(VietNamNet) - "Việc phân mấy ban chỉ là hình thức. Tổ chức dạy học, nội dung và phương pháp thực hiện như thế nào cho tốt mới là điều cần bàn hơn. Bộ GD-ĐT phải có chương trình chuẩn để giáo viên xác định được việc dạy học cho hợp lý". Ông Lê Văn A, Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) - một trường đang thí điểm chương trình phân ban - cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet.
Ông A cho biết: Về mặt tích cực, thực hiện chương trình thí điểm phân ban THPT phù hợp với mục tiêu của giáo dục hiện nay. Tức là học để biết, học để sinh sống và học để hoàn thiện mình.
Tuy nhiên, chương trình này còn hạn chế rất nhiều: nội dung, phương pháp... đang còn phải bàn, tháo gỡ và đồng bộ hơn. Nếu căn cứ vào SGK mà dạy theo phương pháp cũ thì rất nặng. Bởi phương pháp mới là dạy HS tìm phương pháp nghiên cứu tài liệu trong sách giáo khoa. Kiểu dạy và học theo hướng cũ, thầy giảng tới đâu, trò chép tới đó nên dẫn đến khó khăn và nặng nề.
- Thưa ông, qua 3 năm thực hiện thí điểm phân ban, trường đã đúc kết được những kinh nghiệm gì?
Khó khăn nhất là quỹ thời gian không đủ. Bởi HS không chỉ học văn hóa mà còn học giáo dục ngoài giờ (khả năng giao tiếp, ứng xử, kiến thức phổ thông...).
Bên cạnh đó, chế độ chính sách không đồng bộ. Trong 3 năm thí điểm, mỗi tiết dạy phụ cấp cho giáo viên chỉ có 5.000 đồng nhưng các khoản như: môn tự chọn, giáo dục ngòai giờ, hướng nghiệp...sức lao động của thầy cô tăng lên rất nhiều (tháng 3 tiết/lớp giáo dục hướng nghiệp..).
Trường lấy tiền đâu mà trả? Giờ làm phụ trội tính dạy thêm giờ, nhưng làm phụ trôi cũng tất khó khăn bởi bây giờ, muốn làm phụ trội, tất cả giáo viên trong môn đó phải được phân biệt tiết rõ ràng, đủ tiết theo quy định còn dư ra mới tính giờ phụ trội. Thành ra, cũng khó khăn cho các trường. Mới thí điểm đã như vậy. Nếu làm đại trà thì càng khó. Vì vậy, ở cấp vĩ mô, cần phải nghiên cứu, điều chỉnh.
Và điều quan trọng là có chương trình chuẩn. Từng thời kỳ, Bộ phải chỉ rõ cái chuẩn đến đâu để thầy cô và HS cùng an tâm dạy, học.
Sau 3 năm thực hiện thí điểm phân ban, tôi thấy cái được nhất là dần dần hé ra phương pháp đổi mới dạy học cho thầy cô; còn HS được dịp phát huy năng lực, dịp đứng trước đám đông phát biểu không còn e ngại, khả năng làm việc hợp tác rất tốt.
- Nhiều thầy và trò thực hiện thí điểm phân ban đều kêu "quá tải". Theo ông, lỗ hổng của việc này nằm ở đâu?
Vấn đề là phải định được chuẩn. Không có chuẩn thành ra sách bao nhiêu, thầy cô phải dạy bấy nhiêu. Sách phân ban đã nâng cao rồi, thầy cô cố dạy hết. Trong khi trình độ HS ở nhiều mức độ khác nhau.
Không ai dám dạy ở mức nào là vừa và dừng lại ở những bài tập nào là tối thiểu. Thành ra, HS phải làm hết bài tập trong sách, trong khi bài tập không phải là ít.
Muốn thực hiện chương trình phân ban tốt, cả thầy và trò phải thay đổi phương pháp dạy và học. Nếu cứ thầy đọc trò chép, sẽ trở nên quá nặng. Bởi đây là sách nâng cao. Do vậy, Bộ GD-ĐT phải chủ trương có chương trình chuẩn. Nghĩa là, chương trình tối thiểu tốt nghiệp THPT phải đạt được mức đó.
- Có ý kiến cho rằng, SGK chương trình phân ban xa rời thực tế. Ông nghĩ sao về điều này? Sắp tới Bộ dự kiến có điều chính sách nâng cao và sách chuẩn thông thường, trường có phương án gì để chuẩn bị đón nhận việc này?
Khi xem sách, ai cũng khen viết hay. Sách có một phần chuyên sâu. Đối với người trong lĩnh vực khoa học rất thích. Bởi nó là những thực tế và cũng hiện đại, đi vào lĩnh vực khoa học tương đối bài bản. Thầy cô nhìn sách cũng thấy rất hay.
Thiết nghĩ, SGK cứ vết ở mức độ này nhưng yêu cầu chuẩn nằm ở mức nào? Nếu để như vậy nhưng dạy theo kiểu cũ thì ai cũng kêu. Bởi sách viết để đổi mới phương pháp nhưng mình không đổi mới thì đâu có đủ thời gian để dạy và học trò cũng chẳng nắm được gì.
Nếu có sách nâng cao và sách chuẩn thông thường thì trường cũng không có ảnh hưởng gì. HS trung bình học sách chuẩn thông thường. Còn những HS khá giỏi muốn đi tiếp vào ĐH, CĐ thì học nâng cao để phát triển. Tuy nhiên để có "bước đệm" thay đổi sách, mỗi thầy cô phải nâng cao cộng nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học và tăng cường nâng cao ngoại ngữ.
Theo tôi, nhất thiết phải có bộ sách chuẩn thông thường cho sinh THPT nắm được, còn bộ sách nâng cao cho HS khá giỏi để phân luồng. Nếu có 2 bộ sách ấy, hệ bán công học sách chuẩn còn học sinh công lập đầu vào khá giỏi học sách nâng cao thì cũng tốt.
- Việc Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra phương án 2 ban và 3 ban, theo ông nên hay không nên từ thực tế trường đã thí điểm cả 3 năm?
Phương án có thêm ban cơ sở là hợp lý bởi trong 3 ban, đối với những HS học trung bình, yếu có thể chọn ban cơ sở để tiếp tục thi tốt nghiệp phổ thông. Trong 3 năm học đó, có những em lúc đầu ở mức trung bình nhưng lên lớp cao hơn học khá hơn, nếu thích có quyền đăng ký học tự chọn ban A hoặc C.
Nếu chỉ 2 ban không hợp lý. Bởi có những em không học nổi ban A và cũng không thể học nổi ban C. Số này chiếm khoảng 30%. Vậy, phải sinh ra 1 ban nữa đó để HS học chương trình chuẩn và mục tiêu để các em phổ cập bậc trung học.
Việc phân mấy ban chỉ là hình thức. Tổ chức dạy học ,nội dung và phương pháp thực hiện như thế nào cho tốt mới là điều cần bàn hơn.
- Theo ông, để triển khai đại trà chương trình phân ban THPT, cần phải làm gì?
Thứ nhất, phải lo cái đầu của thầy cô. Cái đầu thông đổi mới phương pháp thì mọi cái tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.
Thứ 2, là cơ quan chủ quản phải chuẩn bị chu đáo chương trình, điều kiện cơ sở vật chất, SGK.... chứ không phải cập rập để đến lúc "nước đến chân mới nhảy", hay tình trạng chắp vá...
Thứ 3, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đang ở mức nào. Nếu không khi triển khai quá khó khăn, nặng nề. Tiếp đến là xã hội, phụ huynh... chấp nhận.
- Xin cảm ơn ông!
-
Cam Lu (Thực hiện)
Ý kiến của bạn: