(VietNamNet) - Sau khi bài văn đạt điểm 10 kỳ thi ĐH 2006 được công bố, một số bạn đọc nhận xét bài văn này khá giống các bài văn mẫu ở một số sách tham khảo.
Ngày 10/8, phóng viên đã tìm hiểu thực hư và thấy có sự trùng hợp ngạc nhiên.
Câu số 2 bài văn đạt điểm 10 (phân tích hình tượng sóng trong bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh) hầu như giống hoàn toàn trong các cuốn sách “99 bài văn chỉnh lý, bổ sung – 198 bài văn và đề văn” của tác giả Tạ Đức Hiền (Nhà xuất bản Hà Nội) và cuốn “Cẩm nang bài văn” của cùng tác giả. Theo báo Tuổi Trẻ, bài văn này còn giống trong cuốn sách tham khảo “Kiến thức cơ bản văn học 12” do tác giả cùng tên chủ biên, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Ngày 11/8, VietNamNet đã có cuộc gặp gỡ thí sinh và cô giáo dạy thi ĐH của em
Hoàng Thuỳ Nhi là thí sinh đạt điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Đà Nẵng vừa qua. Nhi là con gái út trong một gia đình công chức bình thường tại khu phố 4 – phường 2, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
- Em đạt điểm 10 có vui không? Cách học của em chắc phảI đặc biệt lắm mới đạt kết quả như vậy?
Thuỳ Nhi: Dạ vui chứ anh, nhưng cũng lo, và nhiều người hỏi quá nên em mệt . Em rất yêu môn văn. Em đọc sách rất nhiều, toàn là các sách về lý luận văn học, sách tham khảo của môn văn. Thường thì , mỗi lần có đề văn, em lên dàn ý của bài làm, và viết bài theo lối tự do. Sau đó, em tham khảo các bài văn mẫu, viết lại một lần nữa mới nộp cô để cô sửa. Cuối cùng, em sẽ viết bài hoàn chỉnh.
- Với tất cả các đề chứ Thuỳ Nhi?
Dạ, bài nào em cũng làm như vậy.
Bài thi của em, đặc biệt là câu phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh được đánh giá rất cao, cụ thể là điểm 10. Em đã làm đề này lần nào chưa?
Em làm đề này đến ba lần. Lần đầu, khi em còn đi học ở trường (Thuỳ Nhi thi ĐH năm thứ hai). Cô giáo cũng đã chữa cho em một lần. Rồi khi đi học thêm, cô giáo Lan (cô giáo dạy luyện thi môn văn của Thuỳ Nhi) cũng đã dạy em về tác phẩm này. Cuối cùng là kỳ thi đại học. Em rất thích tác phẩm này nên đọc đi đọc lại nhiều lần các bài tham khảo liên quan đến tác phẩm.
Bài của em rất giống bài văn đề số 5 phần văn học sau 1945 trong sách 99 bài văn mẫu của tác giả Tạ Đức Hiển?
Dạ, nghe thông tin này em buồn lắm. Học văn là cảm thụ, là sáng tạo. Có thể em đọc nhiều lần bài văn mẫu nên những ý hay sẽ trùng lặp trong bài văn của em! Em không học tủ đâu vì học văn không thể học tủ!
Trao đổi với chúng tôi, Thuỳ Nhi cho rằng, bất cứ 1 HS nào có chút năng khiếu và quan trọng là biết cách học, đọc nhiều sách tham khảo đều có thể đạt kết quả như em.
Chúng tôi tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Lan - người trực tiếp luyện thi môn văn cho Thuỳ Nhi.
Cô Lan cho biết, Thuỳ Nhi là một học sinh gây ấn tượng bởi tính ham học hỏi, chăm chỉ và sáng tạo trong cách học. Tuy nhiên, Thuỳ Nhi chưa phải là học sinh xuất sắc mà cô từng dạy.
Cũng theo cô Lan, hiện tượng bài thi của Nhi giống bài văn mẫu, có thể là do em thích tác phẩm này nên đã học thuộc một cách nhập tâm.
Cô Lan cho rằng, việc xuất bản ồ ạt sách bài làm mẫu đã làm hạn chế sự sáng tạo của học sinh khi làm bài. Việc ra đề trùng lặp với đề mẫu, chấm theo theo đáp án chi tiết đối với môn văn là không hợp. Làm như vậy sẽ không tìm được học sinh giỏi thật sự.
- Kỳ Nhân
Tổ trưởng tổ làm đề thi Văn ĐH 2006: "Ra đề sáng tạo: Khó được chấp nhận"
Từ câu chuyện bài thi giống nội dung của sách tham khảo, bạn nghĩ thế nào về việc dạy và học văn hiện nay: