Ông Hà Bình Trị, chuyên viên phụ trách môn văn, Vụ THPT (Bộ GD-ĐT) bày tỏ quan điểm của mình về bài văn gây chấn động và cách học văn hiện nay.
ài |
Trong chương trình môn Văn - tiếng Việt ở phổ thông nói chung và ở cấp THPT nói riêng, có rất nhiều bài cả về văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài. Vì thế, có học sinh (HS) nào đó không thích một số tác phẩm trong số rất nhiều tác phẩm trong chương trình là chuyện bình thường, mỗi người có một sở thích riêng là điều dễ hiểu.
Tuy vậy, nếu chương trình và sách giáo khoa (SGK) tuyển chọn được những bài phù hợp với HS, được các em yêu thích thì chắc chắn việc tiếp nhận của các em sẽ thuận lợi hơn. Đây là một yêu cầu được những người có trách nhiệm làm chương trình và SGK hết sức chú ý, đặc biệt là từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, khi Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD-ĐT) bắt đầu triển khai cải cách giáo dục. Nhưng, ở đây phải nói thêm: Biên soạn chương trình và SGK cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu chứ không phải chỉ có yêu cầu chọn cho được những tác phẩm phù hợp với HS. Vả lại, cũng cần phải quan niệm cho đúng thế nào là phù hợp với HS. Có lẽ không thể nghĩ một cách đơn giản phù hợp với HS là gần gũi với các em và các em hiểu được tác phẩm dễ dàng. Nhìn ở góc độ nào đó, Hịch Tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bài Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, văn của E. Hemingway... không thể coi là gần gũi, là dễ hiểu với các em, việc tiếp nhận của HS gặp khó khăn là điều khó tránh. Nhưng ở nước nào cũng vậy, nhà trường không thể không dạy cho HS những tác phẩm ưu tú nhất của dân tộc, của nhân loại cho dù chúng có phần xa lạ với HS.
Em Thanh nói một cách chân thành là mình “không hề thích” bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu vì “em không sống trong thời chiến tranh”, “em không hiểu được ý nghĩa” của nhiều câu văn có những từ ngữ địa phương hay tiếng cổ. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao có SGK tốt và nhất là có cách dạy, cách học thích hợp. Giải quyết được những vấn đề này việc tiếp nhận của HS sẽ thuận lợi hơn. Chỉ khi nào các em hiểu được tác phẩm, các em mới yêu thích.
Em Thanh nói đúng, sự cảm thụ về một tác phẩm văn học cần có sự khác biệt giữa HS này và HS khác. Bản chất của văn học là sáng tạo, vậy cảm thụ văn học cũng cần phải sáng tạo, phải độc đáo. Theo chúng tôi được biết, nhiều năm qua trong hướng dẫn chấm môn văn thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT bao giờ cũng lưu ý giám khảo đánh giá cao, khuyến khích những bài có sáng tạo trong cảm nhận và thậm chí cả trong trình bày, diễn đạt. Như vậy cũng có nghĩa bộ khuyến khích những cách hiểu khác nhau của từng HS, khích lệ các em thể hiện chính kiến của riêng mình. Tuy thế, sự cảm nhận riêng chỉ có thể được chấp nhận khi bám sát văn bản tác phẩm, có lý lẽ thuyết phục và sự cảm nhận ấy làm cho tác phẩm sáng giá hơn. Do đó, không dễ gì có được sự cảm nhận riêng.
Sự hạn chế đó phản ánh một nhược điểm khá nặng nề kéo dài nhiều thập kỷ trong việc dạy và học văn. Từ nhiều năm nay, từ bộ đến các sở GD-ĐT, giáo viên dạy môn văn đã tích cực góp phần khắc phục nhược điểm này. Nhưng công bằng mà nói, kết quả còn nhiều hạn chế. Đến nay, việc “đồng phục hóa” bài giảng của giáo viên, việc “đồng phục hóa” bài làm văn của HS vẫn diễn ra một cách khá phổ biến.
Tôi cũng muốn nhận xét một chút về em Thanh. Qua bài làm của em có thể nhận thấy tuy còn thiếu hụt khá nhiều về kiến thức cơ bản, tuy sự hiểu biết còn nhiều phiến diện, nhưng đây là một HS có chính kiến và rất đáng quý là đã dám thể hiện chính kiến của mình một cách chân thành, trung thực bằng một bài văn nghị luận, ít nhiều có lý lẽ với cách diễn đạt lưu loát, uyển chuyển. Theo tôi, ở một phương diện nào đó, các thầy cô giáo nên trân trọng, khích lệ những HS này.
Cũng từ bài làm văn của em Thanh, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều bổ ích xung quanh việc dạy và học văn. Về phía các thầy cô giáo cần tìm cách để HS chuẩn bị bài chu đáo trước khi đến lớp. Tiếp tục kiên trì đổi mới phương hướng giảng dạy.
Các nhà quản lý cũng thấy cần phải xây dựng chương trình, SGK môn văn gần gũi với HS hơn, đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá giáo viên và HS. Trước mắt, nên tiếp tục cải tiến cách thức ra đề thi, làm đáp án ở môn văn, vừa tạo điều kiện thuận lợi để HS thể hiện những suy nghĩ riêng của mình vừa đánh giá chính xác kết quả học tập của mỗi em.
Xem bài văn của học sinh tại đây.
(Theo Lao Động, Người Lao Động)
Bạn có ý kiến gì về câu chuyện trên? Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau của các chuyên gia và bạn đọc xung quanh vấn đề này. Mời các bạn gửi ý kiến theo cách sau: