(VietNamNet) - Đây là cách gọi của những người làm công tác đào tạo tại hội nghị về công tác tuyển sinh sau ĐH, diễn ra vào ngày 16/3. Bậc học này có đúng là "cao" như tên gọi cao học, nghiên cứu sinh?
Hơn 300 đại biểu của 120 cơ sở đào tạo sau ĐH đã góp nhiều ý kiến về tuyển sinh và đào tạo bậc học này. (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Luận văn, luận án xuất sắc "ảo"
Theo cách đặt vấn đề của ông Trương Quang Học, trưởng Ban Khoa học - Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), nếu xét đặc trưng của đào tạo sau ĐH là nghiên cứu khoa học thì phải nói rằng chất lượng đào tạo thạc sĩ hiện nay mới là "phổ thông cấp 4", còn chất lượng đào tạo tiến sĩ là quá thấp. Một minh chứng cụ thể: các công trình luận văn (bậc thạc sĩ), luận án (bậc tiến sĩ) - kết quả cụ thể của quá trình nghiên cứu khoa học này - đã được nhiều "người trong cuộc" nhìn nhận là có chất lượng "ảo".
Năm 2004, tuyển sinh 14.500 chỉ tiêu sau ĐH |
Cao học: 13.000 chỉ tiêu (tăng 13.4%). Nghiên cứu sinh: 1.500 chỉ tiêu (tăng 7,3%).
Số lượng văn bằng sau ĐH đã cấp (1976-2004): tiến sĩ khoa học: 38; phó tiến sĩ: 4.278; tiến sĩ: 3.025; thạc sĩ: 24.049 (do Bộ GD-ĐT cấp) và 7.026 (do các trường cấp từ năm 1999 - từ khi các trường được quyền này). |
"Việc chấm điểm luận văn thạc sĩ quá cao là điều ai cũng thấy rõ" - PGS TS Dương Văn Tiễn, chủ nhiệm Khoa Sau ĐH, trường ĐH Thủy lợi nhận xét. Còn GS TS Nguyễn Xuân Nguyên, phó giám đốc Học viện Quân y ví von việc chấm luận án điểm cao như là... "bệnh dịch"! Trong phần phát biểu khá gay gắt của mình về chất lượng đào tạo sau ĐH, vị bác sĩ quân y này đã "bắt mạch": Bởi quy chế tiếp xúc giữa nghiên cứu sinh và hội đồng không chặt chẽ, nên khi công bố hội đồng thì học trò mang tài liệu, sách vở đến "tâm tình". Trong khi đó, ở nước ngoài, việc chấm không biết do ai, không để NCS mang quyển nộp cho hội đồng. Điều này cũng được ông Đặng Đức Phú, trưởng Khoa Đào tạo và Quản lý sau ĐH - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định: Việc cho điểm 10 luận văn thạc sĩ là do chấm dễ dãi quá. "Chúng tôi cũng định đặt ra ý tưởng: loại xuất sắc là kết quả của công trình phải thể hiện bằng bài báo đăng trên tạp chí khoa học và đã đặt ra ba-rem, nhưng các thầy đều chấm vượt khung-" - Ông Tiễn bổ sung.
Những nhận định này cũng được chứng thực qua kết quả kiểm tra công tác sau ĐH tại 11 cơ sở đào tạo trong năm 2003, phần lớn là các trường thuộc khối ngành kinh tế ở Hà Nội và một số cơ sở khu vực miền Trung. Theo kết quả của đoàn kiểm tra, có nơi chấm luận văn thạc sĩ đạt tới 90% xuất sắc. Ở bậc đào tạo tiến sĩ, nổi lên hiện tượng chưa thực hiện đúng quy chế tổ chức bảo vệ luận án, và phổ biến là nghiên cứu sinh phải làm các công việc liên quan đến khâu tổ chức và chuẩn bị bảo vệ luận án (như đưa luận án, quyết định đến các thành viên trong hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước, tự liên hệ để lấy các ý kiến nhận xét tóm tắt luận án,...). Bên cạnh đó, nhiều hội đồng đánh giá luận án thiếu nghiêm túc. Bà Trần Thị Hà, vụ phó Vụ ĐH và sau ĐH cho biết thêm: "Những khiếu nại gần đây về luận án tiến sĩ chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: kiện về việc sao chép công trình của người khác và kiện về Hội đồng làm không hết trách nhiệm, không đúng quy trình."
Hạn chế đầu vào hay cải thiện nội dung đào tạo?
Bà Trần Thị Hà: "Chúng tôi đã gửi một số dự thảo như danh mục tên gọi văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ sở nhưng có ít ý kiến đóng góp". (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Nhận định chương trình đào tạo cao học thực chất là "phổ thông cấp 4" của trưởng Ban Khoa học - Công nghệ ĐHQG Hà Nội được nhiều đại biểu đồng tình. Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa nhìn nhận: "Khung chương trình đào tạo thạc sĩ hiện nay có cấu trúc giống như cấu trúc chương trình ĐH, tức là nặng về môn cơ sở mà nhẹ về chuyên ngành; càng sửa thì càng thấy... nhẹ chuyên ngành"!
"Tôi xem có giáo trình thạc sĩ in ấn có vẻ công phu nhưng thực chất là sao chép giáo trình... ĐH." - GS. Đặng Đức Phúc bức xúc.
"Người học cao học hiện nay không có khả năng tự học" - GS Nguyên nhận xét - "mà lý do cái yếu nhất là... ngoại ngữ."
Nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn vì trong chương trình học cao học, thời lượng dành cho hai môn Ngoại ngữ và Tin học chiếm quá nhiều. "Ở các nước, học sinh học xong bậc phổ thông đã có thể nắm vững một ngoại ngữ. Ta đi sau thì cố nên hoàn thiện tiêu chuẩn này cho sinh viên tốt nghiệp ĐH, chứ không để lên cao học lại đi học Ngoại ngữ hay Tin học nữa. Tôi tha thiết đề nghị nên đưa hai môn này xuống bậc ĐH." - đại biểu Nguyên đề xuất.
Nên tuyển sinh sau ĐH theo hai loại chỉ tiêu |
Theo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt, quy mô đào tạo thạc sĩ đến năm 2010 là 38.000, quy mô đào tạo tiến sĩ là là 15.000. Chỉ tiêu này gấp hai lần quy mô đào tạo hiện nay. Vì vậy, có ý kiến đề nghị Nhà nước cho phép tuyển sinh theo hai loại chỉ tiêu: một loại có ngân sách - do Bộ Kế hoạch - Đầu tư quy định, một loại tự túc kinh phí (do Bộ GD-ĐT quy định trên cơ sở tính toán năng lực đào tạo của các cơ sở). Về vấn đề này, hầu hết các ý kiến đều đồng tình. Ông Hà Văn Hùng (ĐH Vinh), ông Dương Văn Tiễn (ĐH Thủy lợi) cho hay: Có nhiều công ty, doanh nghiệp bỏ tiền cho nhân viên đi học cao học và đề nghị trường mở lớp riêng. |
Một vấn đề liên quan nhiều đến chất lượng đào tạo là đầu vào. Điều 5, mục 1 Quy chế tuyển sinh sau ĐH quy định đối với người dự thi thạc sĩ là "có bằng tốt nghiệp ĐH ngành đúng hoặc phù hợp với ngành đăng ký dự thi" - không nói rõ hình thức văn bằng. Vì vậy, có người có bằng tốt nghiệp ĐH ngắn hạn, bằng ĐH từ xa vẫn xin đăng ký dự thi. Vì vậy, hiện nay có một vấn đề đặt ra là có nên quy định rõ văn bằng nào không được dự thi hay để các cơ sở đào tạo tự xác định trên cơ sở nâng cao chất lượng tuyển chọn.
Có khá nhiều ý kiến nêu vấn đề phải "phân luồng" đào tạo sau ĐH với lý do: Không phải văn bằng nào cũng được theo học cao hơn. Muốn dự thi cao học, phải bổ sung kiến thức và không được nợ hay bổ sung kiến thức sau khi thi tuyển.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo sau ĐH còn chưa được "bóc gỡ" hoặc đang tiến với tốc độ "sên bò". Chẳng hạn: Chuyển đổi mã ngành đào tạo của các cơ sở, ban hành danh mục tên gọi các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Những điều này có ý nghĩa khá quan trọng trong việc hội nhập với nghiên cứu khoa học của thế giới. Về phía cơ quan quản lý là Bộ GD-ĐT, những động thái này đang tiến hành khá... chậm. Vụ phó Trần Thị Hà cho hay: Vụ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ sở về quy trình mở mã ngành mới, rồi tên gọi các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ sao cho hợp với quy chuẩn quốc tế.
Câu trả lời cho vấn đề chất lượng đào tạo được quy về chuyện muôn thuở "đầu tiên": đồng tiền! Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung cho hay: Người làm cao học hay thạc sĩ của ta thì số tiền đầu tư 200 USD chỉ đủ kinh phí cho một... phản ứng hóa học. Hơn 200 cơ sở đào tạo ĐH, sau ĐH chỉ được đầu tư 150 triệu USD, trong đó đã chi phần lớn cho lương. Tuy nhiên, cách gỡ không phải là không có: Sẽ giao quyền chủ động về nhân lực và tiền bạc cho các cơ sở đào tạo. Hiện nay, Vụ Tổ chức - Cán bộ của Bộ GD-ĐT đang soạn thảo với Bộ Nội vụ một văn bản tăng cường quản lý cấp cơ sở. Còn cơ chế giao quyền tự quyết về tài chính đã có với Nghị định 10 năm 2002.
Tuy nhiên, chuyện cầm cân nảy mực và trách nhiệm của các hội đồng phản biện luận văn, luận án để đảm bảo chất lượng của các công trình nghiên cứu này thì liệu có cần thiết phải có vấn đề "đầu tiên" mới giải quyết được?
-
Hạ Anh