Và trên tất cả là những câu hỏi đặt ra về vai trò nền tảng của giáo dục đại học đối với tương lai của đất nước, về nhiệm vụ giáo dục và cơ cấu quản lý của đại học.
Chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều những kêu gọi đổi mới giáo dục đại học, những phê phán về tính không hiệu quả và sự không quan tâm đến quyền lựa chọn của SV trong hệ thống hiện tại. Thử xem xét hệ thống tín chỉ Mỹ; đánh giá tính khả thi trong việc vận dụng hệ thống tín chỉ Mỹ ở VN.
Nước Mỹ xem ra có một hệ thống giáo dục đại học tốt nhất trên thế giới. Theo những bảng xếp hạng đáng tin cậy nhất, 17/20 trường đại học tốt nhất thế giới là đại học Mỹ, còn trên bảng xếp hạng 50 thì nước Mỹ chiếm 35. Các trường đại học này đang sử dụng 70% những người đoạt giải Nobel, những người này chiếm 30% số lượng các bài nghiên cứu khoa học trong khoa học và kỹ thuật trên thế giới, và là tác giả của 44% những trích dẫn phổ biến nhất trên các bài nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới.
Đối với các nước đang phát triển như VN, đặc điểm ấn tượng nhất của giáo dục đại học Mỹ là họ đã duy trì được chất lượng xuất sắc như vậy với một số lượng SV lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Trong bối cảnh, VN và các nước đang phát triển khác, đang đối mặt với áp lực kép từ sự bùng nổ số lượng và yêu cầu về chất lượng, việc nghiên cứu hệ thống giáo dục đại học Mỹ là cần thiết. Trước mắt là nghiên cứu về một trong những nhân tố quản lý, đó là hệ thống phân chia/tích lũy học phần, hay còn được biết đến dưới tên gọi hệ thống đào tạo theo tín chỉ.
Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ
Nhìn bề ngoài, hệ thống tín chỉ Mỹ là một cơ cấu quản lý đơn giản để tính toán quá trình học tập của SV cho đến lúc tốt nghiệp, nhưng thật ra hệ thống tín chỉ là một công thức thủ tục làm biến đổi một cách cơ bản nhiệm vụ của trường đại học cũng như mối quan hệ giữa trường đại học và SV.
Hệ thống tín chỉ Mỹ chẳng hề là một hệ thống, trong thực tế nó được thực hiện dưới những hình thức hoàn toàn khác nhau ở những trường công và trường tư hàng đầu ở Mỹ. Tại sao như vậy? Đối với các nhà quan sát nước ngoài, một nhân tố bản chất của hệ thống giáo dục đại học Mỹ, đôi khi gây ngạc nhiên, là mức độ phi tập trung hóa rất cao.
Giáo dục đại học và cuộc cách mạng tri thức Trước đây không lâu, giáo dục đại học được dành cho những thành phần ưu tú của xã hội nhằm chuẩn bị cho họ trở thành thầy giáo, thành những nhà khoa học và quản lý xã hội. Điều này không còn đúng nữa. Trên toàn thế giới, tỉ lệ người học đại học đã tăng 75% trong thời gian từ 1991-2003. Riêng ở VN, con số này là 600% (*). Xưa nay, xã hội coi trọng giáo dục đại học do tác động sâu sắc của nó đối với sự phát triển trí tuệ của cá nhân cũng như của xã hội. Các nhà khoa học cho rằng sự mở rộng giáo dục đại học là kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế thế giới từ nền kinh tế công nghiệp chuyển thành nền kinh tế tri thức. Trong phần lớn thế kỷ 20, sức mạnh kinh tế của một quốc gia dựa trên đầu tư vào tư liệu sản xuất và cải tiến quá trình sản xuất. Nhưng ngày nay cải tiến kỹ thuật không còn bị giới hạn trong những máy móc nhập khẩu vốn dĩ có thể mua được dễ dàng trên thị trường, mà còn gắn với việc tiêu thụ hàng hóa. Những ngành xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới như sản xuất chất bán dẫn, máy tính, thiết bị truyền thông, dược phẩm có chi phí sản xuất không đáng kể so với chi phí và thời gian nghiên cứu để làm ra sản phẩm đó. Việc sản xuất những sản phẩm này trên thực tế có thể được đặt ở VN, nhưng công nghệ điện tử, sinh - hóa, và việc nghiên cứu lý thuyết để làm ra những sản phẩm đó, kể cả việc làm gia tăng giá trị thặng dư, thì được sáng tạo ở các trường đại học của các nước phát triển. Trường đại học là cỗ máy quan trọng nhất trong cuộc cách mạng tri thức |
Chẳng hạn, so với Anh, Pháp, Thụy Điển, VN và hầu hết những nước khác trên thế giới, nước Mỹ không có một cơ quan nhà nước ở cấp liên bang để giám sát giáo dục đại học.
Nhiều cơ quan liên bang có qui định dùng ngân sách bang cho những chính sách nhằm khích lệ các trường đại học theo đuổi những lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt, nhưng nhìn chung chính quyền liên bang không có vai trò gì trong việc xây dựng chương trình đào tạo cấp quốc gia, qui định học phí hay chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc can thiệp vào vấn đề nhân sự trong nội bộ các trường đại học.
Nhà nước không có vai trò gì đáng kể trong việc quyết định trường nào là được công nhận. Mặc dù ngân sách liên bang trợ cấp cho SV vay nợ và tài trợ cho việc nghiên cứu của đại học đều dựa trên điều kiện trường đó - kể cả trường công - phải được công nhận bởi một trong 19 tổ chức kiểm định có uy tín quốc gia, những tổ chức kiểm định này cũng không trực thuộc nhà nước; họ sử dụng các chuyên gia trong từng lĩnh vực để đánh giá các chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo chất lượng.
Tuy các tổ chức kiểm định này có liên quan đến chất lượng của việc giảng dạy, trình độ của giảng viên, và có lẽ cả khả năng được nhận tài trợ của các đại học, họ cũng không cản trở việc tổ chức hoặc can thiệp vào nội dung của chương trình đào tạo. Kết quả là sự phát triển hiện nay của hệ thống tín chỉ Mỹ được dắt dẫn bằng nhu cầu và tầm nhìn xa của từng trường đại học.
Ở Đại học John Hopkins chẳng hạn, không có chương trình nòng cốt, vì ngụ ý của nhà trường là “tin tưởng vào sự đa dạng và khoán cho SV làm việc với giáo sư hướng dẫn trong việc xây dựng những mối quan tâm về học thuật phù hợp nhất với lợi ích và năng lực của họ”.
Ở Đại học St.John‘s College, chương trình đào tạo là một môn liên ngành, tất cả là bắt buộc. Ở Đại học Colorado, năm học được chia thành tám học kỳ, mỗi học kỳ là ba tuần rưỡi, SV chọn một môn chính cho mỗi học kỳ. Môn nào cũng được cho là có tầm quan trọng ngang nhau.
Cách sử dụng hệ thống tín chỉ ở Đại học Harvard là một minh họa cho vấn đề mục đích giáo dục của nhà trường đã dắt dẫn hệ thống tín chỉ ở các đại học Mỹ như thế nào. Trong những năm cuối thế kỷ 19, Đại học Harvard đã chuyển từ hệ thống chương trình đào tạo được qui định cứng nhắc sang hệ thống gần như hoàn toàn tự chọn.
Hiện nay, quan niệm chính trong giáo dục đại học Mỹ là SV nên tự mình lựa chọn chuyên ngành, tự mình xác định lĩnh vực quan tâm chủ yếu, còn trường đại học thì cần cung cấp nền giáo dục tổng quát, tức là “một chương trình đào tạo nhằm mục đích phổ biến những kiến thức tổng quát và phát triển năng lực trí tuệ nói chung, hơn là nhằm vào những kiến thức kỹ thuật hoặc kỹ năng nghề nghiệp chuyên biệt”.
Các nhà khoa học và quản lý giáo dục biện minh cho giáo dục tổng quát trên cơ sở cho rằng kiến thức kỹ thuật được học trong các trường đại học chuyên ngành sẽ nhanh chóng thành ra lạc hậu. Do đó trường đại học có bổn phận khuyến khích SV phát triển sự linh hoạt của trí tuệ.
Trường đại học Harvard có một chương trình nòng cốt được coi là điều kiện bắt buộc đối với mọi SV để được công nhận tốt nghiệp. Triết lý về chương trình nòng cốt dựa trên niềm tin mọi SV tốt nghiệp Đại học Harvard cần đạt được kiến thức, kỹ năng trí tuệ, thói quen suy nghĩ, những thứ được coi là dấu hiệu nhận diện một người có giáo dục.
Chương trình nòng cốt không nhằm vào chiều rộng tri thức, như là số lượng các tác phẩm kinh điển mà họ nắm được, hay sự lĩnh hội được một khối lượng lớn thông tin chuyên ngành, mà nhằm vào việc giới thiệu với SV những con đường chủ yếu để tiếp cận tri thức trong những lĩnh vực được coi là không thể thiếu đối với giáo dục bậc đại học. Nó nhằm mục đích cho thấy có những loại tri thức nào và những câu hỏi nào đang tồn tại trong từng lĩnh vực cụ thể, có những phương tiện phân tích khác nhau như thế nào, được sử dụng như thế nào và có giá trị ra sao.
Chương trình nòng cốt này bao gồm năm nhóm bộ môn: văn học và nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu lịch sử, phân tích xã hội, các nền văn hóa nước ngoài, và lập luận đạo đức, được thiết kế đặc biệt như một khoa học liên ngành và liên thông giữa các khoa nhằm vào mục tiêu của giáo dục tổng quát. Đại học Harvard đã xây dựng chương trình nòng cốt dựa trên qui trình lãnh đạo của hiệu trưởng, các trưởng khoa và tham khảo ý kiến các giảng viên. TS Henry Rosovsky, nguyên trưởng khoa nghệ thuật và khoa học của Đại học Harvard, đã phát biểu quan điểm của ông về nội dung của giáo dục tổng quát:
- Một người có giáo dục phải có khả năng suy nghĩ và diễn đạt một cách rõ ràng và có hiệu quả.
- Cần được đào tạo để suy nghĩ một cách có phê phán.
- Cần có hiểu biết về những kiến thức phổ quát, về xã hội và về bản thân mình.
- Một người có giáo dục không thể không biết gì về những nền văn hóa khác và những thời đại khác...
- Một người có giáo dục cần có hiểu biết và từng trải qua những suy nghĩ về những vấn đề đạo đức và nguyên tắc xử thế.
Vượt qua thời gian, tầm nhìn này đã tạo thành nền tảng của chương trình đào tạo nòng cốt tại Đại học Harvard, với sự đóng góp của nhiều khoa và nhiều giảng viên nhằm xây dựng những nhóm chương trình và những bộ môn tự chọn như một nỗ lực tìm cách thể hiện quan niệm này trong thực tế.
(còn tiếp)
-
TS Eli Mazur và TS Phạm Thị Ly (Nguồn: Tuổi Trẻ)