Cô Nguyễn Kim Tường Vy - Tổ trưởng chuyên môn trường THPT Nguyễn Hiền than phiền về thái độ coi thường các môn khoa học xã hội. Ở nhiều trường, ban giám hiệu đều cho rằng đây là môn học bài, không cần phải đào sâu suy nghĩ, khi nào thi tốt nghiệp mới cần tăng tiết để kiểm tra bài cho HS, nếu không thì cắt giảm tiết, nhường cho môn khác.
Hậu quả là những tính toán của nhà trường, phụ huynh đã tác động không ít vào tâm tư, suy nghĩ của học sinh và giáo viên.
Đó là chưa kể, để đảm bảo đúng chương trình, thầy cô và học sinh phải cùng chạy đua trong mỗi tiết học để kịp giờ, không còn thời gian cho những chuyện kể, cho những câu hỏi nâng cao hoặc đào sâu kiến thức. Học sinh học rất nhiều nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu.
Bà Phạm Thu Nga, khoa Sử (trường CĐ Sư phạm TP.HCM) thông tin, qua khảo sát một số trường THCS (Q4, 11, Phú Nhuận), trong suy nghĩ của hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy, đây là môn học phụ nên thường xem nhẹ. Để đảm bảo chương trình và nội dung, giáo viên chỉ cần cho học sinh chép và học thuộc những nội dung bài trong sách giáo khoa là đủ, không cần đến thao tác tư duy. Vì thế, đã hình thành kiểu dạy học “đối phó” miễn xong nội dung chương trình quy định, học sinh đạt điểm là được.
Ông Tưởng Phi Ngọ, giáo viên khoa sử ĐH Sư phạm TP.HCM than thở: "Trước khi đến lớp, các em không phải soạn bài như môn văn; trên lớp các em hầu như chỉ nghe giảng mà không phải làm bài tập (trừ khi kiểm tra); về nhà các em cũng không phải làm bài tập như môn toán nên chưa bao giờ có vở bài tập riêng; còn học thêm môn sử là chuyện chưa bao giờ có (trừ phi ôn thi ĐH khối C).
Cản trở lớn nhất là… đời sống GV?
Trong khảo sát trên 142 giáo viên dạy Sử ở TP.HCM gần đây, có 66,9% trả lời là đến với ngành sử do yêu thích, 59,1% yêu thích ngành sử kể từ khi còn học ở trường phổ thông. Nếu có cơ hội chọn lại, 18,3% muốn chọn ngành khác, 19,7% lưỡng lự. Số đông (62,7%) vẫn chọn lại ngành sử.
Tuy nhiên, đời sống giáo viên dạy sử đang gặp nhiều khó khăn. 78,1% giáo viên có thu nhập từ lương; 37,3% có thu nhập chủ yếu từ làm thêm và nhận sự trợ giúp của gia đình; 40,1% có làm thêm hoàn toàn không gắn với chuyên môn hoặc rất ít gắn với chuyên môn.
33,8% giáo viên trả lời nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy và học môn sử hiện này là do đời sống giáo viên khó khăn. Và cản trở lớn nhất để các thầy cô tiếp tục học nâng cao trình độ là do đời sống còn quá khó khăn nên không thể tiếp tục học được. Đây là ý kiến của 52% tham gia khảo sát.
Giải pháp nào nâng cao chất lượng?
PGS.TS Ngô Minh Oanh, trưởng khoa Lịch sử ĐH Sư phạm TP.HCM đề nghị giải pháp đầu tiên nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử là phải thay đổi nhận thức về vị trí, tác dụng của lịch sử và tri thức lịch sử đối với sự phát triển xã hội. Có như vậy, mới thay đổi quan niệm về bộ môn lịch sử ở trường phổ thông và những người dạy nó.
Sự thay đổi nhận thức về lịch sử và giáo dục lịch sử phải được thể hiện bằng các biện pháp cụ thể ngoài lương. Nên chăng, có phụ cấp riêng đối với đội ngũ giáo viên lịch sử như đã từng có đối với những người giảng dạy môn Mác- Lênin ở các trường ĐH, chế độ tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng để nâng cao trình độ và hiểu biết thực tế.
Cô Nguyễn Kim Tường Vy cũng đề nghị cần có chính sách hợp lý về vấn đề học tập và thi cử môn lịch sử sao cho nhận thức của xã hội, nhà trường và học sinh về bộ môn này không sai lệch.
Theo bà Phạm Thu Nga, giảng viên Khoa sử, CĐ Sư phạm TP.HCM, phải tổ chức cho học sinh họat động để tự nhận thức lịch sử, biết trình bày ý kiến, quan điểm riêng của mình.
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề nghị biện pháp khơi dậy niềm đam mê hứng thú của học sinh bằng cách tăng cường việc sử dụng các đồ dùng trực quan trong dạy và học. Đồ dùng trực quan thực sự là chiếc “cầu nối” giữa quá khứ với hiện tại, là sự phản ánh chân thực nhất về quá khứ.
- Bài, ảnh: Cam Lu