(VietNamNet) - "Chương trình đào tạo sau ĐH của ta hiện nay là lý thuyết chứ không phải hàn lâm, nếu hàn lâm thì đã tốt. Sở dĩ nặng lý thuyết vì giảng viên nhiều lý thuyết, và cơ bản là dạy lý thuyết dễ hơn dạy thực hành. Người có chức tước thích dạy sau ĐH vì nhiều quyền lợi. Thành thật mà nói, chúng ta dạy làm sao tốt bằng các em trẻ", PGS.TS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VietNamNet về câu chuyện đào tạo sau ĐH.
Ông Lê Quang Minh: " Thành thật mà nói, chúng ta dạy làm sao tốt bằng các em trẻ" (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
- Thưa ông, người ta kêu rằng học sau ĐH bây giờ dễ quá...
TS Lê Quang Minh: Tôi cho rằng Bộ phải chịu trách nhiệm chỉ tiêu về đầu vào. Cái này khác với ĐH. Đúng ra, Bộ phải mở chỉ tiêu ĐH rộng ra thì lại siết. Ở bậc cao này thì phải siết cho cân đối các ngành đào tạo. Thử hỏi, VN mình có nhu cầu trình độ cao bức thiết đến mức độ nào mà đào tạo tiến sĩ khoa học xã hội tới 46%. Tôi nói vậy không có nghĩa là đánh giá thấp khoa học nào, nhưng liệu trong khi ở Bắc Mỹ, tỷ lệ này 12%, ở Tây Âu chưa tới 20% thì cũng đáng là vấn đề cần xem xét lại ở mình.
-Nếu siết đầu vào thì cách thức tuyển sinh nên thế nào?
- Về tuyển sinh, Bộ phải để cho các đơn vị đào tạo chủ động, chỉ đặt các chuẩn tối thiểu, còn lại, để các trường tự lo. Các trường họ sẽ làm tốt. Nhưng công đoạn quyết định chất lượng đào tạo thực sự hiện nay là quản lý ở đơn vị. Cái đó, quy chế phải ghi cho rõ, đây là trách nhiệm của mấy ông ở đơn vị. Chứ bây giờ cứ nói chủ trương chung, ít lâu sau ra có gì, người ta lại xúm vào "đánh" Bộ.
Ví dụ: Người có chức tước trong trường, khoa, bộ môn...hay giành để dạy những chương trình này lắm. Vì đối tượng dễ dạy, nhiều quyền lợi, lại có người hỗ trợ nghiên cứu.
- Hiện tượng này có phổ biến ở ĐH Cần Thơ?
- Tôi cho rằng không phổ biến ở ĐH Cần Thơ nhưng phổ biến ở nhiều cơ sở đào tạo. ĐH Cần Thơ được cái thuận lợi là ban chủ nhiệm đa số học nước ngoài về, nên hiểu cái này rõ. Tôi đã mạnh dạn cho thạc sỹ Tây học dạy thạc sỹ lâu rồi.
"Chỉ tập trung vào một số ít các thầy có vị trí, chức vụ về quản lý" |
Thứ trưởng Bành Tiến Long: "Việc phân công người hướng dẫn nghiên cứu sinh có nơi còn chưa đảm bảo về chuyên môn sâu, về sự am hiểu đề tài nghiên cứu cũng như khả năng định hướng, dẫn dắt nghiên cứu sinh. Còn có nhiều biểu hiện chỉ tập trung vào một số ít các thầy có vị trí, chức vụ về quản lý, dẫn đến hiện tượng một số thầy hướng dẫn nhiều NCS, một số thầy lại không có NCS để hướng dẫn, mặc dù chuyên môn, năng lực và các tiêu chuẩn khác hoàn toàn có thể đáp ứng" |
-Nhưng phàm chuyện gì gắn bó với lợi ích, lại có quyền trong tay thì khó gỡ lắm....
-Trong dự thảo quy chế đào tạo sau ĐH lần này đã mở ra rồi. Tức là phải cho những người trẻ, có bằng thạc sĩ, nhất là ở nước ngoài, chỉ cần tập sự 2 năm thì đương nhiên có quyền đứng lớp. Quy chế có thể dùng từ "khuyến khích". Thành thật mà nói, chúng ta dạy làm sao tốt bằng các em trẻ.
- Không nói thẳng mà chỉ là "khuyến khích", trong khi, có giao quyền cho các đơn vị đào tạo quyết định, thì quyền quyết định vẫn trong tay các sếp, trưởng khoa, chủ nhiệm bộ môn. Làm sao mà tự họ gỡ quyền của mình đưa cho người khác được?
- Đôi khi lãnh đạo lại vin vào quy chế, nếu quy chế nói không rõ thì sẽ làm cho quyền của người ta lớn lên. Cho nên, quy định rõ thì quyền của họ sẽ bị "khoanh vùng".
Một điều tôi cho hết sức quan trọng là, mỗi trường phải có website của mình, các website này nối kết về website của Bộ. Các luận án phải đưa toàn bộ nội dung chứ đừng đưa một trang. Một trang thì đọc sao mà hiểu.
Khi đưa ra bàn dân thiên hạ rồi, người hướng dẫn phải thấy trách nhiệm của họ. Chứ như bây giờ, người ta đâu có sợ. Luận án in ra có mấy cuốn, cho hội đồng cũng có mấy người, rồi phản biện kín. Mà thực ra, người phản biện, từ "kín" ở đây lại hoàn toàn không kín.
Như tôi, đã gặp trường hợp quyết định phản biện chưa đến tay thì sinh viên đã điện thoại cho tôi rồi. Như vậy thì khó xử lắm. Phải cho tôi nơi thật kín, có thể nói hết tất cả nhận xét thật của mình vào nội dung đó.
Quy định là gì, hội đồng này do trường hay bộ quản lý thì tính sau, nhưng trong hội đồng đó, phải có ban nhận phản biện, tổng kết thành đánh giá chung.
Nên mời Việt kiều đánh giá...
-Tháo gỡ quyền lợi của quan bằng thay đổi quy chế, nhưng đó cũng chỉ là điều chỉnh ở khía cạnh văn bản. Ngoài ra, còn có những biện pháp nào nữa không?
-Trở lại cách làm ở nước ngoài cho dễ nhé. Ví dụ như, ông trưởng bộ môn sẽ quyết định gần như tất cả thành phần tham gia và do ông ở bộ môn rất sát, sát hơn mình nhiều. Những quyền đó hiện nay ở bộ môn vẫn chưa được nhiều.
Cái nữa là khi tất cả phương pháp giảng dạy của giảng viên đều được SV đánh giá sẽ góp phần quan trọng. Về mặt nội dung, đơn vị phải quản lý được giáo trình có đúng là nâng cao hơn giáo trình ĐH hay không.
Có một vấn đề hiện nay, tôi nghĩ là khá phổ biến, đó là các GS rất to nên thường không ai dám nói các vị. Có người bê nguyên xi nội dung ĐH lên dạy.
Quy chế hiện nay hay ở chỗ chỉ được lặp lại tối đa 10%, từ đó mở cho những người ở dưới quyền chủ động. Mà rõ ràng, hiểu rõ những cái này là bộ môn.
-Vậy năng lực của đơn vị đào tạo hiện tại liệu đã đảm đương được sự tự chủ và trách nhiệm xã hội, nói như tinh thần của đề án đổi mới giáo dục ĐH xác định hay chưa?
-Chuyện đó còn xa lắm. Nhưng bây giờ, ít nhất cũng có khung pháp lý, hành xử cái gì cũng có cái khung.
Giao quyền cho các trường thì các trường phải hội tụ các điều kiện. Mà điều kiện hiện nay nói về sau ĐH khó vô cùng. Vì trong một thời gian khá dài, quản lý khá lỏng lẻo. Tôi đề nghị, chúng ta nên có nghiên cứu để đánh giá lại một quá trình đào tạo sau ĐH. Cũng đã 30 năm còn gì. Nhưng đánh giá, thì không thể theo cái cách, chọn mấy ông ở mấy trường rồi xem xét được. Vì sẽ không khách quan. Còn mời chuyên gia nước ngoài, thì họ không thể khảo sát các luận án tiến sĩ bằng tiếng Việt được. Theo tôi, nên mời đội ngũ GS Việt kiều là tương đối khách quan nhất trong các đánh giá. Công việc này, làm khoảng 1 năm, dứt điểm và minh bạch. Từ đó, sẽ xác định được chiến lược đào tạo sau ĐH để bắt kịp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
-Xin cảm ơn ông!
-
Hạ Anh (thực hiện)
Theo dòng sự kiện:
Ý kiến của bạn: