"Sự kiện này làm tôi rất buồn" - cô giáo N.T.L - Người trực tiếp dạy Văn của học sinh Nguyễn Phi Thanh cho biết trong cuộc trò chuyện với báo Tiền Phong chiều qua, 17/5.
Học trò trường THPT Việt Đức giờ tan học |
“Tôi tự nhận thấy mình là một người yêu nghề, xem học sinh như con, cái gì cần dạy bảo thì dạy bảo, cần vui thì vui, có những lúc cười phá lên cùng với học sinh. Tôi cảm nhận được tình yêu mến của học sinh dành cho mình. Nhiều học sinh tâm sự với cô nhiều thứ, kể cả chuyện tình cảm. Tôi ít khi vào mạng, nhưng thấy thầy Tiến nói rằng trên mạng các thế hệ học sinh ca ngợi cô lắm. Vì thế sự kiện này làm tôi rất buồn."
Tâm trạng của chị lúc đó thế nào?
Lúc đó, tôi cũng cảm thấy buồn. Nhưng lúc ấy tôi còn có cả sự cảm thông với em ấy vì tôi cho rằng Phi Thanh viết như thế vì không học bài và cay cú với điểm nên bức bối viết ra những điều thiếu suy nghĩ, bộc lộ cái yếu của em ấy.
Cái yếu đó là cái gì?
Là một học sinh được cử đi thi học sinh giỏi văn, vậy mà em ấy đã không học bài. Nói cho đúng là học tủ nên đã “lệch tủ” khi vào phòng thi. Song Thanh lại coi như em không cần biết, không cần hiểu, không xúc cảm trước một tác phẩm có giá trị.
Cho dù không có xúc cảm thì trách nhiệm của một học sinh sau khi học bài là phải nhận thức được đó là cái gì. Tôi cho rằng lúc đó Phi Thanh suy nghĩ không được bình thường khi nói rằng em không cần biết về quá khứ vì chúng em đang sống trong thời bình.
Vừa thông cảm phần nào cho em Phi Thanh, nhưng tôi cũng đã rất giận. Ngay sau đó, trước cả lớp tôi đã phân tích cho Phi Thanh biết Phi Thanh sai ở chỗ nào. Phi Thanh có nhận với tôi là Phi Thanh không học bài, nếu như đề ra hỏi đến văn học lãng mạn chẳng hạn thì em sẽ “tung hoành” hơn.
Sau buổi đó em Phi Thanh có nói gì với chị không?
Phi Thanh có xin lỗi tôi. Học sinh cũng cho tôi biết, Phi Thanh nói với các bạn rằng, Phi Thanh không hề có ý gì là nói cô cả, mà chỉ định góp ý cho chương trình thôi.
Hôm ở trên lớp, tôi cũng phân tích cho Phi Thanh rằng, nếu như em thật sự thẳng thắn thì trước khi viết những điều trên, em phải viết rằng: “Em xin lỗi thầy cô vì trước khi đi thi em đã không học lại bài này”. Sau đó em muốn đổ lỗi cho cái gì thì đổ. Như thế mới là đúng và biết cách sống.
Đồng ý lỗi tại chương trình, lỗi tại ra đề thi, nhưng lỗi em không học bài nằm ở dòng nào?
Vậy chị thực sự cảm thấy sốc từ bao giờ?
Cô giáo N.T.L tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 1 năm 1970. Tốt nghiệp đại học, cô về dạy trường Chương Mỹ (Hà Tây). Sau đó về trường cấp III Hà Đông (nay là trường Lê Quý Đôn). Năm 1993, cô bắt đầu chuyển về trường Lý Thường Kiệt (nay nhập vào với trường Việt Đức). Khi còn dạy học ở Hà Tây, cô N.T.L được công nhận là giáo viên dạy giỏi của tỉnh trong nhiều năm. Về Hà Nội, cô lại tiếp tục nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Hàng năm cô đều có nhiều học sinh giỏi thành phố, có những năm tới hàng chục em. Trong đó, nhiều HS được đi thi HS giỏi quốc gia. |
Từ khi tôi bắt đầu đọc báo và thấy dư luận có chiều hướng khen ngợi Phi Thanh. Đơn giản là tôi nghĩ thế này: Một học sinh không học lại bài cũ (có thể vì nhiều lý do) nên không thể làm bài, vậy mà lại được ca ngợi, được đưa ra như một tấm gương để những học sinh khác noi theo, liệu có phản giáo dục không?
Phản ứng đầu tiên của chị khi đọc xong những bài báo ấy?
Nhà tôi đặt báo. Khi đọc xong, tôi đau đớn đến mức không muốn nói cho ai biết. Chồng tôi cũng không biết. Hôm Chủ nhật vừa rồi, bạn bè chồng tôi đến chơi rồi hỏi “có phải chị dạy em học sinh đó không?” thì chồng tôi mới biết.
Tôi rất đau đớn vì người ta sẽ nghĩ, tôi dạy học sinh thế nào mà để học sinh nói: Em không cần biết, em không hề thương xót khi đọc bài văn tế - Một trái tim vô cảm, lạnh lùng, tàn nhẫn được đẩy tới tận cùng.
Văn học có một chức năng mà ai cũng biết, đó là chức năng nhận thức. Người ta không sống trong quá khứ nhưng người ta lại có thể hiểu được quá khứ. Nếu em là học sinh giỏi văn thật sự, tại sao em lại nói những lời tàn nhẫn như thế!
Chị có nghĩ bài văn của Phi Thanh là cái cớ để cho người lớn nói những điều vượt ra ngoài suy nghĩ của Phi Thanh?
Có chứ. Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã cảm thấy như thế. Đang từ một bài văn cụ thể, người ta nói về những vấn đề rất to tát như cải cách giáo dục, tiền rót vào cho giáo dục... Trong khi đây là một bài làm cụ thể trong một trường hợp rất cụ thể, có nguyên nhân cụ thể.
Rõ ràng mười mươi là em đã thừa nhận với mọi người: Em không học ôn bài này, em đã ôn “lệch tủ”. Vậy mà đẻ ra việc tiếng nói của em trở thành tiếng nói chung cho tất cả, từ một bài làm cụ thể người ta lại suy ra cách dạy của giáo viên.
Tôi thật sự rất bức xúc. Trong bài viết của Phi Thanh không hề có một ý nào phân tích vào tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc để người đọc có thể nhìn vào đấy mà thấy giáo viên dạy như thế nào. Không hề có bóng dáng người giáo viên dạy trong đó. Vì sao một số nhà phê bình, trong đó có những giáo viên dạy văn lấy đó làm căn cứ để đánh giá giáo viên dạy một cách giáo điều!
Lẽ ra, em phải phân tích thế này thế kia để chứng tỏ giáo viên dạy giáo điều. Nhưng em ấy chẳng nói được gì cả. Vậy căn cứ vào đâu để họ biết trên lớp giáo viên dạy thế nào?
Đành rằng, góp ý là chung cho cả ngành giáo dục. Nhưng đặt vào một trường hợp cụ thể thế này thì có công bằng không? Vấn đề lẽ ra phải được nhìn nhận từ 2 phía: Hoặc là giáo viên dạy không tốt; hoặc là giáo viên dạy tốt rồi nhưng học sinh không học bài ấy. Trường hợp của Phi Thanh rơi vào tình huống thứ 2.
Nhưng dư luận không chỉ nói về trường hợp của Phi Thanh và giáo viên của Phi Thanh mà nói về một hệ thống, nói về cả một nền giáo dục?
Nỗi khổ của tôi là thế này, cái chung ấy đang dựa trên một cái rất cụ thể. Ai cũng nghĩ cái cụ thể là cái đáng nhìn. Viết báo thì gián tiếp, nhưng độc giả sẽ hiểu trực tiếp giáo viên của em ấy không truyền đạt được cho học sinh, dạy không có “lửa”.v.v...
Nếu muốn góp ý cho chương trình, góp ý cho cách dạy thì phải nói thế nào để tách bạch ra trường hợp cụ thể này sai chỗ nào, đúng chỗ nào, còn trong cái chung mình góp ý cái gì. Đừng để nó lẫn lộn để nhập nhằng như thế.
Nhưng gây ra hậu quả ấy lại không phải là Phi Thanh?
Căn bệnh chung của học sinh là các em luôn luôn tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà không nhìn nhận lại chính mình. Nếu không cẩn thận, những người lớn sẽ vô tình khuyến khích con trẻ điều đó.
Lẽ ra, chúng ta phải dạy con cái mình sống cho đúng. Trước một thất bại, điều đầu tiên phải tìm hiểu mình sai sót ở chỗ nào. Một khi không tự nhận ra được phần sai của mình thì tất cả những lý do khách quan phía sau đó không còn có giá trị nữa. Không nên trút tất cả lỗi vào một cái gì đó để biện minh cho việc mình không học bài.
Phi Thanh đang học lớp 11. Chị sẽ tiếp tục dạy Phi Thanh ít ra đến lớp 12. Chị nghĩ chị có phải cố gắng để giữ thái độ công bằng với Phi Thanh?
Ngay từ khi trên báo chí chưa “mượn” Phi Thanh để nói những điều để dư luận có thể hiểu lầm tôi thì tôi đã nói trước lớp rằng, tôi vẫn thông cảm cho Phi Thanh. Trẻ con bao giờ cũng là trẻ con. Học sinh bao giờ cũng là học sinh. Với các em, bao giờ cũng phải công bằng và độ lượng. Các em sai ở đâu thì uốn nắn ở đó. Cũng như con mình, có thế nào cũng là con mình, làm sao mà mình bỏ được!
Tôi nghe qua bạn bè Phi Thanh thì được biết, Phi Thanh có nói, trước khi trả lời phỏng vấn, Phi Thanh đề nghị với phóng viên không được nói gì đến ảnh hưởng tới thầy cô giáo của em. Phi Thanh cũng có nói rõ nguyên nhân là do không làm được bài, đã gục mặt xuống bàn ngủ nhưng rồi giám thị động viên. Nhưng câu đó đã không được đăng trên báo.
Nhưng trong cuộc đời đi dạy của mình, có lúc nào chị cảm thấy băn khoăn vì chương trình, cách dạy văn hiện nay xa lạ với học sinh không?
Đừng ai nghĩ chúng tôi hiện nay lên lớp và dạy bằng cách áp đặt. Chúng tôi cũng thích dạy theo phương pháp gợi mở cho học sinh. Chúng tôi đang cố dung hoà để làm sao vừa truyền đạt được kiến thức cho học sinh, đồng thời gợi mở để các em phát biểu ý kiến.
Cảm ơn chị!
-
Quý Hiên (Tiền Phong)