(VietNamNet) - "Nếu chúng ta không bị một thời rất dài, ảo tưởng rằng có thể xây dựng cái mới không cần kế thừa cái cũ, thì chắc chắn nền ĐH của chúng ta, trong đó có chính ĐHQG Hà Nội, đã có những thành tựu khả quan hơn, nói cách khác là bớt phần bức xúc hơn cái thực tiễn tụt hậu mà chúng ta đang đối diện trong cuộc phấn đấu để đạt tới một trình độ theo kịp với khu vực, điều hơn 6 thập kỷ trở về trước nền ĐH Đông Dương đã đạt tới".
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc lại bài học thấm thía về tính kế thừa và biết sử dụng hiền tài nhân câu chuyện ĐH Đông Dương trăm tuổi.
Đã có một thời rất dài, chúng ta luôn tự cho chế độ mới là một cái gì khác hoàn toàn về bản chất so với các chế độ cũ từng tồn tại trước đó trong lịch sử.
Do vậy, ta ít quan niệm về sự kế thừa. Chúng ta đã từng ấu trĩ khước từ cả một kho tàng di sản của quá khứ khi gán cho nó cái bản chất giai cấp xấu xa của chế độ phong kiến và thực dân. Đó là thời kỳ ta bỏ hoang phế đình chùa, làm mai một biết bao sách vở, chữ nghĩa, làm thui chột những lớp trí thức được đào tạo ở các chế độ cũ v.v...
Do vậy mà nhất nhất ta coi cái mốc nước nhà giành được độc lập về mặt chính trị năm 1945 là sự khởi đầu của tất cả sự nghiệp xây dựng chế độ mới.
Về câu chữ, để tách biệt dứt khoát với cái cũ, ta gắn thêm hai chữ “cách mạng”. Ví như “nền thể dục thể thao cách mạng” để không đề cập tới đời sống thể dục thể thao trước năm 1945 và những vùng không thuộc chế độ cách mạng quản lý; cũng như vậy với nền âm nhạc, nghệ thuật và cả ở lĩnh vực kinh tế và xã hội nữa... ..
Được biết rằng để chọn cái mốc thành lập của ĐHQG Hà Nội, những người có trách nhiệm cũng bàn soạn chán để tìm cho được những tiêu chí lựa chọn ngày khai sinh của mình.
Lấy cái mốc khai giảng khoá ĐH đầu tiên sau ngày nước nhà độc lập (1945) cũng có cái lý của nó khi gắn với sự xuất hiện lần đầu tiên cái tên “ĐHQG Việt Nam” trong thiết chế giáo dục của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời và từ bỏ cái di sản “ĐH Đông Dương” có 40 năm gắn với một nhà nước thuộc địa.
Và ta nhớ lại rằng, một trong những nội dung thể hiện tinh thần tự chủ về văn hoá của chúng ta khi đó là giảng dạy ĐH bằng quốc ngữ. Vào thời điểm ấy, đó là một thành tựu vừa thể hiện ý chí, vừa thể hiện năng lực của lớp giáo sư đầu tiên của nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập.
Chúng tôi là những lớp SV của nhà trường thế hệ lớn lên cùng “mái trường xã hội chủ nghĩa” và học ĐH trên những vùng sơ tán góp phần “chống Mỹ cứu nước” chẳng mấy ai nghĩ đến cái căn cước của nhà trường của mình có dây mơ rễ má gì với cái trường thời thuộc địa.
Nay, ở vào thời điểm chúng ta đang bước vào cuộc hội nhập lớn với thế giới ở đầu thế kỷ XXI này dường như cũng đổi mới luôn cả cái tư duy về gốc gác. Đầu tiên chưa phải là Trường ĐHQG Hà Nội mà là Trường ĐH Y khoa Hà Nội. Tôi nhớ khi đó nhà trường cũng đang tính việc kỷ niệm ngày truyền thống cũng là xác định ngày thành lập nhà trường. Bác sĩ Tôn Thất Bách có nhiều lần trao đổi với tôi về những tiêu chí theo kinh nghiệm của sử học...
Cuối cùng, điều quan trọng nhất trong sự lựa chọn này không phải là những vấn đề về phương pháp luận khoa học hay những quan điểm lập trường về chính trị. Mà là cái tên của một con người. Đó là bác sĩ Yersin, một nhà bác học tiếng tăm người Pháp nhưng cũng là của toàn nhân loại. Chính bác sĩ đã là người tham gia sáng lập và đứng đầu Trường CĐ Y khoa Đông Dương (Ecole de Médecine de l’ Indochine), khi xưa gọi nôm là Trường Thuốc thành lập năm 1904. Phải 9 năm sau (1913), trường này mới được nâng lên thành hệ ĐH với mục tiêu đào tạo cả Y và Dược học (Médecine et Pharmacie) và đương nhiên nó trở thành một bộ phận của ĐH Đông Dương đã được khai sinh từ ngày 16/5/1906, cũng lại do Yersin làm hiệu trưởng.
Tôi nhớ mãi ý kiến của anh Bách nói rằng trong thảo luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau và nhiều người cứ theo nếp nghĩ đơn giản là nhà trường của ta thì không thể lẫn với nhà trường của Tây được, giữa nền giáo dục thuộc địa với nền giáo dục độc lập không thể chung đụng được.
Nhưng khi nhắc đến bác sĩ Yersin thì chẳng ai có ý niệm về ta hay Tây, thực dân hay cách mạng mà chỉ thấy một giá trị hàng đầu là khoa học và nhân loại. Vì thế, bác sĩ Tôn Thất Bách cho biết nhà trường đã đi đến quyết định lấy cái mốc trăm năm để định vị cho sự ra đời của ĐH Y khoa Hà Nội tính từ ngôi trường ra đời trong chế độ thuộc địa.
Vào những năm ấy, giới doanh nhân mới bắt đầu làm quen với hai chữ “thương hiệu”. Anh Bách đưa ra quan điểm, nhà trường cũng cần đến thương hiệu chứ. Với bề dày thế kỷ và chân dung người hiệu trưởng đầu tiên Yersin, rõ ràng nhà trường có được vị thế lịch sử đối với cộng đồng các ĐH cùng ngành trong khu vực và chừng mực nào với thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là phấn đấu cho xứng với cái” thương hiệu” đó mà thôi. Nhà trường kỷ niệm trăm năm, anh Bách tặng tôi được cuốn sách về lịch sử nhà trường được không lâu thì anh mất.
Đọc cuốn sách lịch sử ĐH Y khoa mà anh Bách tham gia chỉ đạo biên soạn, đến những trang lịch sử của công cuộc cách mạng và xây dựng nhà trường của chế độ mới, người ta nhắc nhiều đến những tên tuổi của thế hệ các giáo sư Việt Nam đầu tiên như Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ v.v... và đều biết rằng đó là những con người được đào tạo trong nhà trường của chế độ cũ.
Chứng kiến kỷ niệm 100 năm ĐHQG Hà Nội với tấm Huân chương Sao Vàng mới được tặng thưởng, thấy sự tôn vinh dành cho tên tuổi những thế hệ đầu tiên như Vũ Đình Hoè, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguỵ Như Kon Tum, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Phan Chánh... đều là những người được đào tạo từ chế độ cũ. Chỉ có điều là tất cả những tên tuổi này đều được tập hợp bởi một nhà lãnh đạo biết sử dụng hiền tài: Hồ Chí Minh.
100 năm so với 60 năm là hai con số những của một quá trình có sự kế thừa. Nếu không có 4 thập kỷ của ĐH Đông Dương (1906-1945) thì liệu có lớp trí thức Việt Nam, tinh hoa không chỉ trên lĩnh vực văn hoá khoa học mà còn biết xả thân vì nghĩa lớn cả trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và phấn đấu cho sự phát triển của dân tộc? Nói cách khác là liệu có một ĐHQG Việt Nam như ngày hôm nay hay không?
Và nếu chúng ta không bị một thời rất dài, ảo tưởng rằng có thể xây dựng cái mới không cần kế thừa cái cũ, thì chắc chắn nền ĐH của chúng ta, trong đó có chính ĐHQG Hà Nội, đã có những thành tựu khả quan hơn, nói cách khác là bớt phần bức xúc hơn cái thực tiễn tụt hậu mà chúng ta đang đối diện trong cuộc phấn đấu để đạt tới một trình độ theo kịp với khu vực, điều hơn 6 thập kỷ trở về trước nền ĐH Đông Dương đã đạt tới.
Kỷ niệm 100 năm, đó là một bài học thấm thía về tính kế thừa và biết sử dụng hiền tài.
-
Dương Trung Quốc