Chuyện dạy và học ngoại ngữ nói riêng tại các trường học của ta thật đáng buồn, đúng như lời T.S Kinh tế học Dương Thu Hương trên VietNamNet. Bản thân tôi là một ví dụ điển hình của việc dạy và học ngoại ngữ không đến nơi đến chốn này.
Một lớp đào tạo ngoại ngữ cấp tốc |
Tôi bắt đầu học tiếng Pháp từ năm cấp 2 tại ngôi trường Chu Văn An nổi tiếng. Lúc đó, chỉ có 2 trường cấp 2 dạy tiếng Pháp, trường Chu Văn An lúc bấy giờ cũng chỉ có 2 lớp trong cả khối (8 lớp) được học tiếng Pháp. Đó là các lớp chuyên, lớp chọn. Đối với một học sinh học tập nghiêm túc dưới sự chỉ bảo của những giáo viên có trình độ và tâm huyết, 4 năm ấy mang lại vốn tiếng Pháp không hề tồi.
Đến khi thi lên cấp 3, cả Hà Nội lúc ấy vẫn chỉ 2 trường cấp 3 dạy tiếng Pháp. Tôi đã đăng ký thi vào 2 trường; trong đó, chỉ có 1 trường có 1 lớp tiếng Pháp mỗi khối.
Thật không may, tôi bị thiếu 1 điểm vào trường có lớp tiếng Pháp. Còn trường thứ 2, tôi đỗ điểm á khoa. Tôi nhập học ở trường thứ hai và bắt đầu học tiếng Anh. Cô giáo dạy Anh văn của tôi trước đó dạy tiếng Nga và mới đi học tiếng Anh cấp tốc để theo kịp sự thay đổi của xu hướng.
Thú thật, đến giờ phút này, khi mà tôi đang nghiên cứu ở nước ngoài bằng tiếng Anh, tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ đến những lỗi sai về ngữ pháp cũng như phát âm nửa Nga nửa Anh của cô giáo tôi thời đó và thầm tiếc cho khoảng thời gian học ngoại ngữ không đến nơi đến chốn của mình.
Khi lên ĐH, một trường ĐH hàng đầu của Việt Nam (ĐHQG), chúng tôi mỗi tuần có 1 tiết Anh văn vào 1 buổi tối ở….trường cấp 2 Nguyễn Công Trứ. Cảm giác của chúng tôi lúc ấy không khác gì người đi học ở các trung tâm tiếng Anh đang mọc lên nhan nhản khắp Hà Nội vì giáo trình giống nhau: Streamline A, hình thức quản lý học viên hay sinh viên giống nhau: không cần điểm danh, giờ học giống nhau: buổi tối, địa điểm học giống nhau: cơ sở đào tạo cấp 2 với lớp học xập xệ, tối thui, ẩm mốc.
Có hôm, do không tin khi tôi nói đi học chính khóa vào buổi tối, mẹ tôi đã theo dõi tôi vì nghĩ con gái nói dối để đi chơi với bạn.
Học hết 2 năm ĐH đại cương, chúng thôi vào học chuyên môn và vẫn giữ thời gian biểu 1 tiết tiếng Anh 1 tuần nhưng đã được học tại trường ĐH. Học kỳ đầu tiên chúng tôi vẫn học Streamline nhưng khi thi học kỳ thì lại thi kiến thức tiếng Anh chuyên ngành Luật với lý do…chúng tôi sẽ là những Luật sư tương lai.
Thật không thể hiểu nổi! Kết quả là tôi cùng rất nhiều sinh viên khác bị thi lại môn tiếng Anh học kỳ đó.Đấy là việc giảng dạy ngoại ngữ trong trường lớp của Nhà nước, vậy thì việc học sinh ra ngoài học thêm ngoại ngữ thì thế nào?
Sau khi tôi đỗ ĐH, tôi đã đăng ký thi khóa học ngoại ngữ tại chức của trường ĐH Ngoại ngữ đặt tại trường ĐH Công đoàn và đã trúng tuyển. Cần phải nói rằng, việc tôi trúng tuyển kỳ thi ngoại ngữ này hay khác là do gia đình tôi đầu tư, khuyến khích, thuê thày giáo về tận nhà cũng như tôi đã cố gắng hết sức tiếp thu kiến thức từ gia sư.
Đáng buồn thay, tôi buộc phải bỏ dở khóa học tai chức buổi tối đó vì lý do đã hoàn thành 3 học kỳ mà không được thi một môn nào. Lần nào tôi đi hỏi người quản lý khóa học bao giờ có kỳ thi học kỳ thì cũng chỉ được nghe ông hẹn “sắp thi”.
Tôi đã quyết định bỏ khóa học trong khi mọi người vẫn nườm nượp đổ vào trung tâm đào tạo đó để đăng ký thi và học với niềm hy vọng sẽ có bằng tại chức ngoại ngữ sau 6 học kỳ. Đến giờ phút này, sau bao nhiêu nỗ lực và tìm kiếm trên con đường học ngoại ngữ cuả mình, đã đạt được một mức độ nhất định trong khả năng ngoại ngữ, tôi đã quá thấm thía cái cảnh học ngoại ngữ ở Việt Nam, thật không gì tốn kém bằng mà cái tốn kém nhất là tốn kém về mặt thời gian.
Tôi không định đưa thêm một nhận định tổng quan nào nữa về việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam vì tôi nghĩ câu chuyện học ngoại ngữ của bản thân tôi đã là một nhận định rất rõ ràng. Tôi chỉ mong, những người có chức năng trong việc cải cách, chấn hưng thì hãy hành động ngay, hành động toàn diện, có hệ thống và triệt để.
-
Thu Hà