(VietNamNet) - Chuyện 1 học sinh ngang nhiên đánh túi bụi vào mặt cô giáo ngay giữa lớp học, 1 ông bố "mời" côn đồ đến trường "trả thù" cho con... khiến những người đứng trên bục giảng thêm một lần sững sờ. Có phải giáo dục lễ nghĩa trong nhà trường đang bế tắc?
Đầu hàng quy định của chính mình
Trường THPT Nghi Lộc, nơi xảy ra vụ học sinh hành hung giáo viên ngay trên bục giảng |
Với các giáo viên chủ nhiệm,
nội quy lớp là phương tiện hữu ích nhằm quản lý HS chặt chẽ hơn, đưa nội quy trường đi vào cụ thể. Lập được nội quy riêng vừa chặt chẽ lại hợp tình hợp lý là bước khởi đầu thành công trong "nghệ thuật" giáo dục. Nếu nội quy này duy ý chí, HS sẽ phản kháng.Một giáo viên dạy Hoá năm đầu làm chủ nhiệm đã phải đầu hàng chính bản nội quy mình soạn ra. Anh quy định, HS cứ vi phạm một lỗi trong nội quy trường (không đồng phục, không phù hiệu, không học bài cũ... ) sẽ phải làm 2 buổi trực nhật. Sau 1 tuần áp dụng, số HS vi phạm lên đến 20. Sau 3 tuần, số vi phạm chưa kịp xử lý đã dồn lại, buộc anh phải nghĩ đến những hình phạt nặng hơn với những HS vi phạm thường xuyên.
Anh D dạy thể dục, từng giảng dạy nhiều năm rất tự hào bởi đường lối "không cần nói nhiều, chỉ dùng tay là đủ". Anh tâm sự, khi mới ra trường,cũng từng có tham vọng cảm hoá HS bằng sự quan tâm, lòng nhiệt tình và những lời khuyên răn.
Năm đầu chủ nhiệm, anh được giao ngay một lớp 11 hệ bán công. 30/45 HS là nam, con những gia đình lao động nghèo.
Các hình thức kỷ luật học sinh (Trích quy chế của Bộ GD-ĐT), in trong Sổ giáo viên chủ nhiệm: Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học 1 tuần; Đuổi học 1 năm; Đuổi học vĩnh viễn. |
Chuyện các em vi phạm nội quy trường, lớp được xem là lỗi nhỏ "có thể bỏ qua", bởi có những vi phạm lớn không thể khép vào mức kỷ luật nào. Những ngày toàn trường đồng phục áo trắng, có nhóm đồng loạt rủ nhau mặc đồ đen. Giờ học môn phụ, HS nam thi nhau đứng lên nhăn nhó đau bụng, nhức đầu, dìu nhau xuống phòng chữ thập đỏ. Giáo viên dạy thay vào lớp, tất cả thi nhau gào rú, khạc nhổ khiến cô giáo không biết phải cảnh cáo HS nào.
Giờ Sinh, em H không học bài cũ bị điểm 1 đã ngang nhiên xé trang vở ghi lời phê của cô giáo ngay giữa lớp. Cô yêu cầu xin lỗi, H khẳng định mình " không làm gì có lỗi, vở bẩn thì em xé cho sạch, vở em, em thích làm gì chẳng được" bằng vẻ mặt bất cần khiến cô giáo bật khóc.
Anh D, là chủ nhiệm lớp, đã yêu cầu mời phụ huynh đến gặp bàn biện pháp giáo dục, kèm lời nhắn "phải mời bằng được bố đến trường, không được thuê xe ôm". H lớn tiếng "bố em mới chuyển sang nghề xe ôm". Không kiềm chế nổi, anh đã cho em này một cái tát nổ đom đóm mắt.
Từ đó, anh nghiệm ra "không dùng biện pháp mạnh, không thể cải tạo được". Ở trường, HS nhìn thấy anh từ xa đã lặng phắc, không dám quậy. Song, có tối đi ngoài đường, anh bị một nhóm thanh niên đi xe máy quây lại thành vòng tròn, đánh thâm tím mặt mày. Giữa tranh tối tranh sáng, anh nhận ra những gương mặt HS cá biệt.
Cải tạo: Ảo tưởng?
Đuổi học là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng. Xét lưu ban 1 HS, giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu cũng phải cân nhắc lên xuống. Bởi 90% HS lưu ban đều bỏ học, nên "lưu ban" đôi khi là một "phương pháp đuổi học hợp lý, không gây oán thù" áp dụng cho những HS khó cải tạo. Nhà trường chỉ cân nhắc "xét vớt" những trường hợp học lực yếu song đạo đức tốt. |
Chị Quyên, giáo viên dạy Lý cấp 3, gọi trường học là "nhà giữ trẻ"
Nhiều năm đứng trên bục giảng, chị đã chứng kiến đa số HS bị đuổi học (hoặc chỉ cần lưu ban sẽ sẵn sàng bỏ học) ngay lập tức gia nhập đội ngũ xã hội đen ngoài nhà trường, thù hằn và lỳ lợm hơn cả những thành phần vô học.
Vậy nên, quy chế giáo dục và Hội đồng nhà trường luôn tạo mọi cơ hội để HS sai phạm được sửa chữa. Song, các em không nhận thức được điều đó, còn xã hội lại nghĩ đơn thuần "lại bệnh thành tích của ngành giáo dục.
Chứng kiến nhiều vụ HS trộm cắp xe đạp của cô giáo, nổi giận quật ngã thầy trong một giải bóng đá toàn trường, song chưa lần nào nhà trường mạnh tay áp dụng hình phạt "đuổi 1 năm" với HS.
Thế nhưng, thực tế, nhiều HS vô kỷ luật không hề sợ bất kỳ hình phạt nào (hạ hạnh kiểm, cảnh cáo, khiển trách toàn trường, đuổi học 1 tuần) ngoại trừ đuổi học vĩnh viễn (rất hiếm khi xảy ra).
Đi dạy 15 năm, giáo dục không ít HS cá biệt, nhiều lần phải rơi nước mắt trên giáo án hoặc chết lặng nơi bục giảng, chị Quyên công nhận một thực tế: " Ảo tưởng cải tạo được một cá tính đang định hình ở tuổi 15, 16 sẽ thất bại, bởi cô giáo dù yêu thương, quan tâm, nhiệt tình đến đâu mà không có nghệ thuật cũng không thể tác động mạnh mẽ đến 1 HS hư đốn". Bí quyết của chị là: nghĩ nhiều biện pháp hữu hiệu nhất lôi kéo được gia đình, các đoàn thể và dư luận xã hội nhằm kìm hãm dần thói côn đồ của HS ở giai đoạn trưởng thành.
Nghĩ vậy, nên có những HS bài bạc, cá độ, cắm một lúc 6 xe đạp, 1 xe máy để trả nợ, bị truy đuổi phải chạy trốn vào miền Nam suốt 2 tuần, chị Quyên vẫn nhẹ nhàng mời gia đình lên "giáo dục", cam kết không báo cáo giám hiệu mong sao gia đình đưa được con về tiếp tục học. Nhưng khi tiếp xúc gia đình, chị mới ngỡ ngàng bởi ông bố có thái độ rất thoáng "đàn ông con trai phải biết làm những chuyện động trời".
Chị sợ nhất cảm giác cô đơn khi một mình đối diện với học trò bất kham, liều lĩnh, ngoài mặt tỏ ý rất cảm động lòng tốt của cô giáo nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Cảm giác cô đơn ấy, chị đã gặp nhiều lần trong đời...
-
Lê Ngọc Nhung
Tại sao các thầy cô giáo lại gặp "nỗi cô đơn" trên bục giảng khi trò hư? Có phải thầy cô chưa có phương pháp sư phạm hay sự "bất kham" của học trò là không cải tạo nổi? Vai trò lỏng lẻo của phụ huynh trong mối quan hệ "gia đình - nhà trường - xã hội" có phải là nguyên nhân khiến giáo dục lễ nghĩa trong nhà trường không còn hiệu quả? Mời các bạn bày tỏ ý kiến theo cách sau: