221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
233297
Xã hội hoá giáo dục = vận động đóng góp? Không đúng!
1
Article
null
Xã hội hoá giáo dục = vận động đóng góp? Không đúng!
,

(VietNamNet) - “Hiện nay, chúng ta đang đứng trước mâu thuẫn gay gắt giữa nhu cầu học tập của toàn dân với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước trong việc đảm bảo các điều kiện tối thiểu để mọi người có thể được đến trường như mong muốn…”. GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng đã bức xúc nói vậy tại hội thảo “Xã hội hoá giáo dục và đào tạo”, do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức hôm 25/3 tại TP.HCM.
 
Với trên 40 bản tham luận khoa học, hàng trăm chuyên gia hàng đầu về giáo dục, khoa học trong cả nước đã cùng lý giải thực trạng, đồng thời tìm những giải pháp tích cực nhất nhằm… “cứu vãn” con đường xã hội hoá giáo dục (XHH GD) của nước ta gần như đang “ngắc ngoải” hiện nay. Vì sao vậy?
 
Khái niệm GD - “Gà… mắc tóc”!

GS Vũ Ngọc Hải, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT: "Mỗi lần nhắc đến những khái niệm, định nghĩa GD của chúng ta là như… gà mắc tóc, đành chịu!"

Xuất hiện tại hội thảo, mặc dù đã trên 80 tuổi nhưng GS TS Dương Thiệu Tống cho biết xưa nay ông thắc mắc hoài về khái niệm “XHH GD”. Bởi khái niệm này ở nước ta đã làm nảy sinh nhiều lối hiểu và giải thích khác nhau trong giới GD học trong cũng như ngoài nước. GS TS Vũ Ngọc Hải - nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thú thật: "Trước đây, tôi đã từng là người quản lý lĩnh vực này nhưng mỗi lần nhắc đến những khái niệm, định nghĩa GD của chúng ta là như…”gà mắc tóc”, đành chịu, chấp nhận điểm 1 ngay!”.

Chính vì vậy, GS Vũ Ngọc Hải cảnh báo rằng “nên làm rõ mọi khái niệm trước khi tìm ra những giải pháp cho chủ trương lớn XHH GD” này.

Hai giai đoạn thực hiện quy hoạch phát triển XHH GD (trích dự thảo):

Giai đoạn I (từ nay đến 2005):

Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD-ĐT công lập ở từng vùng miền và trên phạm vi cả nước; hoàn thiện và bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển XHH GD.

Triển khai thành lập và xây dựng các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập theo quy hoạch.

Xây dựng thêm các trường THCN, CĐ, ĐH ngoài công lập ở Khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc và Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Mở rộng việc chuyển các cơ sở GD công lập sang bán công, nhất là ở bậc mầm non và cấp THPT tại các khu vực thành thị và vùng kinh tế phát triển.

Chuyển một số trường dạy nghề, THCN, CĐ và ĐH Công lập sang hoạt động theo mô hình tự trang trải toàn bộ kinh phí.

Tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất các điều chỉnh cần thiết về các mục tiêu cụ thể, các giải pháp qua thực tiễn triển khai giai đoạn I.
 
Giai đoạn II (từ 2006 đến 2010):

Tiếp tục triển khai xây dựng các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập theo quy hoạch và hoàn chỉnh quy hoạch.

Tập trung mọi nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu phát triển XHH GD trong giai đoạn 2006-2010, nhất là các tiêu chí về quy mô học sinh ngoài công lập, về chuyển các cơ sở công lập sang bán công, dân lập, về đầu tư nguồn ngoài ngân sách nhà nước ở từng vùng, miền.

Rà soát và hoàn chỉnh hệ thống văn bản, khuyến khích phát triển XHH GD và các văn bản pháp quy về quản lý nhà nước đối với các cơ sở GD-ĐT ngoài công lập.

Tổng kết việc thực hiện XHH GD ở địa phương, từng vùng miền và trên phạm vi toàn quốc của cả hai giai đoạn.

Theo GS TS Trần Ngọc Hiên, nguyên nhân cơ bản của tình trạng tụt hậu GD của nước ta so với khu vực và thế giới là kéo dài phương thức hoạt động cũ, tức là kiểu đối phó, thích nghi, kiểu “dò đá qua sông”, thiếu cơ sở lý luận dẫn dắt các hoạt động thực tiễn một cách sáng tạo. Kết luận rút ra từ tình trạng ấy khi bàn đến vấn đề GD-ĐT là nên quan tâm về cơ sở lý luận của XHH GD-ĐT trước khi đề xuất những chính sách, giải pháp. Sau khi chứng minh những quan niệm lạc hậu lỗi thời trong quá trình quản lý GD nước ta, GS Trần Ngọc Hiên đề nghị: “XHH là vấn đề lớn của chúng ta hiện nay. Các cơ quan quản lý GD, các trường, các khoa, các thầy cô giáo cần phát triển lý luận, cần vứt bỏ những vụn vặt, chắp vá trong tư duy, trong cách làm cách nghĩ xưa nay. Đó là cuộc bứt phá ngoạn mục về tư duy lý luận XHH GD, có vậy mới đưa được chủ trương XHH GD ngày càng đi lên”.
 
Xã hội hoá, hay thương mại hoá GD?
 
GS Hồ Sĩ Thoảng nói: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong sự nghiệp GD, trong đó có thành tựu về công bằng xã hội trong học tập. Đã có thời kỳ không ai có khái niệm về học phí; tất cả các trường từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học đến ĐH đều miễn học phí; tất cả sinh viên ĐH, CĐ và học sinh THCN đều được cấp học bổng đủ sống; mọi thứ đều gần như tuyệt vời. Tuy vậy, xã hội chúng ta đã đi qua một đoạn đường khá dài, cuộc sống đã phát triển qua nhiều thang bậc. Tuy chưa phải đã giàu có gì lắm, nhưng nhu cầu học tập của các tầng lớp dân cư hầu như đang vượt quá mức sống mà chúng ta đang có. Nghĩa là chúng ta đang đứng trước một mâu thuẫn của sự phát triển, một mâu thuẫn có tính đương nhiên”.
 
Ngày 21/8/1997, Chính phủ đã có Nghị quyết 90/CP về XHH GD, y tế và văn hoá. Theo Nghị quyết này, phải tạo ra một phong trào học tập sâu rộng với nhiều hình thức cho mọi người trong toàn xã hội. Sau đó, đến ngày 19/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 73/1999/ NĐ-CP nêu rõ một số ưu tiên cần thiết cho XHH GD-ĐT về cơ sở vật chất, đất đai, thuế, phí, lệ phí, tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài chính và khen thưởng… Thế nhưng kết quả đã thu được những gì?
 
Những điều đạt được: Đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, như mở ra các loại trường công, bán công, dân lập, tư thục. Đa dạng hoá các loại hình và phương thức học tập. Mở các trung tâm đào tạo của nước ngoài ở Việt Nam. Mở rộng các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp…
 
Tuy nhiên, GS Vũ Ngọc Hải cho rằng: ”Chúng ta chưa được ở chỗ nhiều nơi, nhiều người, thậm chí không ít cán bộ quản lý còn hiểu XHH GD-ĐT đơn thuần chỉ là xây dựng phong trào vận động nhân dân, các tổ chức, đoàn thể kinh tế - xã hội đóng góp tiền của để xây dựng trường sở và mua sắm thiết bị, nâng cao cơ sở vật chất cho trường học với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Họ quên đi mục tiêu của XHH GD còn là thực hiện quan điểm của Đảng: GD-ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo GD cho thế hệ trẻ, chăm lo việc học hành cho tất cả mọi người, huy động sức mạnh tổng hợp để có được một phong trào học tập sâu rộng, xây dựng một xã hội học tập suốt đời”.
 
Nhưng có lẽ, theo GS Vũ Ngọc Hải, điều khiến xã hội trăn trở hơn cả là trong quá trình  thực hiện XHH GD-ĐT, nhiều trường vẫn còn “dạy những gì mà nhà trường có, chứ chưa dạy những gì mà xã hội cần”. Nhiều ngành học chưa gắn được đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất, với các doanh nghiệp… Kết quả: Người học sau khi học xong hoặc không làm việc, hoặc không tìm được việc làm, hoặc phải học thêm nhiều những gì mà thị trường lao động thực tế đang đòi hỏi. Ngược lại, nhiều cơ sở còn chạy theo mặt trái của thị trường, dạy hời hợt, không đảm bảo chất lượng, phát sinh nhiều tiêu cực trong học tập, xuất hiện hiện tượng mua bằng, bán cấp, học giả, học thật…
 
Bên cạnh đó, không ít nơi xuất hiện hiện tượng thương mại hoá không lành mạnh trong GD-ĐT, dạy thêm, học thêm tràn lan. Trong trường thì dạy hời hợt, ngoài trường thì dạy nhồi nhét, dạy và học chạy theo bằng cấp, thi cử. Nhiều nơi chỉ dạy chữ mà quên đi hoặc sao nhãng việc dạy người. 

Người nghèo càng không đủ cơ hội  học tập!

GS Hồ Sĩ Thoảng: "Do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc XHH GD chưa được nhìn nhận toàn diện mà vẫn chủ yếu được hiểu như một biện pháp huy động nguồn lực từ dân cư để bù vào sự thiếu hụt của ngân sách nhà nước."

Nói cách khác, XHH GD không hề là một chính sách đơn giản mà phải là một tổ hợp nhiều chính sách của quốc gia và những nội dung cùng các biện pháp thực thi phụ thuộc rất nhiều vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Tình trạng hiện nay là các nguồn lực của Nhà nước chưa được sử dụng hợp lý, trong khi công tác XHH GD lại thực thi có phần tràn lan, làm cho không ít người nghèo đáng ra được Nhà nước hỗ trợ lại phải ở trong diện được “XHH”, thành ra không thể tiếp tục học hoặc nếu đi học phải chịu những chi phí vượt khả năng thực tế của mình.
 
GS Hồ Sĩ Thoảng xót xa nhắc đến tình cảnh này: “Hệ quả chung  là nhiều con em những gia đình nghèo khó ở các vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, con em các dân tộc thiểu số không thể theo học nổi ở các trường ĐH, CĐ mặc dù đã khó khăn lắm mới thi vào được. Còn các gia đình nghèo thì làm sao có được 400-500 nghìn đồng/tháng để gửi cho con? Con em các nông dân muốn theo học các trường ĐH, CĐ cũng khiến bố mẹ phải chạy ngược chạy xuôi, vay mượn chỗ này chỗ khác. Ở các cấp học phổ thông, ngay học sinh các trường công lập cũng phải “đóng góp tràn lan", không thể biết được bao nhiêu loại hình “đóng góp”. Lại còn chuyện oái ăm cười ra nước mắt nhưng cũng có cái lý của nó: Nếu không có hộ khẩu thì không được học trường công vì ngân sách GD chỉ được phân bổ theo số dân có hộ khẩu thường trú mà thôi. Chuyện học thêm cũng bắt đầu từ tình cảnh giáo viên không đủ sống bằng đồng lương, mà nay đã thành nếp sống…đời thường!”.
 
Và nghiễm nhiên, vấn đề mà mọi người vẫn thừa nhận là có không ít những khiếm khuyết bắt nguồn từ các yếu kém trong công tác XHH GD. Thế nhưng khắc phục chúng rõ ràng không phải là dễ!

Bài, ảnh: Cam Lu - Trương Hiệu  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,