Nguyễn Phi Thanh. |
Nguyễn Phi Thanh, cô học trò lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) với bài thi học sinh giỏi văn “lạc đề”, đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về cách dạy và học áp đặt một chiều trong nhà trường phổ thông hiện nay.
- Ngay khi đọc đề với yêu cầu “Viết một bài nghị luận văn học giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tôi đã định không làm bài. Lý do vì sao thì tôi đã trình bày trong bài viết đó (cười). Nhưng rồi tôi quyết định viết ra những suy nghĩ của mình về chuyện học hành. Những suy nghĩ đó không phải là ý nghĩ nhất thời. Đó là những điều tôi đã từng suy nghĩ, trăn trở trong quá trình học tập. Chính vì vậy, có thể nói tôi đã viết những điều đó với tất cả tâm huyết. Viết xong thấy nhẹ nhõm cả người vì cuối cùng tôi cũng đã có một dịp “trút bầu tâm sự”, nói lên những suy nghĩ thật của mình...
Đó là cách giảng dạy giáo điều Tôi thấy em Thanh là người rất có bản lĩnh, tôi rất quí điều này. Có thể do non nớt nên em đã lấy việc thích và không thích làm thước đo chung cho giá trị của tác phẩm văn học. Đây cũng là do lỗi của nhà trường. Việc thích hay không thích là quyền của mỗi người, với giá trị tác phẩm văn học cũng thế, có thể ở độ tuổi này em ấy không thích nhưng ở độ tuổi khác có thể lại thích. Điều tôi quan tâm là em Thanh đã dũng cảm nói lên sự thật giảng dạy trong nhà trường hiện nay: giáo viên không tạo điều kiện cho HS bày tỏ ý kiến của mình, chỉ nói cái hay mà không nói cái dở của tác phẩm. Cách dạy văn khen một chiều đã không phát huy được sự sáng tạo và suy nghĩ độc lập của HS. Đây là căn bệnh phổ biến trong nhà trường phổ thông hiện nay. Ngay cả đề thi “Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...” cũng hết sức khuôn sáo. Trong khi tác phẩm có rất nhiều cái đáng để nói như lòng dũng cảm yêu nước, lòng thương xót của đồng bào đối với những người đã hi sinh vì đất nước... thì đề bài không đề cập mà lại hỏi về “vẻ đẹp” - hết sức trừu tượng. Tôi cũng đặc biệt lưu ý đến bài viết của em Thanh: đằng sau sự mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình còn cho thấy sự bức xúc về cách giảng dạy giáo điều theo kiểu tư duy một chiều, kìm hãm sự sáng tạo. Đây là một sự báo động không chỉ đối với ngành giáo dục mà cả toàn xã hội. H.HG. ghi |
* Khi làm bài như thế, bạn có nghĩ đến một “hậu quả” nào đó không? Và những phản ứng của dư luận hiện nay có làm bạn bất ngờ?
- Lúc đó, tôi biết sẽ có một “hậu quả” chắc chắn là tôi không thể đạt điểm cao và đoạt giải học sinh giỏi. Tôi cũng có nghĩ đến những chuyện khó xử khác... Nhưng quả thật, tôi chỉ muốn nói lên những suy nghĩ thật của mình với mục đích tích cực, có tính xây dựng chứ không phải là một phản ứng tiêu cực. Những điều tôi nghĩ, tôi viết thể hiện mong muốn sẽ có những cải cách chương trình, thay đổi trong cách dạy và học, mong muốn các thầy cô, nhà trường có thể linh hoạt hơn trong cách ra đề, đánh giá...
Còn bất ngờ, có lẽ là không vì tôi cũng biết mình đã làm một việc... không như bình thường. Khi về nhà, tôi có nói lại hết với ba mẹ tôi. Tôi cảm thấy rất biết ơn khi ba mẹ đã hiểu những điều tôi suy nghĩ, không trách móc tôi.
* Vậy đứng từ góc độ người HS, người tiếp nhận chương trình giáo dục phổ thông hiện nay, bạn có nhận xét gì về chương trình và cách học của mình, không chỉ ở môn văn?
- Tôi đã học đến lớp 11, chỉ còn một năm nữa tôi sẽ kết thúc chương trình phổ thông. Tôi nhận thấy chương trình học của bọn tôi hiện nay quá nặng, nhất là chương trình bậc THPT. Chỉ ví dụ như môn văn, nhiều bài rất dài hoặc rất khó cũng chỉ được học trong một, hai tiết, thầy cô cũng khó khăn mới có thể đảm bảo chương trình. Không thể đủ thời gian cho chúng tôi tham gia phân tích, bình luận, thậm chí tranh luận, nói lên cách nghĩ, cách cảm nhận của riêng mình. Cũng vì chương trình quá nặng, thời gian trên lớp chỉ đủ để học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trong khi chúng tôi lại phải chịu sức ép thi cử nên mới phải đi học thêm.
Vấn đề thứ hai tôi muốn có ý kiến là cách dạy và học trong nhà trường. Có thể do áp lực chương trình, thi cử... nên hầu hết các môn, chúng tôi vẫn học theo kiểu thầy cô đọc, trò chép cho kịp thời gian. Tôi tự nhận thấy hiện nay chúng tôi học theo kiểu thụ động, tiếp nhận kiến thức một chiều, hầu như là học thuộc. Thầy cô phân tích theo cảm nhận, suy nghĩ của mình, sau này kiểm tra, thi cử chúng tôi cũng theo mẫu đó nếu muốn được điểm cao, không có chỗ cho chúng tôi tự nghĩ, trình bày những ý tưởng, cảm nhận riêng của chúng tôi...
Thêm nữa, tôi mong muốn cách ra đề thi, kiểm tra linh hoạt hơn, làm sao để kiểm tra kiến thức cùng với sự sáng tạo, tạo điều kiện cho chúng tôi có thể thể hiện năng lực cá nhân chứ không phải rập khuôn theo “mẫu”...
THANH HÀ (Tuổi Trẻ)