Đa số HS, cha mẹ HS đầu tư vào học các môn khoa học tự nhiên (chủ yếu là toán, lý, hóa), xem nhẹ môn văn, ngại học văn, sợ học văn. Cứ căn cứ vào tỉ lệ HS đăng ký tự nguyện học ban C và số HS đăng ký dự thi đại học khối C và D cũng đủ biết.
Đa số HS lười học văn, học qua loa đối phó và lúng túng về phương pháp học tập. Do đó, lên đến cấp THPT, thi tốt nghiệp lớp 12, và kể cả ở các bài thi vào ĐH ở các khối, nhiều HS mắc lỗi chính tả nặng, câu văn mắc nhiều lỗi ngữ pháp, diễn đạt lủng củng, vụng về.
Kiến thức môn văn của HS còn nghèo nàn, thiếu hệ thống, thiếu chính xác. Đa số HS lười đọc sách, lười học thuộc lòng. Năng lực bố cục, trình bày yếu.
Cơ sở vật chất, tài liệu minh hoạ, đồ dùng dạy học để phục vụ giảng dạy và bổ sung kiến thức cho học tập môn văn quá nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là một số tranh ảnh và nhiều nhất là các loại sách tham khảo bán trôi nổi ở ngoài thị trường, in đi in lại, sao chép, sửa chữa mà hiện nay không có cơ quan nào đứng ra thẩm định chất lượng và HS hết sức lúng túng, không biết nên lựa chọn như thế nào.
Các phương tiện nghe, nhìn để phục vụ cho việc dạy văn, học văn trong nhà trường hầu như vắng bóng. Tôi cứ ao ước: Nếu dạy Tuyên ngôn Độc lập mà có điều kiện cho HS nghe tiếng Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 thì tốt biết mấy; giá mà trong giờ dạy trích đoạn Xuý Vân giả dại, HS được xem đoạn băng hình này thay cho phần đọc chay của thầy và trò!...
Nếu như các trường thử tổ chức điều tra trong HS, chỉ 3 câu hỏi thôi: 1. Em có thấy môn văn cần thiết cho cuộc sống và nghề nghiệp sau này của mình không? 2. Em có thích học văn không? 3. Nếu được lựa chọn thầy cô giáo trong trường để dạy em về môn văn, thì em chọn những thầy cô nào? Tôi tin chắc rằng kết quả điều tra sẽ rất đáng suy nghĩ. Và không phải trường nào cũng có thể điều tra, cũng như không phải GV nào cũng thích điều tra như vậy. |
Những hoạt động ngoại khóa để khắc sâu, mở rộng kiến thức, gây hứng thú học tập môn văn cho HS rất ít được các trường tổ chức, vì tốn kém mà lại không có kinh phí, vì tốn nhiều thời gian và công sức nên nhiều GV cũng ngại bày thêm việc.
Chất lượng, không khí các giờ văn trên lớp nhiều tiết tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn. GV giảng dạy thiếu hứng thú, có khi giờ giảng nhợt nhạt, không có hồn. HS mệt mỏi, thụ động, không náo nức chờ đợi giờ học văn. Điều này do nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, số thầy cô giáo dạy hay, dạy giỏi môn văn chưa nhiều. Dạy học nói chung, dạy văn nói riêng, thực sự là một nghệ thuật, và nói chung phải có năng khiếu. GV phải không ngừng học tập, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, ứng xử tốt với học trò. Thầy dạy không hay, không say mê, nhiệt tình thì khó mà làm cho học trò thích môn văn.
Thứ hai, đó là do chương trình, SGK (nhất là chương trình phân ban hiện nay) ở nhiều phần, ở nhiều bài, nếu không lủng củng, nặng nề, rắc rối thì cũng tẻ nhạt, đơn giản, thiếu hấp dẫn. Chương trình, nội dung bài giảng không hay thì thầy dạy hay sao được?
Thứ ba, do nhận thức không đầy đủ, lệch lạc, thực dụng của một số không nhỏ HS và cha mẹ HS hiện nay đối với vị trí, tầm quan trọng của môn văn đối với mỗi con người trong suốt cả cuộc đời.
-
Nhà giáo NGUYỄN CHÂU ĐIỂM - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội)
Tin liên quan:
Bài văn "lạ" gây xôn xao làng giáo