221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
806366
"Chấm điểm" đề thi "Trái tim có điều kỳ diệu"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
'Chấm điểm' đề thi 'Trái tim có điều kỳ diệu'
,

(VietNamNet) - Chấm điểm như thế nào với đề văn "mở" và đáp án cũng "mở" như một câu trong đề thi môn Văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Ninh Thuận (đề bài "Trái tim có điều kỳ diệu, chấm hết"). VietNamNet đã mang "đề bài" này tới các thầy cô giáo dạy văn trong trường phổ thông.

 

>>Tiến sĩ văn học Đỗ Ngọc Thống: Đề "mở": Rất khuyến khích!

 

>>Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận: "Có một chút cải cách nằm trong sự cho phép thì lại bỡ ngỡ"

 

 Cô Trịnh Thu Tuyết (Giáo viên dạy Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội): Đề đánh đố, thiếu định hướng cụ thể 

 

Cô Trịnh Thu Tuyết

Theo tôi, đây là một đề bài khá “đặc biệt”, nhất là trong một kỳ thi tuyển sinh lớp 10 dành cho HS đại trà. Những phản ứng trái chiều từ phía giáo viên, phụ huynh và thí sinh âu cũng là điều dễ hiểu.

 

Qủa thật trong chưng trình cải cách giáo dục, để tạo một khong sân rộng rãi cho trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của học trò, trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 và lớp 9 có một số đề bài mang tính chất gợi ý để giáo viên lựa chọn, trong số đó, cũng vì tính chất gợi ý, có những đề tồn tại ở dạng “không mệnh lệnh” – nghĩa là không có những yêu cầu trực tiếp, cụ thể mang tính xác định cho HS về nội dung và phương pháp.

 

Ví dụ: 

 

a.Cây lúa Việt Nam (Trang 42 – Ngữ văn 9 – tập I)

b.Người ấy sống mãi trong lòng tôi (Trang 37 – Ngữ văn 8 – tập I)

c.Bài thơ “Tức cảnh Pắc Bó” của Hồ Chí Minh (Trang 99 – Ngữ văn 9 – tập II).

 

Tuy nhiên, ngay trong những đề bài rất hàm súc và rất “mở” ấy, vẫn luôn hàm chứa những định hướng.

 

Ví dụ: Đề a là yêu cầu thuyết minh về “cây lúa Việt Nam”; Đề b thuộc thể loại tự sự, hướng học trò tới yêu cầu kể về những kỷ niệm về một “người sống mãi trong lòng tôi”; Đề c thể hiện yêu cầu nghị luận về một tác phẩm văn học, nghĩa là học trò phải trình bày cảm nhận của mình về những giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ “Tức cảnh Pắc Bó”…

 

Về hình thức, đề bài “Trái tim có điều kỳ diệu” có thể coi là không vi phạm nguyên tắc ra đề theo hướng đổi mới.

 

Song, bản thân việc gây sốc cho thí sinh đã cho thấy sự bất ổn trong bản chất của đề bài: nội dung đề mơ hồ, hầu như chưa hàm chứa những định hướng về nội dung kiến thức hay phương pháp làm bài, thậm chí chưa có tính khu biệt về thể loại. Thí sinh có thể đồng thời nghĩ tới nhiều hướng làm bài: thuyết minh về “trái tim” theo nghĩa đen; nghị luận về hình tượng “trái tim” theo nghĩa bóng; hoặc tự sự theo cách kể về những kỷ niệm sâu sắc liên quan tới hình tượng nghệ thuật ấy…

 

Theo tôi, tính chất “mở” của đề bài được thể hiện ở sự phát huy khả năng sáng tạo cho học trò trong một định hướng nhất định về nội dung và phương pháp chứ không phải đẩy thí sinh vào tình huống hoang mang trước một đề bài mơ hồ muốn hiểu theo cách nào cũng được. Vậy thì, đây không phải đề bài “hay nhưng khó” mà là một kiểu đánh đố thí sinh.

 

Và thiết nghĩ, nếu yêu cầu có những tiêu chí cụ thể để chấm bài của thí sinh trong đề văn này, có lẽ, cũng là một sự đánh đố!  

 

Ông Nguyễn Thành Kỳ, Chánh Văn phòng, Sở GD-ĐT Hà Nội: Nên xuất hiện thêm nhiều đề như thế này

 

Ông Nguyễn Thanh Kỳ

Tôi không nghĩ đây là đề đánh đố, vì loại đề "không mệnh lệnh" học sinh đã được học trong chương trình.

 

Trong chương trình lớp 9, có những phần tạo điều kiện cho HS tự nói suy nghĩ của mình xung quanh một vấn đề. Tức là, có những đề Văn không ấn định trước một nội dung cụ thể mà chỉ nêu đề tài cho HS trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của mình.

 

Trong trường hợp đề thi tuyển sinh lớp 10 ở Ninh Thuận, theo thông tin trên báo, tôi thấy Sở GD - ĐT Ninh Thuận chủ trương ra 2 loại đề. Tôi chưa xem đề một nên không dám kết luận, nhưng đoán, có thể ra 2 loại đề để HS tự chọn. Em nào muốn an toàn thì chọn loại đề quen thuộc, em nào đủ tự tin thì chọn đề mới mẻ.

 

Xét trong tình hình đó, tôi nghĩ, không nên cho rằng đề này quá đặc biệt. Đi sâu hơn vào đề thi này. Một đề thi tuyển, theo quan niệm của tôi, cần đáp ứng 2 tiêu chí: Thứ nhất, tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức đã học. Đề này làm được một phần việc đó. Thứ hai, phát huy được bản thể cá nhân, chủ kiến của học trò khi bàn luận vấn đề.

 

Đề thi này làm được cả 2 yêu cầu đó. Tuy nhiên, cũng có một e ngại. Đề này, hàm nghĩa của nó hơi rộng, dẫn đến cảm giác là đề hơi cao so với HS lớp 9.

 

Mặt khác, là một người ít nhiều có kinh nghiệm chuyên môn, tôi thấy, với đề đó, việc có một bảng đáp án hợp lý để chấm điểm một cách xác đáng, thuyết phục là hơi khó khăn. Vì đáp án không thể rạch ròi như đề thông thường, vì khó có một cái chuẩn nào để áp dụng.

 

Tuy nhiên, theo cách nghĩ của tôi, có một số tiêu chí như: HS phải hiểu được cái ý mà đề bài đặt ra và hàm nghĩa của đề đó. Ngoài ra, HS phải thể hiện được suy nghĩ của mình về đề đó, đồng thời thuyết phục người nghe về suy nghĩ của mình.

 

Cuối cùng, tôi thấy ra đề kiểu này hay. Sở dĩ hay vì không áp đặt HS. Một đề thi tuyển thi yêu cầu phân hoá là rất cao. Cố gắng làm sao để càng phân hoá được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Phân hoá phải có chuẩn, định lượng như thế sẽ tốt hơn.

 

Nên để kiểu đề ấy xuất hiện càng nhiều hơn càng tốt.

Thầy Đoàn Châu Hưng, giáo viên lớp Văn trường THCS Lê Lợi (Biên Hòa, Đồng Nai): Giáo viên phải cập nhật cái mới

Một đề văn thông thường, theo truyền thống thì có hai phần: nêu tác phẩm và nêu yêu cầu. Nhưng theo chương trình mới, có những loại đề không nêu yêu cầu, không bắt HS phải làm gì cả. Tuy nhiên, trong quá trình học, HS đã được dạy để hiểu ngầm rằng đây là một dạng đề nghị luận.

Trong chương trình mới, có phần giảng dạy như thế, giáo viên phải giúp HS hiểu, biết những kỹ năng phân tích để làm bài với những dạng đề thế này. Ví dụ có đề "Hình ảnh người phụ nữ trong văn thơ cổ" hay như đề của Ninh Thuận vừa rồi "Trái tim có điều kỳ diệu".

 Nhìn bề mặt ngôn từ thì không biết mình sẽ làm gì, nhưng trong quá trình học, HS đã cảm nhận được cách làm những dạng đề này. Các em có thể lấy kiến thức từ cuộc sống, nhưng cũng có khá nhiều tác phẩm văn học để dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện nay giáo viên mới chỉ lướt qua những dạng đề thế này chứ chưa đi sâu vào việc cung cấp cho HS những kỹ năng để giải quyết dạng đề mới này. Thậm chí, có nhiều giáo viên dạy văn, cũng không dám dạy cho con mình loại hình này.

Với dạng đề này, chỉ phù hợp với những HS thực sự khá, giỏi, nắm vững kiến thức, có tư duy và biết tổng quát vấn đề. Và thường là dành cho các kỳ thi tuyển, thi quốc gia. Nếu Sở GD - ĐT Ninh Thuận có ý đồ phân loại HS thì đây là một đề hay. Nhưng với những HS bình thường thì không thể làm bài được. Và với phụ huynh thì càng bỡ ngỡ hơn.

Những dạng đề thế này, người chấm bài cũng phải là những giáo viên giỏi. Giáo viên sẽ chấm bài theo cách linh hoạt, như kiểu chấm các giải quốc gia vậy. Họ biết cách để đánh giá được những sáng tạo của HS và biết được đâu là ý tưởng được đánh giá cao.

Kiểu đề mới này, buộc giáo viên phải thường xuyên cập nhật những cái mới. Nếu giáo viên nào không đi tập huấn trong thời gian hè thì không thể dạy tốt chương trình này.

  • Thực hiện: Hoàng Lê - Đoan Trúc 

Ý kiến của bạn:

 

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,