(VietNamNet) - Bằng đẹp, kiến thức lệch; tạo cơ chế tự chủ cho trường học là cơ chế "siêu vật chất", nhưng vẫn cần phải đầu tư nhiều hơn...Đó là các ý kiến đưa ra tại hội nghị đào tạo sau ĐH diễn ra hôm nay tại Hà Nội.
Đến buổi sáng khi tham dự hội nghị, các đại biểu mới được phát các dự thảo quy chế đào tạo sau ĐH để tham khảo và đóng góp ý kiến (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Bằng đẹp, kiến thức lệch...
Các cơ sở đào tạo sau ĐH đang cấp cho người học tấm bằng công nhận trình độ cao nhưng chất lượng không cao, nhiều ý kiến đưa ra tại hội nghị.
Lý do dẫn đến tình trạng như vậy ở chỗ, Bộ Nội vụ có quyết định đẩy vấn đề chuẩn hóa cán bộ, chuẩn hóa bằng cấp lên quá cao; trong khi các cơ sở đảm bảo các điều kiện có nhu cầu đào tạo ít và không có những quy chuẩn về đào tạo chất lượng. "Cầu" đẩy lên cao dẫn đến các đơn vị bắt buộc phải thích ứng.
Với kinh nghiệm đào tạo sau ĐH được 16 khóa, đến nay, Học viện Kỹ thuật quân sự vẫn còn nhiều băn khoăn trong nâng chất lượng, GS.TS Phạm Thế Long bày tỏ. Ông dẫn dụ, xét lại toàn bộ chương trình đào tạo sau ĐH của Học viện cũng thấy nhiều bất cập. Đơn cử, có môn tìm mãi chỉ có một tài liệu tham khảo trong khi quy định tới 7 - 8 đầu tài liệu. Phải chăng đã có yêu cầu "ảo" vì có tài liệu, tìm đến thư viện Quốc gia cũng không có.
Dẫu vậy nhưng lại có mâu thuẫn trong kết quả bảo vệ luận văn, mà biểu hiện điển hình là rất ít luận văn cao học đạt dưới 9 điểm! Thống kê tại học viện, số học viên đạt điểm 7 luận văn đếm... trên đầu ngón tay. Phải chăng kết quả cao nhưng kiến thức không cao là do quan niệm "Học cao học nên điểm cao" dẫn đến rất khó đánh giá.
Đồng quan điểm với chất lượng "ảo" đặt ra tại nhiều cơ sở đào tạo SĐH, ông Minh đề xuất: Bộ nên thành lập các Hội đồng phản biện, trong đó tăng số phản biện kín để đảm bảo khách quan. Bên cạnh đó, cần quy định khung điểm đánh giá luận án. Ví dụ, mức trung bình (đạt 5 - 6 điểm); mức khá (đạt 7-8 điểm)...Tại mỗi khung điểm có yêu cầu cụ thể luận văn phải đạt với mức độ cụ thể.
Tiền đâu làm nghiên cứu?
Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Vũ Minh Giang cho rằng tích hợp nghiên cứu khoa học (NCKH) với đào tạo SĐH là giải pháp căn cơ đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng chất lượng đào tạo bậc học này. Thực chất, đào tạo sau ĐH chính là quá trình nghiên cứu. Do đó, cần phải thay đổi quan niệm hiện hữu ở các trường "dạy là chính, nghiên cứu là phụ".
Tuy nhiên, để thay đổi quan niệm không dễ vì phụ thuộc nhiều vào mức đầu tư. Để tích hợp dạy-nghiên cứu, cần thay đổi mức đầu tư NCKH cho các trường.
Đến như ĐHQG Hà Nội, tiền cấp hiện nay hiện nay là 76 triệu đồng/ năm cho NCKH (mức nhiều hơn các trường) nhưng cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng nên rất khó đảm bảo chất lượng, thậm chí, nhiều đề tài nghiên cứu rất vô bổ!
Với mức kinh phí đầu tư thấp, 60 triệu / năm - Học viện kỹ thuận quân sự cũng "rơi" vào tình trạng rất khó đặt vấn đề tổ chức nghiên cứu trong đào tạo sau ĐH, ông Long cho hay. Bởi vậy, khi đặt ra những quy định mới trong quy chế đào tạo SĐH tới đây Bộ nên bổ sung: ngoài kinh phí cấp cho học viên học cao học, cần yêu cầu người học ngoài học phí phải đóng thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo. Với mức hỗ trợ 4 triệu/năm cho 1 cao học không đủ để chi phí đào tạo, trong khi chất lượng đòi hỏi phải đạt chuẩn mực quốc tế.
Thừa nhận những bất cập về kinh phí nâng chất lượng đào tạo, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH (Bộ GD - ĐT) Trần Thị Hà cho biết, mức kinh phí Nhà nước đầu tư cho đào tạo thạc sĩ là 4 triệu / năm / người và từ 4,5 - 5 triệu / năm/ người cho đào tạo tiến sĩ được áp dụng từ năm 1994. Tính cả phần đóng góp với mức trần cao nhất học viên phải đóng cũng không đủ chi phí đào tạo. Vấn đề tăng đầu tư từ Nhà nước đã được đề xuất nhiều lần nhưng chưa có gì thay đổi...
Không muốn thay đổi?
Một số điểm mới trong dự thảo quy chế cũng "vấp" phải băn khoăn của nhiều đơn vị triển khai đào tạo sau ĐH.
Trưởng ban đào tạo sau ĐH (ĐHQG TP HCM) Nguyễn Hội Nghĩa dẫn dụ: trong quy chế đào tạo Thạc sĩ có đề cập về thời gian đào tạo từ 1 đến 2 năm. Đây là quy định rất "nổi bật", chắc rằng không đơn vị nào có thể đào tạo thạc sỹ trong thời gian 1 năm.
Thêm nữa, quy chế cũng đặt ra việc đào tạo theo học chế tín chỉ đối với bậc đào tạo Thạc sỹ là vấn đề rất khó vì ngay cả hệ ĐH đào tạo theo hình thức này cũng đang rất vất vả.
Hay như quy định "muốn xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ít nhất phải có 5 tiến sĩ thuộc chuyên ngành sâu..." ở cơ sở là vấn đề rất khó.
Đối với công tác tuyển sinh cũng cần có giải thích cho các cơ sở về việc phân bổ chỉ tiêu. Việc phân bổ cũng cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể, trong đó cần định hướng rõ việc đào tạo sau ĐH ở các trường ĐH nghiên cứu, ĐH vùng...
Nhiều ý kiến phàn nàn về quy định trình độ ngoại ngữ. Chẳng hạn, quy định thí sinh dự tuyển đào tạo tiến sĩ có trình độ tiếng Anh tối thiểu TOEFL 450 hoặc IELTS 5.0 - đó là quy định rất cảm tính, rất khó thực hiện cho thí sinh và ở các trường ĐH nhỏ.
Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP HCM Nguyễn Đông Phong đề xuất: dự thảo quy chế nên bỏ quy định học viên phải đảm bảo 80% thời gian lên lớp.
Đồng thời, bỏ quy định bảo vệ luận văn theo đợt, tiến tới cho phép các cơ sở đào tạo tổ chức bảo vệ luận văn theo nhiều đợt trong năm phù hợp với điều kiện thợi gian và thực tế của học viên.
Không ít ý kiến băn khoăn, trong một số điểm mới của Quy chế đào tạo Tiến sĩ, bộ cần làm rõ sự khác biệt giữa "Cơ sở được đào tạo tiến sĩ" và "Cơ sở được đào tạo và cấp bằng tiến sĩ"...
-
Kiều Oanh
Theo dòng sự kiện: