221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
450954
Vì sao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt... thấp kỷ lục?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Quảng Nam:
Vì sao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt... thấp kỷ lục?
,

(VietNamNet) - Quảng Nam, đất học với truyền thống "Ngũ phụng tề phi", năm nay lại có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp PTTH toàn tỉnh chỉ đạt 74,5%, thậm chí có trường đạt dưới... 10%. Tại sao?

Những “điển hình” đáng buồn!

Đã gần một tuần sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2003-2004 được công bố nhưng thầy Trần Quốc Thịnh, hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông nói thật buồn: “Mặc dù nhà trường đã lường trước một kết quả không cao bởi chất lượng học tập của các em thấp quá, nhưng không ngờ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường năm nay lại thấp đến như vậy!”. Đúng là không thể không sững sờ khi tiếp nhận một kết quả chỉ có... 9,5% học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT sau 12 năm đèn sách!

Học sinh THPT ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam)

Được biết, trong 179 học sinh của trường Phan Châu Trinh dự thi tốt nghiệp THPT vừa qua thì chỉ có 57 em xếp loại học tập trung bình. Trước khi thi, nhà trường xác định: Nếu số học sinh trung bình này đỗ tốt nghiệp 100% thì toàn trường cũng đạt khoảng 30%, và nếu “may mắn” hơn thì có thể lên đến 40%. Nhưng hỡi ôi, cả trường chỉ có 17 học sinh đỗ tốt nghiệp. “Các thầy cô trong trường suốt mấy ngày qua hết sức áy náy, sững sờ và thật tình là không biết phải trả lời ra sao trước các câu hỏi của phụ huynh học sinh. Lần đầu tiên qua 23 năm trong nghề, tôi thật sự rúng động khi gặp phải tình cảnh này, đến nỗi ăn không ngon, ngủ không yên” - thầy Trần Quốc Thịnh bộc bạch.

Sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, nhưng hiệu trưởng Trần Quốc Thịnh cũng mong mọi người hiểu rõ về hoàn cảnh khách quan để thấy nhà trường rất khó đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong điều kiện tuyển sinh như thời gian qua. Trên thực tế, số học sinh của huyện miền núi Tiên Phước ít. Vì vậy, trong các năm qua, sau khi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tuyển sinh xong thì mới đến lượt trường THPT Phan Châu Trinh tuyển và luôn tuyển với tỷ lệ “hết mức” là 100%. Nghĩa là, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS ở Tiên Phước thì đều nghiễm nhiên có “một suất” vào trường THPT Phan Châu Trinh. Nhưng chất lượng học sinh THCS ở đây cũng rất đáng báo động, chỉ có chưa đến 85% đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua, thấp nhất tỉnh Quảng Nam!

Trong khi đó, cả trường THPT Phan Châu Trinh (tách ra từ trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) chỉ có 12 phòng học đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”. Không trang thiết bị, cũng chẳng có chỗ để phụ đạo cho học sinh cuối cấp chuẩn bị đi thi. Vì vậy, tỷ lệ học sinh xếp loại học tập trung bình trở lên của trường thuộc hàng bét nhất tỉnh, ngược lại số học sinh yếu kém lại luôn đứng vào bậc “đàn anh”. Thầy hiệu trưởng Trần Quốc Thịnh quả quyết: “Tôi không rũ bỏ trách nhiệm của hội đồng sư phạm nhà trường trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quá thấp. Mỗi thầy cô giáo của trường đều phải nhận thấy lỗi của mình trong việc này. Nhưng đến lúc này, tôi vẫn khẳng định đội ngũ giáo viên của trường đã đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề lẫn tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào đã thấp, lại phải học tập trong điều kiện thiếu thốn như vậy thì làm sao có thể đòi hỏi chất lượng học tập cho cao?”. Quả thật, không có “bột” thì làm sao gột nên “hồ”!?

Tại Điện Bàn, một huyện từng có nhiều học sinh đạt giải các kỳ thi Toán, Vật lý Olympic quốc tế, không khí cũng ảm đạm vì kết quả kỳ thi tốt nghiệp vừa qua cũng đang tràn ngập. Hiệu phó trường THPT bán công Nguyễn Khuyến, thầy Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Trường có 320 học sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có... 38 em đỗ (tỷ lệ gần 12%), một con số ngoài sức tưởng tượng!”. Sau năm năm thành lập, đây là lần thứ ba trường THPT bán công Nguyễn Khuyến có học sinh dự thi tốt nghiệp THPT và là lần có kết quả thấp nhất so với hai lần trước đều đạt từ 89% trở lên!

Theo thầy Nguyễn Anh Dũng, kết quả tốt nghiệp THPT năm nay của trường đạt thấp là điều đã được dự báo từ trước, bởi chất lượng học tập quá yếu. Vì là trường bán công, chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nên những năm qua, chất lượng đầu vào của học sinh nhà trường quá thấp, hầu như chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể “trúng tuyển” vào trường. Từ đó dẫn đến kết quả, trong 320 em dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có 157 em xếp loại học tập trung bình trở lên. Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang tiếp tục kéo dài. Mấy năm trước, trường thậm chí không đủ giáo viên để làm công tác chủ nhiệm chứ chưa nói đến giảng dạy. Hiện tại, trường vẫn đang phải mời 42 giáo viên thỉnh giảng, gấp ba lần số giáo viên cơ hữu của trường (!). Do cùng lúc phải lên lớp ở nhiều trường nên chất lượng giảng dạy của các giáo viên được mời thường thấp hơn các giáo viên tại trường. Làm sao có thể tạo được đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kết quả học tập của một đầu vào vốn quá yếu với đội ngũ giáo viên như thế?

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam nói gì?

Theo ông Trần Hường, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, tỷ lệ 74,5% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong toàn tỉnh tuy không cao so với mọi năm nhưng so với mặt bằng chung trong cả nước thì không thấp. Điều đó phản ảnh đúng thực chất của một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, không quá bị áp lực về kết quả để rồi không phản ảnh đúng thực chất của chất lượng giáo dục. Dù vậy, ông vẫn thú nhận: “Thật tình mà nói, lúc này không chỉ riêng tôi mà nhiều thầy cô giáo khác cũng đều rất buồn. 12 năm học với biết bao công sức của thầy cô, cha mẹ và các em bỗng chốc “đổ sông đổ biển” cả. Tuy nhiên, tôi khẳng định kết quả này là điều đã được chúng tôi thấy từ trước nhưng lực bất tòng tâm!”.

Cái điều “thấy trước”, theo ông Trần Hường, là “phần lớn các trường ngoài công lập “trường không ra trường, lớp không ra lớp”, đã gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và kéo luôn cả tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của toàn tỉnh xuống thấp. Ông nói: “Các trường công lập thì kết quả đâu có thấp, mà phần lớn là các trường ngoài công lập. Thử hỏi, một lớp học mà “nhét” đến 55–60 học sinh, thậm chí có lớp 65 học sinh thì làm sao học tập có chất lượng cho được? Nhưng vì thiếu kinh phí nên buộc lòng các trường ngoài công lập phải làm như thế. Chưa kể, các trường này quá thiếu thốn trang thiết bị và các điều kiện phục vụ công tác giảng dạy và học tập!”.

Dù sao thì giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam vẫn không thể tránh né nguyên nhân xuất phát từ đội ngũ giáo viên: “Gì thì gì, chất lượng học tập của học sinh kém, trước hết phải nói đến trách nhiệm của nhà trường, của người thầy. Ở đây có sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, thiếu thốn giáo viên và cả chuyện giáo viên “chân trong chân ngoài”. Tại sao cũng với số giáo viên ấy mà ở các trường ngoài công lập thì chất lượng học tập của học sinh thấp hơn nhiều so với các trường công lập? Rồi cũng là những trường ngoài công lập nhưng có một số trường lại thấp hẳn đi?”.

Rõ ràng có trách nhiệm về công tác quản lý của ngành giáo dục sở tại khi đã để cho hệ thống giáo dục ngoài công lập tồn tại một cách bất cập như thế. Tuy nhiên, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Trần Hường thì khăng khăng bảo “nguyên nhân của mọi nguyên nhân là... cơ chế xã hội hoá giáo dục”!

Ông lý giải: “Thực tế, phần lớn các trường ngoài công lập hiện nay đều tuyển 100% học sinh, vậy mà có trường còn không đủ chỉ tiêu. Do đó, chất lượng kém là dễ hiểu. Phải thay đổi công tác tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng giảm bớt chỉ tiêu nhằm nâng cao chất lượng, không thể để tình trạng chỉ có 10-20% học sinh tốt nghiệp THPT như hiện nay. Đó là một đòi hỏi nghiêm túc. Những em không vào được lớp 10 thì có thể theo học nghề, hoặc học bổ túc... Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết. Thực ra, khi chúng ta chưa phân luồng đào tạo tốt, kể cả quan niệm phải học lên THPT để vào đại học, cao đẳng vẫn tồn tại ở rất nhiều người thì buộc phải tuyển sinh như vừa qua. Cái vòng luẩn quẩn này cho đến nay vẫn chưa giải quyết được!”...

Nói cách khác, dù lý giải theo hướng nào thì cũng chỉ thấy nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh ở Quảng Nam đỗ tốt nghiệp THPT quá thấp như vừa qua đều năm ở... khách quan, từ cơ sở vật chất yếu kém, giáo viên thiếu thốn đến chất lượng đầu vào của học sinh không đảm bảo... Còn trách nhiệm cụ thể của Sở GD-ĐT Quảng Nam với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn thì lại chẳng nghe ông giám đốc đề cập. Liệu việc các trường bán công tuyển sinh ồ ạt cho đủ chỉ tiêu (dĩ nhiên số học sinh càng nhiều thì nguồn thu càng lớn), việc một số giáo viên “chân trong chân ngoài” để rồi không bảo đảm chất lượng giảng dạy (cũng vì nguồn thu), việc chưa thực hiện tốt công tác phân luồng đào tạo... có thuộc về trách nhiệm của Sở GD-ĐT?

Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, như chính nỗi băn khoăn của rất nhiều người: Vì sao ở đất “Ngũ phụng tế phi” có truyền thống hiếu học mà học sinh rớt tốt nghiệp THPT lại nhiều đến thế?

Bài, ảnh: Hải Châu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,