221
482
Diễn đàn
diendan
/giaoduc/diendan/
809650
Gặp gỡ "giám thị tố cáo giám thị"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
Gặp gỡ 'giám thị tố cáo giám thị'
,

(VietNamNet) – “Có thể năm nay, nhiều HS của Hà Tây không tốt nghiệp. Nhưng, các em hãy chịu thiệt một chút, mất một năm để củng cố kiến thức năm sau thi lại. Đối với ngành giáo dục, phải nhìn nhận: Không thể để hỏng các thế hệ tiếp theo được nữa, mặc dù thời gian chấn chỉnh có thể mất chục năm hoặc lâu hơn".

Giám thị "tố cáo giám thị" Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây bày tỏ khi trao đổi với VietNamNet tại nhà riêng tối qua (20/6).

"Bắt" không xuể!

Ông Đỗ Việt Khoa: 'Tôi nghĩ là phải có thời gian để mọi người nhìn lại mình xem công tác đi coi thi như thế nào, đã làm đúng nhiệm vụ chưa?". Ảnh: Nguyên Nhung

Ông Khoa cho hay, lúc đầu, không chủ định tố cáo những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2005 tại hội đồng thi trường THPT Phú Xuyên A, tỉnh Hà Tây (ông Khoa đã phản ánh và cung cấp bằng chứng cho Bộ GD-ĐT về việc thu nhận tiền "bồi dưỡng" cho thi tốt nghiệp và hiện tượng gian lận thi cử). Nhưng qua 2 ngày thi, càng thấy ghê gớm. Trước đó, ông cũng đã "bắt" khá nhiều và thu được tài liệu mà bên ngoài photo bài giải đưa vào.

- Bản thân ông đã lập biên bản trường hợp vi phạm nào chưa?

Tôi chưa lập biên bản thí sinh nào. Mặc dù, ở trên có nói đây là việc làm vi phạm quy chế cũng đúng. Nhưng cảnh thí sinh quay cóp tràn lan, không lập biên bản xuể. Tôi xin nói là không ai lập xuể, vì hầu như thí sinh đều sử dụng tài liệu photo, sách giáo khoa hoặc tài liệu photo thu nhỏ…

Bức xúc quá, tối 1/6 đích thân tôi đã gọi điện cho Thứ trưởng Bành Tiến Long và nhận được động viên của Thứ trưởng. Nhờ có động viên đó mà tinh thần chống tiêu cực trong tôi càng quyết liệt hơn. Chứ cá nhân tôi ban đầu cũng e dè lắm.

- Hội đồng thi Phú Xuyên A hay tin “bị tố cáo” khi nào? 

Ông Đỗ Việt Khoa, sinh năm 1968, quê Hà Tây.

Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Địa khoá học 1986-1992.

Tốt nghiệp ĐH Khoa học-Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chuyên ngành Toán Tin, khoá học 1996-1999.

Chính thức chuyển sang công tác ngành giáo dục sau 2 năm tốt nghiệp ngành Địa.

Từ năm 1994-1999 dạy tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên (Hà Tây)

Từ năm 1999 đến nay, công tác tại trường THPT Vân Tảo.

Trong buổi thi môn Toán và môn Ngoại ngữ ngày 2/6, có 2 giáo viên của trường THPT Vân Tảo cùng coi thi đã biết.

Còn Chủ tịch Hội đồng và kể cả thanh tra, tôi thực sự giấu và chỉ báo cho Thứ trưởng biết ngay sau ngày thi thứ 2 kết thúc.

Hiện tôi có trong tay một số cảnh quay cóp, tiếp tay cho tiêu cực ngay trong khu vực thi. Tuy nhiên, tư liệu cũng chỉ hạn chế thôi vì không phải là “thợ quay” chuyên nghiệp.

Hơn nữa, phương tiện không đủ và chất lượng quay cũng xấu nên chưa toàn cảnh lắm nhưng cũng đủ để mọi người nhìn thấy cảnh lộn xộn diễn ra trong thời gian thi.

Cũng rất may, buổi thi môn Toán tôi là giám thị biên cho nên mới chủ động làm được như vậy.

-Hẳn là ông gặp nhiều phiền toái từ khi tố cáo tiêu cực?

Từ đó đến nay, tôi chưa có áp lực nào cả. Cũng chưa đồng nghiệp nào nói chuyện với tôi về chuyện này…

- Thế còn phụ huynh học sinh?

Phụ huynh học sinh cũng chưa ai nói gì. Ngoài một học sinh nhắn vào nick chat của tôi ý là chửi tôi vì có thể làm cho nó trượt tốt nghiệp. Và chỉ có một học sinh duy nhất. Có thể nói, học sinh này rất láo. Và tôi tin chỉ có 1 học sinh cá biệt, còn đa số học sinh rất tốt.

"Tôi muốn mọi người nhìn lại mình..."

- Quyết định tố giác của ông là nhất thời khi thấy những cảnh chướng tai gai mắt?

Thực ra, cũng có ý kiến cho rằng không thể nói  là lỗi của cá nhân hay tập thể cụ thể được vì tình trạng gian lận thi cử là nếp chung của ngành giáo dục mất rồi.

Tôi không đồng ý lắm và nghĩ là phải có thời gian để mọi người nhìn lại mình xem công tác đi coi thi như thế nào, đã làm đúng nhiệm vụ chưa?

Một số người có hỏi tôi là cũng có kinh nghiệm và thâm niên trong ngành rồi mà sao bây giờ mới lên tiếng?

Câu trả lời rằng, đúng là tôi có thâm niên trong ngành nhưng mấy năm trước, một mình tôi làm không nổi. Tôi thiếu phương tiện thiết bị, thiếu phương tiện, thiếu vị trí, chỗ đứng của mình trong xã hội. Hơn nữa, niềm tin trong tôi lúc đó chưa có.

Năm trước, vì bức xúc tôi cũng đã gọi điện cho anh bạn là phóng viên yêu cầu hỗ trợ phương tiện và bố trí người đứng ở ngoài cổng các Hội đồng thi để quay những cảnh lộn xộn đó.

Cũng có ý kiến nói, thôi để cho HS tỉnh mình nó qua, chứ làm thế thiệt cho các cháu. Hơn nữa, một mình ông không làm được đâu và làm làm gì…

-Đã từng chứng kiến tình trạng này tái diễn ở nhiều hội đồng thi, ông nhìn nhận nguyên nhân vấn đề này như thế nào?

Cá nhân tôi thấy rằng, rất nhiều thầy cô có lỗi với học trò là đã để cho tình trạng quay cóp tràn lan xảy ra. Lỗi này trước hết là ở thầy cô giám thị. Sau đó là phụ huynh và bản thân HS có thói quen quay cóp. Phụ huynh cũng đi ném bài. Thậm chí, những người cao tuổi cũng đi ném bài…

Một yếu tố nữa tôi xin khẳng định là từ Giám đốc Sở đến Thanh tra Sở và thanh tra là giáo viên về các trường giám sát cũng biết thực trạng nhưng không có biện pháp chấn chỉnh. Vì thói quen đó ăn sâu vào nhận thức từng người dân.

Có thể nói từ năm 1999–2000 đến nay, tình trạng coi thi ở Hà Tây vô cùng tệ! Thể hiện rõ nhất ở khâu buông lỏng cho HS quay cóp.

Trước năm 1999, tôi dạy ở trường THPT Đồng Quan, chúng tôi đi coi thi, làm việc khá nghiêm túc. Từ năm 1999-2000, tôi về trường THPT Vân Tảo. Đến mùa thi, tôi được cử về Phú Xuyên A coi thi. C nhân tôi và một số đồng chí làm mạnh tay lắm nên khoá tốt nghiệp năm đó Phú Xuyên A trượt 15%.

"Người ta “ép” chúng tôi là chỉ có 5% HS yếu kém thôi, không cho HS hạnh kiểm kém nếu HS học yếu qúa...trong khi quy chế không quy định". Ảnh: Nguyên Nhung

- Đã hai lần xử lý " mạnh tay" tại Hội đồng thi Phú Xuyên A. Sẽ không loại trừ thắc mắc, ông có “trù úm” gì hội đồng thi này?

Cũng có người hỏi “có phải trước kia anh dạy ở Phú Xuyên A và bị nhà trường trù dập nên năm nay anh quay lại trả thù?” Tôi nói “chưa bao giờ nghĩ là đi trả thù ai. Và cũng chưa bao giờ dạy ở Phú Xuyên A".

Thời là giáo viên trường Đồng Quan, tôi đã từng coi thi ở  trường THPT Ứng Hoà, Thường Tín, Tô Hiệu, Phú Xuyên A và B. Từ năm 2000 về trường THPT Vân Tảo thì đã đi coi thi ở trường THPT Tô Hiệu, Phú Xuyên B, Phú Xuyên A, Nguyễn Trãi…

Trở lại vấn đề Phú Xuyên A, bản thân tôi mong muốn các cơ quan báo chí có những đề nghị thiết thực đối với những người trong ngành lên tiếng đối với sự thật này.

Chúng ta không thể để tình trạng như thế mùa thi năm nào cũng tái diễn.

-  Ông khẳng định tình trạng lộn xộn xảy ra phổ biến ở nhiều hộI đồng thi. Vậy tại sao ông chỉ "nhắm" vào Phú Xuyên A?

Vì những năm trước gần như tôi bất lực, tôi không đủ năng lực và thiết bị để thực hiện. Còn Phú Xuyên A là vì năm nay tôi làm giám thị ở đó.

"Tất cả giám thị không giấu giếm thông tin"

- Thưa ông, khi chuyện giám thị tố cáo giám thị xôn xao trên các diễn đàn, người ta cũng bàn tán ra vào rằng, liệu có ý đồ cá nhân gì của người tố cáo....

Tôi không có ý đồ nào ngoài tâm niệm duy nhất là mong muốn chấm dứt tình trạng thi cử như thế này. Để làm gì? Để HS nhận thức việc học kiến thức cho mình cần thiết hơn, các thầy dạy thu hút học sinh nghe giảng nhiều hơn.

Hiện, khắp nơi trên địa bàn các em không chịu học. Có “nhét” vào đầu chúng cũng không được chữ nào. Dẫn chứng ngay tại 2 lớp 11 tôi đang dạy, mỗi lớp không tới 10% có học lực trung bình.

Về phía giáo viên bị áp lực phải “cấy” điểm để các em ở lại lớp trong khi người ta “ép” chúng tôi là chỉ có 5% HS yếu kém thôi, không cho HS hạnh kiểm kém nếu HS học yếu qúa...trong khi quy chế không quy định Vấn đề này Bộ GD-ĐT và Sở năm nay có biện pháp yêu cầu chấm dứt khoán điểm này. Nếu chúng tôi không thực hiện, lại bị đánh vào thi đua giáo viên.

Do vậy đây có thể nói là lỗi của hệ thống từ trên xuống rồi…

-  Khi xác định tố cáo, ông nhìn nhận vấn đề xử lý của các đơn vị có chức năng sẽ tới đâu?

Qua theo dõi tôi thấy, các biện pháp mạnh mà các đơn vị đưa vào hiện chưa có. Tôi rất bức xúc vì cách trả lời của đồng chí tân Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây. Tôi thấy ông có vẻ chưa muốn xử lý cho nên cách trả lời chưa thuyết phục.

Mặt khác, các đồng chí trên Bộ GD-ĐT quá bận rộn nên cũng chưa có phương án xứ lý thích hợp.Tôi rất hoan nghênh Bộ đã chuyển tư liệu qua bên Công an, nên tôi tin: việc bé các đồng chí còn tìm được huống hồ việc to như thế này, ảnh hưởng đến 700 thí sinh, các em cũng sẵn sàng nói sự thật.

Ngoài ra, chúng tôi có 21 giám thị. Tất cả các đều không giấu giếm thông tin này nữa.

-  Quan điểm chống tiêu cực luôn được ủng hộ. Tuy nhiên, mặt sau của công việc này sẽ có nhiều bất lợi cho cá nhân và những người thân của người tố cáo khi quyết định công khai danh tính?

Điều này rất có thể sẽ xảy ra, nhưng tôi tin những người có lương tâm, HS biết nghĩ thì cũng hiểu việc thầy làm là đúng.

Có thể năm nay, nhiều HS của Hà Tây không tốt nghiệp. Nhưng tôi cũng kêu gọi các em hãy chịu thiệt một chút, mất một năm để củng cố kiến thức năm sau thi lại.

Đối với ngành giáo dục, cũng phải nhìn nhận và không thể để hỏng các thế hệ tiếp theo được nữa, mặc dù thời gian chấn chỉnh có thể mất chục năm hoặc lâu hơn. Hãy chấm dứt đi, các em hãy đưa mình vào khuôn phép. Nếu các thầy cô cứ làm ngơ như những năm vừa qua thì sẽ làm hỏng rất nhiều thế hệ HS tiếp theo…

Khi công bố những tiêu cực cho các cơ quan chức năng, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm.

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh- Nguyên Nhung (thực hiện)

Diễn tiến sự việc:

Ngày 31/5, theo tường thuật của ông Đỗ Việt Khoa, hội phụ huynh học sinh trường THPT Phú Xuyên A gặp gỡ thầy cô làm công tác coi thi và gửi quà là 300.000 đồng tiền phong bì và 300.000 tiền ăn. Ngày hôm sau, thông báo số tiền bồi dưỡng lại, là 700.000 đồng.

Ngày 1/6: Ông Khoa thông báo tình hình với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long và phản ánh tới báo chí.

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,