221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
220393
Công quyền trong trường tư thục "to" đến đâu?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Công quyền trong trường tư thục 'to' đến đâu?
,

(VietNamNet) - Một cuộc tham khảo ý kiến các Bộ ngành và trường ĐH dân lập về quy chế ĐH tư thục đã diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua. Tại đây, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư thắc mắc: "Sao lại nói ĐH tư thục chỉ chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT"? Còn đại diện ĐH dân lập Phương Đông ví von: "Quản lý không phải là quy định bát phở có mấy lát hành, mấy miếng thịt bò mà làm sao để bát phở ấy không có thuốc độc cho người dùng!"...

Quy định 6m2/sinh viên đối với các trường công lập cũng khá chật vật.

Giảm những cái "muốn" nhưng "không khả thi"

Trong quy định về điều kiện và thủ tục thành lập trường, bản dự thảo Quy chế nêu khá chi tiết các quy định về cơ sở vật chất, nhân sự, giáo viên, v.v... Tuy nhiên, cũng như đa số ý kiến của các trường ĐH, CĐ dân lập phía Nam, những người làm công tác dân lập phía Bắc đều khẳng định đó là những quy định không khả thi. Ông Toàn, trường ĐH dân lập và quản lý kinh doanh Hà Nội nêu tình trạng khá điển hình của các trường không chỉ là dân lập: "Trường tôi xây dựng đã tám năm, quy mô 6.000 sinh viên, có khoảng 11.000m2, tính ra mỗi đầu sinh viên chưa được 2m2, còn nếu tính học 2 ca thì mỗi sinh viên chưa được 4m2. Thế thì quy định trường tư thục có định mức 6m2/sinh viên là không kham nổi!".

GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng nói: "Có thể người già họ làm không thuần tuý vì tiền mà vì muốn để cái danh. Thế thì không nên hạn chế giáo sư 70 tuổi làm hiệu trưởng. Hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị là trên 70 tuổi. Nếu đầu tư nhiều nhất mà không được quản lý tài sản thì cũng khó mà khuyến khích người ta làm". Về quy định "có tối thiểu 20% giáo viên cơ hữu", ông Nghị cũng băn khoăn: "Tỷ lệ này là quy định cho quy mô nào, 6.000-7.000 hay 2.000 sinh viên? Như các trường dân lập, không có trường nào có giáo viên cơ hữu trước khi thành lập. Nếu đây là quy định dành cho trường sau năm - mười năm thành lập thì còn 'xoay" được".

Cùng ý kiến với ông Nghị, ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐH dân lập Phương Đông nêu thực tế ở trường ông (đã thành lập được mười năm) vẫn đang đứng trước "thách thức" tuyển đủ tỷ lệ giáo viên cơ hữu. Ông cho biết: Những giảng viên của trường sau khi đi học thạc sĩ ở Australia về đều muốn chuyển đi làm nơi khác.  Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận xét: "Quy định mà chi tiết quá thì nhìn vào, người ta không dám mở trường nữa vì cơ chế "bó cứng" lại"!

Chính vì vậy, đại diện trường ĐH dân lập và quản lý kinh doanh Hà Nội đã đề xuất: "Mô hình ĐH tư thục là mô hình mới, quy chế ĐH tư thục ra đời nhằm tạo khung pháp lý cho mô hình này. Bởi vậy, phải tính đến "tuổi thọ" của văn bản pháp quy, tức là quy chế này sẽ có tác dụng điều chỉnh hoạt động ĐH tư thục trong khoảng 10-15 năm; sau đó tiếp tục chỉnh sửa". Ý kiến này được khá nhiều đại biểu đồng tình.

"Trả lại tên cho em"!

Hiện nay có khoảng 30 hồ sơ xin mở ĐH tư thục, hoặc trường ĐH dân lập xin đổi qua trường tư.

Ông Nguyễn Hữu Bạch, Ban Khoa giáo Trung ương cho biết: Việc các trường dân lập xin chuyển thành trường tư thực chất là "trả lại tên cho em", vì năm 1994 khi có quy định tạm thời về ĐH dân lập, đã có vị giáo sư nhất quyết: Phải là ĐH tư thục thì mới mở trường.

Ông Đặng Văn Định, phó vụ trưởng, phó chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Văn phòng Chính phủ, nói: "Hiện có nhiều trường dân lập đang có ý định chuyển sang tư thục, nếu không có quy định chuyển đổi thì mô hình trường tư thục khó phát triển, bởi số trường lập mới sẽ không nhiều ngay được. Bởi vậy, cần phải bổ sung vào điều khoản chuyển đổi từ các hình thức trường bán công, dân lập sang ĐH tư thục những quy định thật cụ thể".  

Tinh thần Luật Doanh nghiệp ở đâu?

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất xem trường ĐH tư thục như một mô hình doanh nghiệp đặc thù. Do đó, quy chế ĐH tư thục phải chịu sự điều tiết của ba Luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục và Luật Lao động. Tuy nhiên, bản dự thảo này chưa thể hiện được tinh thần của Luật Doanh nghiệp mà lại có vẻ như "né tránh"!

Chẳng hạn, cách gọi "cổ đông" rất rõ của Luật Doanh nghiệp thì ở đây vẫn chỉ dùng từ "nhà đầu tư". Liên quan đến vấn đề này là một loạt những vấn đề về quản trị, cơ chế thuế và phân phối lại thu nhập, chuyển nhượng, quyền thừa kế tài sản, lợi nhuận, thuế, v.v...

GS Trần Hữu Nghị đặt vấn đề về lợi nhuận: "Nếu đánh thuế thì có chia, không đánh thuế thì không chia, chỉ trả tiền cho người góp vốn lãi theo lãi suất, phần lợi nhuận còn lại để tái đầu tư phát triển trường". Ông Nghị kiến nghị thêm: "Nhà nước cho vay thì phải bảo lãnh chứ không phải nói là "thế chấp". Ví dụ như trường dân lập mà đất không có bìa đỏ thì cũng chẳng mang ra ngân hàng làm thế chấp được. Như thế thì mới đúng là xã hội hóa, chứ cứ để cả cho dân thì xã hội hóa mất màu sắc đi".

Đại diện Bộ LĐ,TB&XH góp ý: "Xem là doanh nghiệp thì tính lương cho cán bộ công nhân viên như thế nào? Theo quy định là "mức lương tối thiểu." Nếu áp mức lương tối thiểu là 290.000 đồng như tính cho nhân viên hành chính sự nghiệp thì giáo viên sẽ không sống được. Như vậy, tiền lương, tiền công phải áp dụng theo chế độ của doanh nghiệp".

TS Lê Đình Vinh, giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội đặt vấn đề: "Nếu nói rằng ĐH tư thục hoạt động theo nguyên tắc của đơn vị kinh doanh thì trái với Luật Giáo dục. Còn các trường cứ "đòi" cơ chế  như một doanh nghiệp thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp là đóng thuế". Ông Vĩnh cho rằng quy chế phải thể hiện được chế tài quản lý chất lượng giáo dục.

Quản lý nhà nước nên... dừng ở đâu?

"Vì là mô hình mới, lại trong giai đoạn chuyển đổi nên vai trò quản lý của Nhà nước là hết sức cần thiết, kẻo đến năm nào trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục cũng phải đau đầu với chất vấn của đại biểu về chất lượng giáo dục!" - Đại diện trường ĐH dân lập quản lý kinh doanh nêu vấn đề.

Thế nhưng, vai trò quản lý của Nhà nước trong trường tư thục nên ở mức độ nào?

Điều 3 quy định về quản lý nhà nước đối với trường ĐH tư thục của dự thảo có ghi: "Trường đại học tư thục chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) nơi trường đặt trụ sở"

Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư thắc mắc: "Tại sao quy định chỉ chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT? Còn sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, v.v... thì sao? Mà ngay quy định "chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT" thì vẫn chưa phân biệt được: trường tư thục sẽ khác trường công như thế nào, vì quy định về điều kiện thành lập trường tư giống hệt quy định thành lập trường công". Vị đại diện này cho biết: Nếu cụ thể hóa được điều 3, sẽ giải quyết được nhiều khúc mắc của... 33 điều sau đó. Vì vậy, vị này cho biết sẽ có văn bản góp ý thêm với ban soạn thảo về vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề quản lý là những nhân sự "nhạy cảm" của trường, như chủ tịch Hội đồng quản trị, hiệu trưởng, hiệu phó, v.v... và cách thức điều hành, quản trị. Ông Trần Bá Giao, phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT góp ý: "Hội đồng quản trị có thể "thuê" hiệu trưởng để tránh "căng" giữa hội đồng với hiệu trưởng như tình hình một số trường ĐH dân lập hiện nay".

Về chức danh hiệu phó, GS Trần Hữu Nghị đề xuất: Hiệu phó là người giúp việc hiệu trưởng thì phải do hiệu trưởng bổ nhiệm. Nên có cơ chế giảm hiệu phó mà tăng trợ lý giúp việc từng lĩnh vực. Quy định hiệu phó do Bộ GD-ĐT "công nhận" là không cần thiết vì đó chỉ là hình thức.

Ông Bùi Thiện Dụ, trường ĐH dân lập Phương Đông, ví von: "Việc quản lý của Bộ cũng như Bộ Y tế, không yêu cầu bát phở có mấy lát hành, mấy miếng thịt bò mới đạt tiêu chuẩn mà phải quan tâm đến khía cạnh: làm sao bát phở ấy không có thuốc độc, đảm bảo vệ sinh cho người tiêu dùng". 

Luật Giáo dục năm 1998

 

Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục năm 2004
Điều 17: Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục

Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược. phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tin, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.

Cấm mọi hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục

 

Điều 17: Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục

Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược. phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền bá mê tin, hủ tục, lôi kéo người học vào các tệ nạn xã hội.

Nhà nước có chính sách phù hợp nhằm chống các hành vi tiêu cực theo xu hướng thương mại hóa giáo dục, ngăn chặn những tiêu cực trong giáo dục

  • Hạ Anh

Tin, bài liên quan

Không nên cấm giáo sư trên 70 tuổi làm hiệu trưởng ĐH tư thục

Thí điểm mở trường ĐH, CĐ tư thục

Quy chế trường tư hay... điều lệ hợp tác xã?

Phải xem ĐH tư thục như một doanh nghiệp dịch vụ

Quy chế ĐH tư thục: Không thể cứ... đi vòng quanh mãi!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,