(VietNamNet) - Chính sách đãi ngộ không thoả đáng dẫn đến hiệu quả thu được từ đội ngũ GS, PGS còn hạn chế? Một lần nữa vấn đề này lại được đưa ra bàn bạc tại Hội thảo cùng chủ đề, với sự tham gia của các GS đầu ngành. Ghi nhận một vài ý kiến...
GS Đỗ Trần Cát |
GS Đỗ Trần Cát, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước: Tăng lương? Chưa đủ!
Việc sử dụng đội ngũ GS, PGS không hiệu quả do chúng ta không giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể, không trả lương theo đúng nhiệm vụ đã làm so với lao động bỏ ra. Bên cạnh đó, lại không có chế tài xử lý những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyện chế độ, chính sách đối với GS, PGS cứ lùng nhùng như thế từ lâu và chẳng cho kết quả gì cả. Giải quyết vấn đề đặt ra là phải giao nhiệm vụ rõ ràng cụ thể và trả đồng lương xứng đáng.
Phải công nhận cũng có nhiều GS, PGS họ không làm việc nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, đây không phải bản chất của họ mà một phần do không đủ điều kiện để làm việc; phần nữa là do cơ chế. Nếu cơ chế không bắt làm việc thì tội gì phải làm nhiều...
Đặt ra vấn đề chính sách, chế độ đối với GS, PGS không phải chỉ là vấn đề tăng lương. Tăng lương thì nước lên, tiền lên cũng không giải quyết vấn đề gì cả. Cùng với việc tăng lương thì phải có cơ chế quản lý GS, PGS cũng như mọi loại cán bộ khác để cho họ làm việc nghiêm túc.
Mức lương khảo sát mới đây thì trung bình GS hiện nay lương khoảng 3 triệu, thu nhập ngoài 2 triệu nữa (theo tôi thì thu nhập ngoài có thể nhiều hơn). Nếu như bằng cách nào đó để có thể nhập hai khoản thành lương cứng, khoảng 4 - 5 triệu/ tháng thì Nhà nước không chi thêm đồng nào mà quản lý được khoản tiền ngoài lương.
Bên cạnh việc cần có cơ chế quản lý là phải trả lương đúng với lao động thì cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh việc thưởng - phạt. Mức phạt quy định cao nhất có thể loại khỏi chức vụ, miễn nhiệm chức danh. Tất nhiên, những chế độ chính sách phải do Chính phủ ban hành, cụ thể thực hiện phải là các cơ sở giáo dục: từng trường, từng viện nghiên cứu... Muốn quản lý được vấn đề này trước hết Nhà nước phải quản lý được đồng tiền.
GS Vũ Tuyên Hoàng |
GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam: "Mức lương cho GS nên là 500 USD/ tháng và PGS là 350 USD/ tháng"
Chế độ đối với GS, PGS cho đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Nghĩa là, mức lương không thoả đáng, không được đặt trên một cơ sở khoa học nào.
Không nên sử dụng GS, PGS theo như một chế độ hành chính. Mà cần có một chế độ đặc biệt về chuyên ngành.
Vậy, với thực tế của Việt Nam thì nên xây dựng chế độ chính sách như thế nào? Điều này phải được căn cứ trên mấy vấn đề sau: sinh hoạt thực tế của các GS, PGS của ta so với nhiều nước còn rất thấp; điều kiện làm việc cũng không được thuận lợi.
Ví dụ: nhiều người cần trang thiết bị, phòng thí nghiệm để làm việc với các cộng tác viên hoặc chỗ ngồi làm việc trong một trường ĐH hay Viện nghiên cứu...thì vẫn còn thiếu. Thêm nữa, việc cập nhật trình độ khoa học hiện đại của thế giới thì gần đây chúng ta rất ít tổ chức cho GS, PGS ra nước ngoài thăm quan, nghiên cứu trong thời gian ngắn...Nguyên nhân, do kinh phí hạn hẹp.
Hiện nay, phải nói rằng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn quá kém. Ví dụ như: Chế độ cho GS người Trung Quốc là 1.000 USD/ tháng. Ở Việt Nam nên tính toán đảm bảo mức lương GS là 500 USD/ tháng và PGS là 350 USD/ tháng.
Nếu xem xét kỹ thì mức này cũng không phải là bất hợp lý, mà đánh giá được khả năng lao động của họ. Không nên đưa GS, PGS hưởng lương ngạch hành chính. Và những đồng chí ở ngạch hành chính cũng không nên co những so sánh với hệ thống GS, PGS về chuyên ngành khoa học. Cần có một ngạch lương riêng cho GS, PGS.
- Kiều Oanh (ghi)