221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
667688
"Qui chế cho phép, tỉnh có đề nghị thì nên ủng hộ... thi lại"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Vụ trưởng Vụ THPT Lê Quán Tần:
'Qui chế cho phép, tỉnh có đề nghị thì nên ủng hộ... thi lại'
,

Trao đổi với ông Lê Quán Tần, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) về “sự kiện Khánh Hòa”.

 Toàn cảnh: Khánh Hòa xin thi tốt nghiệp vòng 2

Ông Lê Quán Tần
* Với cương vị vụ trưởng quản lý bậc học phổ thông, ông đánh giá như thế nào về “sự kiện Khánh Hòa”?

- Qui chế đã qui định rất rõ: đề thi phải nằm trong chương trình, bám sát sách giáo khoa, kiểm tra kiến thức cơ bản, mức độ đề thi phải đảm bảo HS trung bình, chăm chỉ, có cố gắng là có thể đạt yêu cầu tốt nghiệp... Đối với tỉnh Khánh Hòa, trong kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua còn kết hợp lấy kết quả xét tuyển vào các trường THPT công lập. Theo báo cáo của tỉnh này, do lồng ghép cả hai mục tiêu, nội dung đề thi được ra khó hơn yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp nên kết quả thấp đi.

Theo ông, đây có phải là một trường hợp đặc biệt phản ánh đúng chất lượng giáo dục “thật” của địa phương?

- Điều rút ra đối với cán bộ quản lý là kỳ thi nào phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của kỳ thi đó, ra đề phải đúng theo yêu cầu tốt nghiệp, không nên đặt ra những yêu cầu cao hơn.

* Nhưng nhiều địa phương trong cả nước vẫn thực hiện kỳ thi kép, ghép hai mục tiêu tốt nghiệp và xét tuyển lớp 10 từ nhiều năm nay? Đây cũng là một việc được bộ khuyến khích nhằm giảm bớt các kỳ thi cho HS...

- Kết hợp hai mục tiêu, vẫn phải theo yêu cầu tốt nghiệp.

Thưa ông, Bộ GD-ĐT có lo lắng kết quả thấp của Khánh Hòa sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước?

- Khánh Hòa chỉ là một trường hợp cá biệt. Còn nhìn chung các địa phương khác kết quả thi đều bình thường. Chúng tôi cũng không có gì phải lo lắng.

* Ông cho rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp của Khánh Hòa là do đề thi?

- Đánh giá ban đầu của chúng tôi căn cứ theo báo cáo của địa phương là như vậy. Yêu cầu của đề thi đã cao hơn yêu cầu chung của đề thi tốt nghiệp. Hiện chúng tôi đang yêu cầu Sở GD-ĐT Khánh Hòa chuyển đề thi và đáp án ra bộ để thẩm định.

Như vậy trên thực tế tỉ lệ tốt nghiệp cao, thấp phụ thuộc vào mức độ dễ, khó của đề thi do các địa phương tự ra? Tại sao tuy điều kiện và chất lượng giáo dục khác xa nhau nhưng tỉ lệ tốt nghiệp thường... cao như nhau?

- Dù đề thi tốt nghiệp THCS đã được phân cấp cho các địa phương tự ra nhưng tất cả đều phải dựa trên một căn cứ chung để ra đề. Căn cứ chung đó là chương trình, sách giáo khoa áp dụng thống nhất trong cả nước. Vì vậy, đề thi của các địa phương có khác nhau ở mức độ nhưng không thể chênh lệch quá xa.

80% học sinh Trường Trần Quốc Toản (Nha Trang) thi trượt tốt nghiệp

* Vậy còn trong trường hợp thi cùng một đề thi do Bộ GD-ĐT ra như kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số địa phương có kết quả đỗ tốt nghiệp cao khó tin?

- So sánh giữa các địa phương trên cùng một đề thi, lý do chủ yếu nhất là khâu coi thi, chấm thi. Đây là hai khâu rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tốt nghiệp. Coi thi, chấm thi không nghiêm túc thì kết quả sai lệch, không phản ánh đúng chất lượng giáo dục...

Trong thi đua khen thưởng, ngành giáo dục đánh giá yếu tố nào cao hơn giữa thi “thật”, kết quả có thể không cao, và thi kiểu bình thường như trước đây với kết quả cao?

- Hai vấn đề này cần phải rạch ròi: thi nghiêm túc phải được ghi nhận, được khen. Nếu thi nghiêm túc cho kết quả phản ánh chất lượng giáo dục thấp cần phải được phân tích nguyên nhân cả khách quan, chủ quan.

Ví dụ như do những điều kiện khách quan như điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, thiên tai lũ lụt... thì phải được đánh giá khác. Còn nếu có điều kiện thuận lợi, như Khánh Hòa chẳng hạn, mà chất lượng giáo dục thấp thì phải nghiêm túc kiểm điểm lại. Nhưng không nên đối lập hai mặt đó với nhau.

Chạy theo mặt nào cũng là chạy theo thành tích, có biểu hiện lệch lạc cả. Chạy theo tỉ lệ tốt nghiệp rõ ràng là thiếu sót rồi. Nhưng nếu HS học tập tốt nhưng ra đề khó, tỉ lệ tốt nghiệp thấp cũng là khuyết điểm.

* Trở lại với “sự kiện Khánh Hòa”, ông đánh giá như thế nào về những lý do mà Khánh Hòa đưa ra để đề nghị được tổ chức thi tốt nghiệp THCS lần hai?

- Sau khi bàn bạc giữa các đơn vị chuyên môn liên quan, chúng tôi đã thống nhất trình bộ trưởng xem xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa (được tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THCS lần hai vào tháng bảy tới).

Những căn cứ để chúng tôi ủng hộ đề nghị của tỉnh Khánh Hòa là trong qui chế tốt nghiệp hiện hành có qui định đối với những trường hợp đặc biệt được phép tổ chức thi tốt nghiệp THCS lần hai.

Đây là kỳ thi đã phân cấp hoàn toàn cho các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức ở tất cả các khâu. Quan điểm của tôi là qui chế cho phép, UBND tỉnh có đề nghị thì nên ủng hộ. Nên xem xét đến trường hợp đặc biệt của Khánh Hòa, do có trục trặc về đề thi, tỉnh lại đang phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục...

* Thưa ông, tại sao không chờ thẩm định đề thi và đáp án rồi mới quyết định nên cho Khánh Hòa tổ chức thi lần hai hay không? Việc tổ chức thi tốt nghiệp lần hai đã có tiền lệ chưa?

- Có rồi chứ. Cũng ở Khánh Hòa, năm 2000 đã tổ chức thi tốt nghiệp lần hai do tỉ lệ tốt nghiệp thấp quá. Ngoài ra, theo tôi nhớ, TP.HCM có một lần và còn một tỉnh nữa cũng đã làm một lần...

Chúng tôi đang yêu cầu Sở GD-ĐT Khánh Hòa gửi đề thi và đáp án ra bộ để các cơ quan chuyên môn thẩm định. Nhưng nếu chờ đến lúc đó mới quyết định thì có thể muộn, không kịp tổ chức thi và xét tuyển bổ sung vào lớp 10. Theo tôi, trong trường hợp này phải nhìn nhận từ góc độ lợi ích học tập của HS.

Khi ra quyết định cần cân nhắc: có cơ sở pháp lý không, có đúng thẩm quyền không, có đảm bảo quyền lợi người học không? Nếu đảm bảo các yếu tố này thì có thể quyết định được. Tôi cũng cho rằng đây là một bài học về quản lý. Trong thi cử phải thật chặt chẽ, nếu không hậu quả sẽ rất lớn...

* Thưa ông, vậy những thí sinh thi trượt tốt nghiệp THCS ở các địa phương khác sẽ được giải quyết như thế nào, vì năm sau kỳ thi tốt nghiệp THCS sẽ được bãi bỏ?

- Hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn chính thức. Biện pháp giải quyết cụ thể đối với vấn đề này chúng tôi sẽ đưa vào hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới (ban hành vào tháng bảy tới). Nhưng chủ trương chung là ghi nhận kết quả thi của những môn HS đã đạt từ 5 điểm trở lên.

Những môn dưới 5 điểm phải qua kiểm tra lại để được xét công nhận tốt nghiệp. Khâu tổ chức học ôn tập, bổ sung kiến thức, kiểm tra sẽ do các địa phương tùy tình hình hướng dẫn các trường thực hiện. Nhiều ý kiến băn khoăn vì năm tới sẽ triển khai đại trà chương trình lớp 9 mới.

Nhưng theo tôi, kiến thức chương trình phổ thông cũ hay mới đều không quá khác biệt, các em có thể ôn tập cùng HS lớp 9 chương trình mới. Khi kiểm tra đánh giá, đề bài của HS học theo chương trình cũ sẽ được ra theo chương trình cũ. Qua kiểm tra, nếu đạt yêu cầu HS sẽ được xét tốt nghiệp.

Bỏ thi tốt nghiệp không có nghĩa là bỏ đánh giá, chỉ là thay đổi hình thức đánh giá. Vì vậy nếu HS trượt thi tốt nghiệp năm nay, sang năm ta vẫn có thể đánh giá và công nhận tốt nghiệp theo hình thức đánh giá mới, không có gì là quá khó khăn.

Đối với những trường hợp đặc biệt như HS sau một năm có thể chuyển chỗ ở, chỉ cần mang theo hồ sơ gốc là có thể đăng ký kiểm tra và xét tốt nghiệp ở nơi mới đến. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể trên nguyên tắc bảo đảm tối đa quyền lợi, thuận lợi cho HS.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,