Những cái chết vì lý do tưởng như "lãng xẹt" hoặc không đáng có, thậm chí tự tử theo "dây chuyền" của thanh, thiếu niên...ở các nước châu Á thời gian gần đây đã khiến Chính phủ một số nước mở "cuộc chiến chống tự tử".
>>Trẻ "tự tử tập thể": Bỏ ngỏ kỹ năng sống?
Số liệu của cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho thấy việc HS tiểu học và THCS tự tử là một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở nước này.
Năm 2004, tỷ lệ tự tử ở nhóm này tăng 57,6%. Còn tỷ lệ tự tử ở HS THPT tăng 29,3%. Số vụ SV ĐH tự tử cũng đang tăng, tỷ lệ tự tử ở nhóm người 19 tuổi hoặc ít hơn tăng 22%.
Còn tại Hàn Quốc (HQ), trong năm 2004, cứ 100.000 người thì có 22,8 người tự tử. Tỷ lệ trẻ mới lớn (12 - 19 tuổi) có ý định tự tử là 23,6%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế Trung Quốc (TQ), tự tử là nguyên nhân phổ biến thứ 5 dẫn đến những ca tử vong trên toàn quốc, trong đó những người tự vẫn chủ yếu ở độ tuổi 20 - 35.
Ở Mỹ, tính trên toàn quốc, khoảng 8,5% HS THPT đã từng định tự tử, tỷ lệ này ở bang Idaho còn cao hơn (8,9%).
Căng thẳng thi cử và "chấn thương" tình cảm
Theo điều tra cuối năm 2005 với 1.278 người từ 15 - 20 tuổi sống ở Bangkok (TL) và các tỉnh lân cận, 16,74% cho biết, họ suy nghĩ về việc tự tử sau khi bị stress. Trong đó, stress số 1 là những vấn đề về quan hệ, rồi đến chuyện học hành, làm việc quá tải hoặc thất nghiệp, những vấn đề về gia đình và bận tâm về tài chính.
Ở TQ, cuộc đua khắc nghiệt vào các trường hợp danh tiếng đã dẫn đến bi kịch cho các HS. Ví dụ điển hình là Trương Thêu Thêu, một nữ sinh 13 tuổi ở khu tự trị Ninh Hạ Hồi, Tây Bắc TQ đã uống thuốc trừ sâu tự vẫn hôm 10/07/2005 do không đủ điểm vào trường học mà em đã chọn.
Vào mùa thi kiểm tra khả năng học vấn đại học (CSAT) năm 2004 ở HQ, nhiều HS không chịu nổi sự căng thẳng đã tự tử.
Ngày 19/04/2002, Hwang, 15 tuổi, lớp 7 ở thành phố Masan (HQ) đã nhảy qua cửa sổ căn hộ trong tòa nhà 18 tầng. Bố Hwang nói rằng cậu tự tử là do bị bắt nạt tại trường. Cậu bé đã để lại bức thư dài 2 trang A4 viết bằng bút chì |
Theo một điều tra của trung tâm Y tế quận Songpa (Đông Nam Seoul, HQ) tiến hành cuối năm 2005 với 4.150 HS tiểu học, THCS và THPT, 63,8% thanh thiếu niên đã nghĩ đến chuyện tự tử do cảm giác thất bại. Đặc biệt, 4% HS được hỏi cho biết hầu như hàng ngày các em đều nghĩ đến việc tự tử.
Cuối tháng 5/2005, một nữ sinh 16 tuổi ở Modinagar (Ấn Độ) đã uống thuốc độc tự tử sau khi được một người quen thông báo sai kết quả thi trên mạng Internet là cô đã thi trượt. Nhưng thực chất là cô bé đã thi đỗ.
Còn theo một điều tra mới đây với 1,079 thí sinh thi ĐH năm nay ở Thái Lan (TL), gần 70% cho biết hệ thống tuyển sinh mới gây áp lực cho họ, gần 2% sẽ định tự tử nếu bị trượt nguyện vọng 1. Nguyên nhân chính là vì họ không có ai an ủi khi thi trượt.
Một lý do khác ngoài áp lực thi cử, đó là những "chấn thương" tình cảm.
Trong cuộc điều tra mới nhất kéo dài 6 tháng do ĐH Abac (Thái Lan) tiến hành với 1.159 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 -18, các chuyên gia phát hiện thấy chính cuộc sống tình cảm bế tắc và áp lực học tập đã khiến 3,5% số trẻ được hỏi từng có ý định tự tử, 15,6% thử uống rượu và 33,4% thường xuyên nói dối phụ huynh.
Điều mong muốn lớn nhất của giới trẻ là tình yêu và sự cổ vũ từ bố mẹ. Có tới hơn 39,5% số em được hỏi nói rằng chúng muốn được bố mẹ chú ý, quan tâm nhiều hơn. Trong mắt giới trẻ Thái Lan ngày nay, cuộc sống hôn nhân và gia đình không còn hấp dẫn và nguyên vẹn ý nghĩa nữa. Cứ 3 em thì có 1 em cảm thấy cha mẹ chúng chẳng hề yêu thương nhau và cuộc hôn nhân chỉ là hình thức.
Theo một hội nghị ngăn ngừa tự tử ở châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tháng 3 vừa qua, ở Singapore, tự tử ở giới trẻ đã trở thành vấn đề đặc biệt. Thông thường, giới trẻ nước này tự tử là do những đau khổ trong quan hệ như tình yêu không được đáp lại hoặc áp lực học hành. Hiện nay, tự tử là một nguy cơ y tế công cộng quan trọng ở Singapore: trung bình mỗi ngày có 1 người dân tự tử.
Tự tử có thể lan truyền?
Một tiếng chuông báo động đã gióng lên ở TQ khi chỉ trong chưa đầy 2 tuần mà tại trường ĐH Nông nghiệp ở Quảng Châu đã xảy ra 4 vụ tự tử. Các vụ này không liên quan gì đến nhau. Song theo một chuyên gia tư vấn tâm lý ở TQ, tự tử có thể lây nhiễm. Sau khi một người tự tử, những người khác có những nỗi bực mình cũng có thể tự tử sau đó.
Tại HQ, vụ treo cổ tự tử của diễn viên Lee Eun-ju vào ngày 22/02/2005 đã làm khuấy lên cơn sốt tự tử theo nhau.
Văn phòng Công tố Trung tâm Seoul cho biết qua phân tích những ca tử vong ở 7 quận ở Seoul từ đầu năm 2005 đến 17/03/2005 cho thấy trong giai đoạn 23 ngày sau khi Lee tự tử, mỗi ngày có 2,13 vụ tự tử. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 53 ngày trước khi Lee quyên sinh. Sau cái chết của Lee, 80% các ca tự tử là do treo cổ.
Các chuyên gia TL cho rằng những người trẻ tự tử đã bị ảnh hưởng lớn bởi những người lớn tự tử. Ngoài ra, áp lực và cạnh tranh trong học hành, việc làm cũng có thể là những nguyên nhân khiến giới trẻ tự tử.
"Cuộc chiến chống tự tử"
Giao diện trang web spunout.ie giúp ngăn chặn những thanh thiếu niên có ý định tự tử |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa tự tử là sự hỗ trợ của xã hội và gia đình cho những đối tượng gặp khủng hoảng.
Theo điều tra với 1.278 người từ 15 - 20 tuổi sống ở Bangkok (TL) và các tỉnh lân cận, những người được hỏi cho biết tình yêu và sự thông cảm của gia đình là yếu tố đầu tiên giúp họ giải tỏa stress - yếu tố dẫn đến ý định tự tử.
Tiếp đó là việc được người thân quan tâm chú ý. Một yếu tố nữa là người lớn đừng hy vọng ở họ quá nhiều và đừng gây áp lực cho họ hoặc khuyên nhủ họ. Những trẻ mới lớn cho biết người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc ngăn họ suy nghĩ về ý định tự tử là mẹ các em, sau đó là người yêu, bố, bạn bè và giáo viên.
Chán nản, phiền muộn được cho là nguyên nhân hàng đầu gây tự tử ở HQ (80% ca tự tử). Do vậy, trong kế hoạch 5 năm nhằm giảm các vụ tự tử thông qua các dự án ngăn ngừa phiền muộn, vào tháng 10/2004, Chính phủ nước này đã công bố "cuộc chiến chống tự tử".
Vào cuối tháng 1 năm nay, Bộ Y tế và Phúc lợi HQ thông báo sẽ thực hiện các chương trình chống phiền muộn mới để ngăn chặn số lượng các vụ tự tử đang tăng lên ở nước này. Bộ sẽ tập trung vào các biện pháp tư vấn và điều trị chứng phiền muộn. Bộ Y tế HQ sẽ cung cấp chương trình tư vấn cho những trẻ có nguy cơ cao bị chứng phiền muộn, đặc biệt là các em trước đó đã định tự vẫn hoặc những em mà bố mẹ đã ly dị.
Chính phủ HQ sẽ xử lý những đối tượng cung cấp các biện pháp tự tử trên mạng Internet cũng như những người bán thuốc ngủ và thuốc độc. Đồng thời, chính phủ sẽ đẩy mạnh điều trị sức khoẻ tâm thần cho những người có ý định tự tử và cấp chi phí điều trị cho những người có nhu cập thấp.
Còn ở TQ, nơi tự tử là nguyên nhân số 1 gây tử vong ở những người từ 15 - 34 tuổi, vào cuối năm 2002, trung tâm ngăn ngừa tự tử đầu tiên đã được khai trương. Thông qua tư vấn và can thiệp khủng hoảng, trung tâm muốn ngăn chặn sự tăng vọt của các ca tự tử ở TQ.
Đầu tháng 3, trường ĐH Nông nghiệp Nam Trung Quốc ở Quảng Châu nơi xảy ra 4 vụ tự tử trong chưa đến 2 tuần đã tổ chức hội thảo đầu tiên về sức khoẻ tâm thần cho SV tốt nghiệp để dạy họ cách đối mặt trước những áp lực và căng thẳng. Trường cũng sẽ tuyển thêm giáo viên tâm lý và 200 tư vấn viên để giúp SV chiến đấu với tình trạng thất vọng, chán nản.
Trong nỗ lực ngăn ngừa tự tử ở giới trẻ, tháng 3 vừa rồi, Ireland đã khai trương trang web www.spunout.ie để giúp ngăn chặn những thanh thiếu niên có ý định tự tử. Điều đặc biệt là trang web này do chính thanh niên quản lý. Hiện nay tại Ireland có khoảng 11.000 người tìm cách tự tử mỗi năm, và Spunout.ie chính là nơi cung cấp lời khuyên cho những đối tượng này.
Được diễn đàn ngăn ngừa tự tử của Ireland đánh giá là một dịch vụ hữu hiệu đối với những người trẻ tuổi bị trầm cảm, trang web Spunout.ie cung cấp những lời khuyên thiết thực cho những thanh thiếu niên chán sống kèm theo số điện thoại đường dây nóng mà họ có thể gọi đến để được tư vấn.
-
Thương Vũ (Tổng hợp)