Bộ có quy định thời gian công bố điểm muộn nhất. Vậy cũng phải quy định thời gian sớm nhất, vì các trường xong trước, công bố trước thì các trường sau bị ảnh hưởng. Ngoài ra, điểm chênh lệch ưu tiên không nên quy định cứng nhắc 0,5 hay 1 mà nên để cho trường chủ động. Chẳng hạn, trường có điểm chuẩn cao nhưng do điểm chênh lệch ít mà lượng học sinh đối tượng 09, chiếm đa số, sẽ mất cơ hội trúng tuyển. Về quy định điểm sàn, không nên để mức chung toàn quốc mà phải có từng mức cho khối, khu vực, vùng miền.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng |
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH dân lập Hồng Bàng: Bộ để các trường tự quyết định chỉ tiêu
Bộ GD-ĐT nên thành lập Hội đồng tuyển sinh với chức năng chuyên môn, tổ chức và cung cấp đề thi chung, theo dõi tình hình và tổ chức tập huấn các thao tác kỹ thuật về thi cử, nếu thấy cần thiết. Hội đồng này cứ đến ngày là làm. Đứa trẻ đến 18 tuổi, bố mẹ đã cho ra ở riêng chứ không thể theo dõi hàng ngày. Bộ cũng nên để các trường tự chủ, thậm chí tự quyết cả chỉ tiêu tuyển sinh để các trường "lớn lên" và nâng cao tư cách của trường.
Có khoảng 1.000 phiếu phát ra thăm dò ý kiến các đại biểu của gần 200 trường ĐH, CĐ và giám đốc Sở GD-ĐT, đại diện một số Bộ, ban ngành. Số phiếu thu lại là 328 với kết quả (số phiếu đồng ý). Trong đó, ý kiến đồng ý cụ thể là:
Điểm chênh lệch ưu tiên khu vực là 0,5: chỉ 263 phiếu. Điểm chênh lệch ưu tiên đối tượng là 1: 180. Công bố ngay điểm khi chấm xong: 236. Tổ chức 3 đợt xét tuyển, Bộ quy định thời gian: 257. Quy định điểm tối thiểu: 261. Quy định điểm sàn: 285 |
- Bài: Hạ Anh
- Ảnh: Nguyên Vũ